Nghỉ hè Tác giả: Hữu Tâm
Khoảng thời gian nầy, ngày xưa là lúc chúng ta nghỉ hè; ngày nay các cháu chúng ta cũng vậy. Mùa hè còn đọng lại trong mỗi chúng ta rất nhiều kỷ-niệm nó tùy theo hoàn-cảnh của mỗi người: đối với những người kẹt tuổi thì phải rời xa mái trường, có bạn rời xa vĩnh-viễn để rồi vĩnh-viễn chia lìa với cuộc đời nầy, có bạn nhờ gia-đình có điều kiện thì làm giấy nhỏ tuổi, rồi làm học-bạ và thành-tích-biểu lại rồi đến trường khác để tiếp tục việc học-hành, những người có cuộc sống khó-khăn thì được nhiều thì gian để đi làm thuê tiếp cuộc sống cho gia đình, có người bôn ba lên Sài-Gòn làm thuê kiếm thêm tiền cho cha mẹ, v.v... rất nhiều hoàn cảnh. À! Hiện giờ quê-hương mình (đồng bằng sông Cửu-Long) nước đã lên nhiều, nước thượng nguồn sông mê-kông chảy mạnh xuống dòng nước đục ngầu, mang theo rất nhiều phù-sa bồi đất cho đồng-bằng, lòng sông trở nên rộng hơn, nước vẫn cuồn-cuộn chảy xuống, (nhưng không nhiều). Ngày xưa nước chảy xiết đưa nguồn cá tra con dồi-dào về phía hạ lưu, những ai có dịp đi trên sông Tiền sẽ thấy có nhiều miệng đáy hứng cá tra đem vô hầm nuôi đến lớn để bán thịt. Nước lũ về mang theo nhiều sản-phẩm nhất là: củi, lục bình,… thuở xưa có rất nhiều người dùng ghe, xuồng bơi ra giữa sông Tiền hay Cái-Vừng để vớt củi, có người vớt chất thành đống rất to, các bạn trai còn cố tìm thêm tràm trái, đem về phơi khô chơi bắn tràm. Nhiều mầm bệnh phổ biến thuở đó: sốt rét, nhặm mắt, đường ruột, ... Khoảng thời gian nầy nước đã tràn vào đồng khá nhiều và những bạn ở quê có thêm việc làm phụ giúp gia đình bằng cách bơi (hoặc chống) xuồng vô đồng bắt óc, hái rau muốn thiên nhiên đem bán,... và cũng thật thú vị cho những bạn nghỉ hè về quê vô đồng câu cá, bắt ốc, hái rau muốn đồng nữa. Ngày nay vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên đã có nhiều con kinh ngang, xuôi dòng nước để đưa nước ngọt vào xổ chua, tháo phèn; nông dân khai hoang, chuyển từ trồng lúa một vụ thành hai vụ. Có kinh thì có dân ở, rồi lộ, chợ, trường học, trạm y tế và điện đến với vùng sâu, xa của thành thị ngày nào! Cuộc sống mọi người đã và đang có nhiều thay đổi và nhiều chuyện mà những bạn xa quê lâu ngày không hình dung hết: - Nhiều kinh, rạch dòng nước bớt chảy xiết và đục ngầu; nước dâng theo từng vùng do con người đào đấp nhiều bờ bao ngăn lũ đến tháng 8, có nơi ngăn lũ triệt để; không còn miệng đáy ứng ca tra con mà thay bằng nuôi cá lấy trứng để ép ra cá con; không còn sản phẩm trôi theo dòng nước lũ, nên không còn cảnh ghe, xuồng ra giữa dòng vớt củi; việc vào đồng bắt óc, hái rau chỉ xảy ra khi con nước lên thật cao và rất ít người vào đồng nữa do ốc, rau muốn còn rất ít; hiện giờ chưa có cá linh non; tuy nhiên có người đọc được ưa thích của người đô thị, họ đã ép và lai tạo cho ra những con cá duồng giống cá linh để đem ra chợ bán; những ngày đầu, chưa ai biết, họ bán và trúng giá rất cao! những người chưa quen mặt cá thì bị mắc lầm ngay; còn chuột đồng thì rất nhiều. - Bông điên điển mùa nầy chưa có; thay vì mộc hoang, người ta đã trồng nó theo các tuyến kinh vì con người trồng và vì kinh tế nên người ta phải chăm bón và phải xịt thuốc bảo vệ thực vật và như vậy nó không còn thiên nhiên như ngày xưa nữa rồi. - Ngày nay ý thức con người và khoa học đã phát triển nhiều, những bệnh sốt rét, đường ruột, nhặm mắt đã giảm rất nhiều, thay vào đó mùa khác tăng cao như: sốt xuất huyết, ngộ độc thực phẩm, nhất là các bệnh thời đại (dạ dày, tim, mạch) và bệnh hiểm nghèo. Phải chăng do môi trường suy thoái và thực phẩm dùng hàng ngày do con người chăn nuôi, trồng trọt trước khi bán ra thị trường, chưa được kiểm chứng dư lượng vì thế người tiêu dùng cứ ăn, uống (chưa kể hít thở)... vào cơ thể và sau một thời gian dài bệnh mới bắt đầu bộc phát? Mong rằng các bạn thỉnh thoảng vài năm có dịp về thăm lại quê mình.
|