phuchau nghe bài hát "Chuyện ngày xưa" vào khoảng thời gian này một năm về trước do một cô đồng nghiệp hay ngân nga khi đang làm việc: "Hôm nào em đến chơi mà quên mang tiếng cười..." phuchau hay phụ họa "Khi nào em đến chơi mà quên mang...money... " sau đó là ...tịt ngòi. Lời bài hát cũng bình thường thôi, nội dung là người yêu xưa tìm đến thăm và hai người ôn lại chuyện cũ nghe thấy chút vui pha lẫn chút buồn buồn. Do mưa dầm thấm đất phuchau đâm ra thích nên phải kiếm bằng được đem về máy nghe.
Chuyện Ngày Xưa
Sáng tác: Trúc Phương Ca sĩ: Nhạn Trắng Gò Công
Hôm nào em đến chơi mà quên mang tiếng cười Lặng im không nói Hai mươi tuổi đầu qua mất rồi khi nhìn sâu trong đáy mắt mưa rơi Nhạt son nét môi
Khi hỏi duyên cớ sao để hoa kia úa màu Nhìn nhau giây phút Em tôi bảo rằng thôi quá muộn ta gặp nhau khi áo cưới may xong Còn gì mà mong
Thôi em nhé xin trả về niềm cô đơn trước Cho anh bước xuôi ngược khi hai chúng mình vòng tay trót buông xuôi Dù gặp nhau cúi mặt bước mà thôi
Em về trong bóng đêm đường mưa loang ánh đèn Lửa thương chưa tắt Nên em để lại hương tóc dài Cho người yêu năm trước phút vui xưa Trở về mộng mơ
Sau đây là nguyên nhân "thích" của một cô nàng:
"....Thích vì những câu chữ rất gợi trong bài hát như "Hôm nào em đến chơi mà quên mang tiếng cười", hay "Khi nhìn sâu trong đáy mắt mưa rơi", hoặc là "Lửa thương chưa tắt nên em để lại hương tóc dài". Cụm từ "quên mang tiếng cười" rất hay, người nghe có thể hình dung được ngay tâm trạng và nét mặt của cô gái. Có một cái gì đó vương vương trong tâm tình của cô ấy, đến chơi nhà người quen mà vẫn phảng phất nét buồn man mác. Rồi hơn thế nữa, cô ấy chẳng những quên cười mà còn "đáy mắt mưa rơi". Những giọt nước mắt chưa tuôn rơi mà chỉ lóng lánh nơi đáy mắt như cố che giấu nỗi lòng. Nàng dù chẳng nói một lời, chẳng thở than, chẳng rơi một giọt lệ nhưng người tình cũ cũng đã tinh ý cảm nhận được khi “nhìn sâu” vào mắt nàng. Qua cách cảm rất tinh tế của chàng người nghe như đã phần nào chạm được vào niềm u uẩn của người yêu chàng. Một người thì kín đáo, lặng lẽ; một người thì tinh tế, dường như họ rất hiểu nhau dù chẳng nói với nhau một lời.
Giá như nàng thở than cho cuộc tình dang dở đã qua hay than thân trách phận cho cuộc hôn nhân hiện tại thì bài hát đã rơi vào lối mòn của hằng hà những ca khúc tình cảm phổ thông khác. Nhưng không như thế, có cái gì đó rất đáng chú ý ở nàng. Khi người yêu nàng chẳng thể dằn lòng phải cất tiếng hỏi "Khi hỏi duyên cớ sao để hoa kia úa màu", nàng đã rất nhẹ nhàng: "Thôi quá muộn, ta gặp nhau khi áo cưới may xong, còn gì mà mong". Chỉ có một chiếc áo cưới mới may xong thôi mà, đã chính thức là vợ của người ta đâu nhưng với nàng như vậy cũng coi như chim đã vào lòng, cá đã cắn câu rồi, “còn gì mà mong” nữa. Sao mà nghe xót xa quá. Có lẽ đây chính là điều khiến ta rung động và càng lúc càng bị cuốn hút hơn. Đó chính là tính cách chung thủy và khuôn phép rất Á Đông này đây. Cuộc hôn nhân hiện tại chắc rằng không mấy vui đối với nàng và bây giờ nàng đang đối diện với người yêu xưa với biết bao yêu thương của những ngày xưa cũ. Thông thường trong những tình huống như thế này người ta dễ khóc than kể lể cho thỏa nỗi lòng hoặc cùng người trong mộng nối lại tình xưa như lòng hằng ao ước. Nhưng cô ấy đã rất ý thức và biết dừng lại bên bờ lễ giáo. Chắc chỉ có phong tục của người Á Đông mới có được sự ràng buộc chắc chắn đến thế và điều đó góp phần tạo nên tính thủy chung, chịu đựng chỉ có ở phụ nữ Châu Á. Có thể nét thuỷ chung này bây giờ đã lỗi thời nhưng nó vẫn tạo nên sự kính trọng cho một nhân cách. Và nhân cách cao đẹp đó đã khiến người ta rung động. Niềm rung động đó càng mãnh liệt hơn khi đến cuối cuộc hội ngộ cô ấy ra về dù "lửa thương chưa tắt" mà cũng chỉ dám "để lại hương tóc dài" cho người yêu cũ. Rất tiết hạnh, dù tiết hạnh đó chắc chắn sẽ khiến lòng người trong cuộc quặn đau và tiếc nuối biết chừng nào.
Vừa nghe hát vừa thả hồn trong tưởng tượng ta như nhìn thấy cô gái trong bài hát là một cô gái rất đẹp với một mái tóc dài, đặc biệt là cô ấy có đôi mắt đẹp và buồn. Cô ấy dịu dàng, thùy mị, kín đáo. Và cô gái mang đậm tính cách Á Đông ấy có lẽ chỉ có ở ngày xưa thôi, ngày nay người ta đã yêu theo kiểu khác rồi, hiện đại và táo bạo hơn. Thế nên bài hát mới có tựa đề là "Chuyện ngày xưa". Vâng, ngày xưa của những Quỳnh Nga, Thoại Khanh, Châu Long ... đó mà."
pc
|