Một con vật trong thần thoại, được miêu tả trong kinh sách, và được tạo hình với sức tưởng tượng của người đời – người Tây Phương gọi là Unicorn, còn người Đông Phương gọi là Kỳ Lân. Với những hình dạng và mẫu chuyện khác nhau, hoặc Kỳ Lân hoặc Unicorn, thì con thú này mang vẻ đặc biệt có một cái sừng trên đầu, còn thân thì tương tự như những con thú khác gồm lại. Thêm vào đó sự xuất hiện của Kỳ Lân/Unicorn mang lại điều tốt cho nhân loại, cũng có liên quan đến truyền thống và tín ngưỡng tôn giáo cho nhiều nước. Từ nhỏ Thịnh Vượng thường theo mấy anh đi múa Lân khắp nơi mỗi khi Tết đến, nhưng không có tò mò rằng tại sao phải múa Lân lúc Tết đến? Vì sao Lân có hình dạng như vậy? Tại sao, tại sao, và tại sao? Con người thường là như vậy: ít có thắc mắc với những việc đã có sẵn trước khi lọt lòng mẹ. Thịnh Vượng chỉ biết nếu dịch theo tiếng Anh thì Kỳ Lân cũng có thể gọi là Unicorn vì chỉ có một cái sừng. Mãi đến khi gần đây có cơ hội đi Âu Châu được biết thêm câu chuyện về Unicorn, Thịnh Vượng mới hiếu kỳ để tìm hiểu sự khác biệt của Kỳ Lân ở bên Đông Phương và Unicorn của Tây Phương. Thịnh Vượng xin chia sẽ những gì mình hiểu được:
Đông Phương: Có người nói rằng Kỳ Lân đã xuất hiện hơn 5000 năm và có người nói rằng vào Thế Kỷ thứ 5 là đã có Kỳ Lân. Câu chuyện mà nhiều người tin nhất là sự xuất hiện hai lần của Kỳ Lân nối liền với cuộc đời của Khổng Tử. Lần đầu Kỳ Lân xuất hiện trước mặt mẹ của Khổng Tử và sau đó bà đã mang thai rồi sinh ra Khổng Tử. Lần thứ nhì người ta thấy Kỳ Lân là lúc nó bị thợ săn làm què cái chân. Ba năm sau đó thì Khổng Tử qua đời. Sau này người ta liên hợp đến sự hiện diện của Kỳ Lân là để báo trước sự ra đời của đức hiền nhân và lúc bị què là báo trước Thánh Nhân sẽ qui Thiên. Nhưng con vật linh thiêng này hình dáng ra sao?
Từ điển tả rằng Kỳ Lân là một loại thú linh, rất hiền, thuộc loài nai, mình vằn, đuôi trâu, vú ngựa, có một cái sừng trên đầu. Kỳ Lân không ăn gì khác ngoài cây cỏ nên còn được gọi là Nhân thú. Chưa hết! Có sách lại nói Kỳ Lân có sừng như nai, vẩy như cá, miệng phun lửa, có thể đi được trên đất và nước. Lại có ghi chú là Kỳ Lân mình như con bò, đầu như rồng, đuôi giống sư tử hoặc ngựa. Hoặc là sừng nai, tai chó, trán lạc đà, mắt quỉ, mũi sư tử, thân ngựa, chân hưu, và đuôi bò. Vào thời nhà Minh bên đất Trung Quốc, cũng đã có người xem hưu cao cổ như là Kỳ Lân. Tuy nhìn hung tợn, nhưng con vật này rất hiền hòa.
Nhiều cách diễn tả khác nhau vậy thì Kỳ Lân hình dạng thật sự ra sao? Có ai đã thấy bao giờ chưa? Chỉ có thể nói trong truyền thuyết có người đã thấy được mà thôi chứ thật ra không chứng minh nào cả. Dù cho có hay không, dù hình dạng khác biệt theo ý người như thế nào thì con vật này cũng đã là một truyền thống mà người Việt chúng ta mong sẽ mang đến tốt lành. Chắc có lẽ vì tin rằng sự xuất hiện của Kỳ Lân trong đời Khổng Tử chứng tỏ con vật này là một con vật tốt lành. Nên mỗi ngày Tết, ngày khai trương, hay tiệc thọ thì người Đông Phương có Múa Lân để chúc mừng và có mang ý tốt lành đến cho mọi người. Kỳ Lân cũng được xếp loại trong các vị Tứ Linh ( Long, Lân, Qui, Phượng) của người Việt mình. Tây Phương: Unicorn bắt đầu xuất hiện vào Thế Kỷ thứ 3, nhưng không rõ câu chuyện ra sao ? . Người Tây Phương miêu tả con Unicorn , mình ngựa, râu dê, đuôi sư tử, và thường là màu trắng. Có lúc còn có cánh để bay. Đặc biệt là sừng của Unicorn có thể dùng để trung hòa chất độc. Vì là vật tốt lành nên sừng của Unicorn đã được đem dùng làm ngôi cho vua nước Denmark ngồi. Hồi xưa người ta còn dùng sừng Unicorn để làm ly uống vì nghĩ là sừng sẽ làm tan hết chất độc có trong nước/rượu. Lúc ở Âu Châu, Thịnh Vượng được biết thêm họ xem Unicorn là biểu tượng của Chúa Giê-su (Chúa Cứu Thế). Ngộ là họ tin rằng Unicorn chỉ thuần phục với người phụ nữ đồng trinh. Những người thợ săn muốn bắt lấy Unicorn thì phải dụ cho Unicorn thấy và lại gần người trinh nữ rồi sẽ ngoan ngoãn tựa đầu vào đùi cô ta và ngủ đi.
Ở trong một lâu đài cổ của nước Scotland bây giờ tuy không còn dùng để cho những người quí phái ở nữa, nhưng họ đang có một công trình dùng từng cộng chỉ làm bằng tay để dệt lại bảy tấm thảm thêu kể câu chuyện của Unicorn (tượng trưng cho Chúa Giê-su thọ nạn và sống lại). Công trình này rất công phu vì phải ngồi từ sáng đến tối, đo từng tấc chỉ, không được nói chuyện hoặc phân tâm. Theo Thịnh Vượng được biết thì Unicorn còn là biểu tượng của nhiều Quốc Gia như Scotland, France, Czech Republic, Switzerland. Nhưng rồi lại có mấy ai thấy được con vật thiêng liêng này?
Vào năm 1663, có người ở bên nước Đức nói là đã tìm được một bộ xương và ráp ra được hình con Unicorn nhưng chỉ có 2 chân. Unicorn hai chân này chỉ được ráp bởi hóa thạch hoặc xương của những con thú khác. Có người còn lý luận rằng Unicorn thì phải có chân rẽ móng vậy thì đầu sọ cũng phả rẽ ra và không thể nào mọc được một sừng. Một giáo sư đại học ở Maine đã dùng nụ sừng của bê con để tạo ra bò một sừng chứng minh là thú có thể mọc chỉ một sừng cho dù chân rẽ móng. Và cũng có người nói tìm được xương con thật nhưng chỉ là giả mạo.
Thật ra có hay không?
Rất ngộ nghĩnh trong khi thế hệ con người trải qua rất nhiều đời và đời sau lại càng tân tiến hơn đời trước. Thí dụ như trong thế giới mà Thịnh Vượng tiếp thu trí thức thì toàn là khoa học, chứng minh, bằng cớ, nhưng lại còn rất nhiều chuyện chúng ta không thể trả lời được. Tuy vậy chúng ta vẫn còn quí mến đến con vật lạ này và xem là một con vật thiêng liêng mang ý tốt lành để rồi ảnh hưởng đến truyền thống, tôn giáo của chúng ta. Và truyền thống hay sự tin tưởng này vẫn còn truyền từ đời này sang đời khác.
Thịnh Vượng xin gởi những tấm hình chụp được ở Âu Châu và suy tầm được từ internet:
|