Lại gởi chị Lê Dum,
CÁI DUYÊN VỚI NHẠC TRỊNH NÓI RIÊNG
Ngày 21/5/2000, ngày thông xe cầu Mỹ Thuận! Sở dĩ em nhớ chính xác được ngày này vì có một sự kiện đặc biệt xảy ra với em. Lúc đó em đang đi dạy thỉnh giảng ở BL. Đang ngủ nửa đêm ở nhà khách của trường thì bọn em nghe tiếng gõ cửa phòng. Khi em mở cửa thì mới biết một chị là CBGD của trường ĐHSPKT TP HCM cũng được mời dạy ở đây, vì bị kẹt xe ở Mỹ Thuận nên đến nửa đêm chị mới tới. Trưa hôm sau, chị lên văn phòng trường mượn về cái máy casette SONY to tướng và 2 băng nhạc. Chị bảo: “Hôm qua bị kẹt xe suốt ngày, nếu không có mấy băng nhạc này thì làm sao mình chịu nổi!”. Thì ra đó là 2 băng nhạc Trịnh của tài xế (của ông HT trường): BÊN ĐỜI HIU QUẠNH và LẶNG LẼ NƠI NÀY. Trời ơi, nhạc Trịnh với giọng hát Khánh Ly điêu luyện hơn thời trẻ cộng với kỹ thuật hòa âm phối khí và âm thanh tuyệt hảo làm bọn em chết mê chết mệt. Bài MỘT CÕI ĐI VỀ - đỉnh cao của chủ đề về thân phận con người - mới tuyệt vời làm sao! Không thể có ai hát bài này hay được như vậy! Tối đêm đó, bọn em vừa ngồi soạn đề vừa nghe nhạc, đến 00h rồi 01h sáng mà đầu óc vẫn tỉnh như sáo. Lại bài IM LẶNG THỞ DÀI, càng hợp thời hợp cảnh! Ôi còn gì hay hơn nữa! Trước và sau 1975, bọn em cũng biết một số bài hát của TCS nhưng có khi nào được rảnh rỗi và có cơ hội được thưởng thức trọn vẹn như vậy đâu. Do đầu tắt mặt tối và do một phần nhà em chưa có điện! Trước đó em chỉ có băng “SƠN CA 7” với giọng Khánh Ly thời trẻ (nghe bằng cái máy casette TQ xài pin, đã bán ve chai lâu rồi) mà ông anh rể em cũng như vợ chồng đứa bạn khi đã sang (băng) được thì lúc nào cũng “ôm” nghe. Trong 2 băng nhạc mới biết này có những bài quen thuộc và những bài thật lạ đối với bọn em. Quá thích! Thế là hôm sau đem băng ra dịch vụ nhờ họ sang lại giùm.
Về CT, em đi mua ngay một máy casette loại bỏ túi hiệu SONY để tiếp tục nghe nữa. Rồi em cũng khoe với nhiều người, họ cũng khoái và nhờ em sang lại giùm. Ra tiệm sang băng, em nghe chú chủ tiệm bảo: “Ở đây em có đĩa đó, em sẽ sang cho chị từ đĩa cho nó hay” rồi chú đưa cho em nguyên một cuốn danh mục các đĩa. Em phát hiện là tiệm chú có rất nhiều đĩa nhạc Trịnh khác, và cả mấy cái đĩa nhạc tiền chiến với những bản nhạc mà em để ý tìm mấy chục năm nay, hỏi thăm rất nhiều người quen dạy nhạc nhưng không ai có, như HÒN VỌNG PHU, THIÊN THAI, BẾN XUÂN, CON THUYỀN KHÔNG BẾN, ĐÊM ĐÔNG,… Chú chủ tiệm cũng rất hợp gu với em. Khi chị em trò chuyện, hỏi thăm nhau, em mới biết thêm rằng chú là “đồng môn” của em ở ĐHCT, học sau em 12 khóa, đã “mất dạy” và chuyển sang làm nghề bán+sang băng-đĩa. Chị em tâm đắc nhau đến nỗi về sau khi em nhờ sang băng, chú đã không lấy tiền công nữa kèm theo câu nói “Chị em mình mà chị!”. Từ khi em mua được máy casette sang được từ đĩa CD và từ băng sang băng, em đã nhiều đêm làm mồi cho muỗi đói để sang băng tặng cho người này, người nọ hoặc chỉ lấy lại tiền băng trắng. Em thấy thật vui vì đã đem lại niềm vui cho người khác.
Sau khi TCS mất - ngày 01/04/2001, hàng loạt những đĩa nhạc TCS được phát hành (chính thức và lậu) và bán đầy ở các tiệm băng đĩa, em tha hồ sưu tầm và lưu trữ. Từ những đĩa CD, đến VCD, đến MP3. Từ chỗ yêu nhạc Trịnh, em đã có thêm nhiều bạn tâm giao đó chị. Năm 2003 em đã đoạt giải nhất Karaoke khi hát một nhạc phẩm của TCS-bài BIỂN NHỚ (Hi hi…hay ho gì đó mà khoe! Thấy mà ghét!).
Khi chưa biết "lên mạng" là gì, em đã tốn khá nhiều tiền sưu tầm chẳng những những băng/đĩa nhạc mà còn những sách/báo nói về TCS. Khi chú em "đồng môn" đi dạy lại và bỏ nghề bán băng đĩa, mấy mẹ con em thường ghé một tiệm khác ở CT để lùng các đĩa nhạc yêu thích, ghé thường đến nỗi quen luôn cô chủ tiệm. Khi biết em quê ở Tân Châu thì cô càng yêu quý mẹ con em hơn vì nhà cô hồi xưa ở gần chùa Giồng Thành.
Sau này thì lên mạng tha hồ mà tìm thêm, download về rồi nghe thẳng trên máy VT, một số đĩa cũng được bọn nhỏ chép vô máy để làm của. Vì vậy, sau này rất ít khi bọn em nghe nhạc qua cái đầu đĩa như trước. Lâu lâu em mới ghé tiệm cô bạn đồng hương một lần và khi đó cô rất mừng rỡ. Tình đồng hương mà!
Ôi nhạc Trịnh! Bọn nhỏ nghe cũng tấm tắc "Ôi, sao lời ca hay quá!". Chúng đặc biệt thích ĐÊM THẤY TA LÀ THÁC ĐỔ (Một đêm bước chân về gác nhỏ. Chợt nhớ đóa hoa Tường Vi…), BÊN ĐỜI HIU QUẠNH (Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa, giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì…), DẤU CHÂN ĐỊA ĐÀNG (Trời im gió và mây về ngang bên lưng đèo…), RU TA NGẬM NGÙI (Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình. Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên…), RU ĐỜI ĐI NHÉ, RU EM TỪNG NGÓN XUÂN NỒNG, LỜI MẸ RU,… Mặc dù thích nhưng chúng ít nghe vì "Hay thật, nhưng sao nghe thấy buồn quá!". Do đó, em chỉ nghe thả cửa khi nào tụi nó đi vắng hết.
Túm lại, dù trước đó em đã biết một số bài nhạc Trịnh nhưng sự kiện kẹt xe ở cầu Mỹ Thuận ngày 21/05/2000* đã vô tình đưa em đến với "thế giới nhạc Trịnh" một cách sâu sắc và cuồng nhiệt hơn. Dĩ nhiên đó là cơ hội, còn cái thuộc về "cảm nhận", thuộc về xúc cảm-tình cảm là do bản thân mình: em không hề theo đuôi ai về thị hiếu, em hoàn toàn độc lập đó chị à. Hơn nữa, xúc cảm-tình cảm mà, nó luôn luôn mang tính chất tự nguyện (ở đây là xúc cảm-tình cảm thẩm mỹ).
Đã nghe nhạc Trịnh cùng các nhạc phẩm tiền chiến, một số bài về tình yêu trong sáng, về quê hương vào khoảng năm tám mươi mấy thì làm sao "cảm" nổi một số bản nhạc thô thiển, trần trụi, rẻ tiền ngày nay, những bản nhạc mà một số nhạc sĩ lão thành đã nhận xét: [i]"chỉ là những phế phẩm!"
Em thì như vậy đó chị ơi! Còn chị và mọi người thì sao nhỉ?
Cảm ơn chị và mọi người đã chịu khó đọc đến dòng cuối cùng này.
BONGDIEUNGOCLA --------------------------------------------------------------------------------- * Chuyện ngoài lề: Chị CBGD bị kẹt xe đó là một người cũng rất thú vị. Một chuyện nhỏ về chị: Lúc nhỏ nhà rất nghèo, chị phải đi chăn vịt mướn. Nhiều khi đi chăn vịt gần đường (QL 1A, đoạn qua tỉnh Tiền Giang), nhìn ôtô qua lại, chị đã ước rằng sau này mình cũng được đi trên những chiếc ôtô đó. Và, sau một quá trình nỗ lực vượt khó khăn để học tập, chị đã có học vị thạc sĩ, được mời đi dạy khắp các tỉnh, LUÔN LUÔN CÓ ÔTÔ ĐƯA ĐÓN đến tận nơi! Bởi vậy, đời mà, ai "biết ra sao ngày sau", phải không chị???
************************************ "Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"
|