Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 23 Tháng 9 2024, 10:27
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» BAY VỘI VỀ ĐÀN (Phần 4) «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 9 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 2398 | Trả lời: 8)
Tiêu đề bài viết: BAY VỘI VỀ ĐÀN (Phần 4)
Gửi bàiĐã gửi: 21 Tháng 7 2007, 02:12
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 67
Sinh nhật: 00-00-1957
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 10:22
Bài viết: 328

Người tạo chủ đề
Phần 1: http://tan-chau.com/Hoi_Ky/bayvoivedan.htm (Về thầy Dương Văn Út)

Phần 2: http://tan-chau.com/Hoi_Ky/bayvoivedan2.ht

Phần 3: http://tan-chau.com/Hoi_Ky/bayvoivedan3.htm (về thầy Võ Văn Nhiều)


BAY VỘI VỀ ĐÀN (Phần 4)

Như đã nói ở phần đầu của “Bay vội về đàn”, lớp chúng tôi học hành rất đàng hoàng, sôi nổi nhưng cũng nổi tiếng là nghịch ngợm, lí lắc.
Đối với các Thầy Cô, dù mới tra trường hay đã có thâm niên nghề nghiệp, chúng tôi cũng một mực kính trọng vì hồi đó thực sự “Thầy ra Thầy”. Để trở thành Thầy Cô giáo, các Thầy Cô đã có một quá trình học học tập, rèn luyện nghiêm túc để vượt qua được những kỳ thi gạn lọc rất gắt gao, đã được đào tạo chu đáo với những nội dung thiết thực. Ra trường, dù không hô hào bằng những từ ngữ đao to búa lớn, nhưng các Thầy Cô thực hiện tốt các nhiệm vụ nghề nghiệp của mình chỉ bằng chính lương tâm trong sáng và thực tài của mình. Các Thầy Cô có điều kiện để sống ung dung mà tập trung lo cho chuyên môn của mình, cuộc sống kinh tế không phụ thuộc vào học sinh hay Phụ huynh học sinh, nếu có mở cua (dạy thêm) thì cũng là để học sinh củng cố và nâng cao trình độ chứ không phải chủ yếu là để tăng thu nhập. Các Thầy có dạy cua không áp dụng bất cứ một chiêu nào để “dụ” học sinh. Bản thân tôi vẫn luôn được đối xử công bằng với các bạn có học cua, dù suốt 12 năm học tôi chưa hề biết học cua là gì.
Nhưng sự kính trọng đó vẫn không ngăn cản chúng tôi nghịch ngợm, chọc phá các Thầy Cô, có khi công khai, có khi ngầm, nhất là đối với các Thầy Cô trẻ.


VỚI THẦY LA HỒNG HUY


Thầy về trường năm chúng tôi đang học lớp 11. Thầy dạy môn Hóa ở lớp tôi (và lớp nào nữa?) và môn Sinh hoạt học đường cho các lớp 11 và 12. Thầy còn trẻ măng, nhiệt tình, mỗi lần hướng dẫn chúng tôi sinh hoạt ngoài trời, với cái nón kết trên đầu, trông Thầy giống như một nam sinh. Chúng tôi ái mộ Thầy, thường kháo với nhau rằng “Thầy tuổi trẻ mà tài cao”, nhưng cũng tìm mọi cách để chọc ghẹo Thầy nếu có dịp.
+ Chuyện thường xuyên nhất là trong giờ học, sau mỗi câu nói của Thầy, chúng tôi hưởng ứng bằng cách cố ý nói “Dà...Dà...Dà...” (“Dà” chứ không phải là “Dạ” đâu nhé); Một số bạn khi lên trả bài (bị kiểm tra vấn đáp) hoặc phát biểu, đứng khoanh tay một cách cung kính và luôn xưng “Con” với Thầy (cố ý chọc tức Thầy đó vì làm như Thầy là ông cụ, nhưng Thầy đâu thể nói gì, vì mấy đứa học trò này “lễ phép” quá mà!).
+ Hễ Thầy sơ ý một chút là bị chúng tôi “gắn đuôi”, “dán mác”. “Đuôi” giống như đuôi diều con nít chơi, một đầu có gắn móc bằng dây chì để có thể móc vào bâu áo sơ mi phía sau. Nếu gắn thành công thì bấm nhau mà cười khúc khích vì mỗi khi Thầy quay mặt lên bảng thì nhìn sau lưng Thầy thấy rất buồn cười. “Mác” cũng giống như đuôi, chỉ khác ở chỗ nó ngắn và bề ngang rộng hơn với dòng chữ đề “Áo bán rẻ!” hoặc “Lưng nè quýnh đi!”. Các bạn nam lớp khác cũng là nạn nhân của trò đùa này, đến nỗi sau này muốn đi ngang lớp tôi họ phải quẹo xuống sân, không dám đi trên hành lang! Riêng mác dành cho các bạn này thì còn có thêm loại độc đáo hơn: có thể gắn lên đầu với dòng chữ “Đầu nè cú đi!”. Thật là hết chỗ nói!


VỚI THẦY NGUYỄN VĂN TÀI – CÔ LÝ THỊ HOANH


Thầy Tài, Cô Hoanh cũng là đối tượng để chúng tôi trổ “tài tinh nghịch”. Cũng như Thầy Huy, Thầy Tài thường xuyên bị chúng tôi gắn đuôi, đến nỗi khi lên lớp, mỗi lần thấy trong chúng tôi có đứa cười tủm tỉm thì Thầy ngoái cổ ra sau, cố nhìn hết bên trái đến bên phải để nhìn xem có bị gắn đuôi không. :) Ngoài chuyện bị gắn đuôi, dán mác, Thầy còn bị chúng tôi ghép đôi với cô Hoanh (năm đó chúng tôi đã lên lớp 12). Mỗi lần Thầy lên lớp là chúng tôi giả bộ nhắc đến Cô Hoanh: “Thầy ơi! chúng em mới vừa học xong giờ Cô Hoanh đó Thầy”; “Thầy ơi! Hôm nay Cô Hoanh mặc cái áo dài đẹp lắm!”. Hôm khác đến giờ Cô Hoanh thì chúng tôi lại nói: “Cô ơi! chúng em vừa mới học giờ Thầy Tài”; “Cô ơi! Hôm nay Thầy Tài mang đôi giày mới!”. Nhớ nhất là có lần Thầy Tài bị đau mắt đỏ, Thầy mới bước vào lớp thì có đứa vừa dứng lên chào Thầy (cùng với cả lớp, như thường lệ) miệng vừa lẩm bẩm đủ cho Thầy và cả lớp đều nghe chỉ một câu “Chuối non giú ép chát ngầm” (còn câu tiếp theo thì... ai muốn hiểu sao thì hiểu!). Thầy hiểu ngay và lườm chúng tôi một cái thật sắc.

Vậy đó, mỗi lần bị chọc ghẹo, Thầy chỉ rầy bọn tôi bằng cách lườm và sau đó...cười hiền. Chúng tôi thấy mấy Thầy Cô thật tinh tế: hiểu rằng mấy đứa này không phải là hỗn láo, chỉ lí lắc thôi chứ không có ác ý gì, mà chúng lại lo học hành tích cực nữa chứ. Còn Cô Hoanh, mỗi lần bị chọc ghẹo, Cô chỉ chớp chớp đôi mắt rồi cười tủm tỉm. Rời khỏi trường được vài năm, tôi hay tin Thầy Cô kết hôn với nhau. À, thì ra hồi đó tụi mình có con mắt nhìn không tệ!
Hè năm rồi, nhân về quê đám giỗ Bà Ngoại tụi nhỏ, tôi có ghé thăm Thầy Cô. Cô rất vui và đã giữ tôi lại dùng cơm trưa cho bằng được. Hai Cô trò vừa nấu cơm vừa nhắc lại những kỷ niệm của “hồi đó”. Những kỷ niệm của “hồi đó’ đó, với tôi, nhắc hoài cũng không hết. Vì tôi là đứa “nhiều chuyện” mà, hìhì.


VỚI THẦY LÝ BẢO THIỆN


Vui vẻ, hay đùa, hoạt bát, trẻ trung, phóng khoáng, giọng giảng bài giàu nhạc điệu là những nét đặc trưng của thầy Bảo Thiện. Thầy dạy chúng tôi vào những năm TH đệ nhất cấp (tức THCS bây giờ). Tương tự như giờ của “Cậu Tư Kiên bán bánh lọt”, giờ dạy của Thầy rất vui và sôi động, hầu như Thầy - trò vừa dạy - học vừa giỡn suốt, mà người nổi bật nhất hay đùa tếu với Thầy là chị Bảo Toàn (nghe tên hai Thầy trò cứ tưởng như là hai anh em hay hai chú cháu). Có đứa giỡn quá lố bị Thầy rầy: “Tao đập đầu mày bây giờ!”. Tôi cũng có lần bị Thầy nhéo lỗ tai.
Năm lớp 10, một hôm lớp đang học thì Thầy bước vào lớp, chúng tôi đứng lên chào. Thầy không cho lớp ngồi xuống mà đứng giữa lớp ngắm nghía và gọi 10 đứa lên đứng phía trên (trong đó có tôi – những đứa cao cao và tóc dài) rồi Thầy thông báo: “Mười em này sẽ được đi Châu Đốc theo Đoàn Vận động viên điền kinh để ủng hộ đoàn thi đấu ngày.... Khi xong việc tất cả sẽ được đi núi Sam. Nhớ mặc bộ đồ kẻng nhất, như em Ngọc La nè nhe” (Hôm đó tôi mặc bộ đồ dài mới may từ tiền học bổng đặc biệt). Cả lớp cười và tập trung ngắm nghĩa làm lúc đó tôi “quê” đỏ mặt. Giờ nhớ lại, tôi thấy cách làm đó của nhà trường (chọn HS đi đâu đó) thật đơn giản và nhanh chóng [tức không phải theo qui trình: ra thông báo, bắt Giáo sư hướng dẫn (GVCN) chọn và làm báo cáo – Vì hồi đó, giáo sư hướng dẫn nói riêng và các Thầy Cô giáo nói chung chỉ đơn thuần làm công tác chuyên môn; những việc mang tính chất hành chính thì có bộ phận khác lo]. Hôm thi đấu ở Châu Đốc, đoàn đoạt được rất nhiều huy chương, Thầy bảo một phần là nhờ có mấy đứa ủng hộ. Sau khi dùng cơm trưa ở một quán ăn khá sang, tất cả được cho đi chơi núi Sam. Đến nơi, không thấy Thầy đâu, hỏi ra mới biết là Thầy cùng một số bạn đã “cúp” để đi rạp xinê xem phim “Nhà Tôi”! Đấy, phong cách của Thầy là vậy, nhiệt tình, sôi nổi, tháo vác nhưng cũng rất...“cá tính”.
Một ông anh ở xóm tôi rất giống Thầy Bảo Thiện, cả về hình dáng lẫn phong cách. Vì vậy, mỗi lần về quê gặp ông anh này là tôi lại nhớ đến Thầy. Bị cuốn trôi theo những dòng xoáy của cuộc đời, tôi không được tin tức gì về Thầy, mãi đến...sau khi Thầy mất mấy năm tôi mới hay hung tin!


VỚI THẦY VÕ VĂN NHIỆM


Thầy Nhiệm dạy môn Âm Nhạc cho lớp tôi vào hai năm Đệ thất và Đệ lục. Học giờ Thầy bao giờ cũng vui vẻ, thoải mái. Những kiến thức về nhạc lý tôi có được là từ những bài học của Thầy. Những bài hát sinh hoạt tập thể đơn giản, vui nhộn mà Thầy đã dạy, tôi còn thuộc và nhớ đến tận bây giờ. Chúng ta cùng ôn lại vài bài nhé các bạn.

- Bài một:
“ Tang tang tang tình tang tính
Ta ca ta hát vang lên
Hát lên cho đời tươi thắm
Hát lên cho quên nhọc nhằn
Cùng nhau ta ca hát lên
Cho át tiếng chim trong rừng
Cho tiếng suối reo phải ngừng
Cho rừng xanh đón chờ ta... la...la...la...”


- Bài hai:
“Nào quây quần ta vui vui vui...
Ca hát với nhau chơi chơi chơi...
Rồi lên tiếng reo cười cười cười...
Làm vui thú bao người người người...

Nào ai từng trông thấy thấy thấy...
Nào ai dám vui reo reo reo...
Được trông thấy đuôi chuột chuột chuột...
Xỏ đuôi váy tai mèo mèo mèo...”

(Trong cuộc sống, tôi đã nhiều lần “Hát lên cho đời tươi thắm. Hát lên cho quên nhọc nhằn”. Nghe bài này ôi sao thèm một chuyến đi dã ngoại trong rừng cùng với bạn bè quá!)
........

Học môn Âm nhạc của Thầy, thích nhất là các bài kiểm tra luôn luôn dưới hình thức trắc nghiệm khách quan, chỉ cần khoanh, khỏi viết gì hết. Thi trắc nghiệm, mới đối với tụi nhỏ bây giờ, nhưng đối với các “tiền bối” của chúng thì đã cũ rồi đấy?
Nhớ lúc Thầy dạy đến “dấu ngắt” trong bản nhạc, bọn tôi – mấy đứa ngồi bàn nhất quay qua ngắt vào tay của đứa ngồi kế. Thấy vậy, Thầy “hứ” và nói: “Mấy nhỏ này, nói đến “ngắt” là nó ngắt liền hà. Ngắt vậy cho nhớ phải không?”. Nói xong Thầy lại cười. Bây giờ, mỗi lần nhìn vào một bản nhạc là tôi lại nhớ đến người Thầy dạy nhạc giản dị, vui vẻ; nhớ đến những bài học về khóa Sol, về nhịp, phách, về trường độ, cao độ, về dấu lặng, dấu ngắt,...
Vừa rồi, qua bài giao lưu “Gởi bạn Hữu Tâm” của Nguyễn Xuân Huy, trong tôi hiện lên hình ảnh một Thầy Nhiệm không thoát khỏi cái vòng “Sinh, Lão, Bệnh, Tử” nghiệt ngã. Thầy ôi... em ứa nước mắt rồi... Thầy ôi... Thời gian có bao giờ trở lại... :( :( :(
Tối 18/7/2007 (CÒN TIẾP)


************************************
"Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: BAY VỘI VỀ ĐÀN (Phần 4)
Gửi bàiĐã gửi: 21 Tháng 7 2007, 19:19
Ông...nào đó (ôi, cái bệnh hay quên, dấu hiệu của một bộ óc sắp tê liệt) thật là đúng khi nhận xét rằng các bài hồi ký của Ngọc La làm trang Hồi Ký sáng lên.
Học giả Nguyễn Hiến Lê từng bảo Gọn và Sáng là 2 cái Đức của văn.
Văn của cô cựu học sinh THCL/TC này gồm đủ 2 cái Đức ấy.
Đọc cô mà tôi ..."ứa nước mắt", tội nghiệp cho cái thứ văn ngắc ngứ, tối mò của mình.

Cái bệnh của tôi là đọc ai tôi cũng muốn viết liền ra cảm nghĩ của mình. Mấy dòng này (chen vào ngang xương) e làm mất đẹp mấy bài Hồi ký của tác giả, nhưng bệnh đã thành tật rồi, mong Ngọc La thông cảm. Khi nào có BVVD phần 5, tôi sẽ xóa những dòng này.


Đầu trang
Tiêu đề bài viết: Re: BAY VỘI VỀ ĐÀN (Phần 4)
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 7 2007, 11:01
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 67
Sinh nhật: 00-00-1957
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 10:22
Bài viết: 328

Người tạo chủ đề
Đọc cô mà tôi ..."ứa nước mắt", tội nghiệp cho cái thứ văn ngắc ngứ, tối mò của mình.
=========================================
Được khen mà nói thật, Ngoc la không hề thấy mừng tí nào! Vì các Anh Chị, các Bạn nhiều người quá khiêm tốn. NL nhớ ngày xưa các Thầy Cô dạy Quốc Văn dạy chúng ta rất kỹ về văn phạm, khi chấm bài sửa cho chúng ta từng li từng tí, và tuyệt nhiên không hề có chuyện "bài văn mẫu"! Thế mà bây giờ nhiều người cứ nói rằng mình viết không được, rằng mình viết không văn chương. Thật đó là lý do thiếu tính thuyết phục khi các bạn dựa vào đó để không viết bài cho trang web của mình. Ở đây đâu phải là nơi đòi hỏi các cây bút chuyên nghiệp! Viết vài ý, nhắc lại kỷ niệm, nói lên cảm nghĩ của mình về nhà trường, về Thầy Cô, bạn bè, chả lẽ một HS đã học phổ thông như chúng ta không làm được!!! Bản thân NL còn rất nhiều ý tưởng, định rảnh sẽ viết tiếp nữa, nhưng trước tình hình này, NL cảm thấy lạc lõng và không biết sẽ còn cảm hứng để cầm viết hay không! Không lẽ NL thật sự là "con chim côi" Hay là có...một cái gì đó không bình thường!!! Đời mà, cái gì bình thường thì đã là không bình thường; mà không bình thường thì âu cũng là bình thường??? Mọi người ôi! Đừng vì đố kị với một cá nhân nào đó mà xa lánh cả trang web, nó không có tội tình gì! Xin đừng làm các Thầy Cô nói chung và các Thầy Cô dạy văn buồn!!!


************************************
"Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: BAY VỘI VỀ ĐÀN (Phần 4)
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 7 2007, 20:00
Ngoc La {L_WROTE}:
Đọc cô mà tôi ..."ứa nước mắt", tội nghiệp cho cái thứ văn ngắc ngứ, tối mò của mình.
=========================================
Được khen mà nói thật, Ngoc la không hề thấy mừng tí nào! Vì các Anh Chị, các Bạn nhiều người quá khiêm tốn. NL nhớ ngày xưa các Thầy Cô dạy Quốc Văn dạy chúng ta rất kỹ về văn phạm, khi chấm bài sửa cho chúng ta từng li từng tí, và tuyệt nhiên không hề có chuyện "bài văn mẫu"! Thế mà bây giờ nhiều người cứ nói rằng mình viết không được, rằng mình viết không văn chương. Thật đó là lý do thiếu tính thuyết phục khi các bạn dựa vào đó để không viết bài cho trang web của mình. Ở đây đâu phải là nơi đòi hỏi các cây bút chuyên nghiệp! Viết vài ý, nhắc lại kỷ niệm, nói lên cảm nghĩ của mình về nhà trường, về Thầy Cô, bạn bè, chả lẽ một HS đã học phổ thông như chúng ta không làm được!!! Bản thân NL còn rất nhiều ý tưởng, định rảnh sẽ viết tiếp nữa, nhưng trước tình hình này, NL cảm thấy lạc lõng và không biết sẽ còn cảm hứng để cầm viết hay không! Không lẽ NL thật sự là "con chim côi" (có nghĩa là nó ở đâu thì những con chim khác bay sang nơi khác; nó biết ổ của ai thì người ta phá ổ hoặc dời ổ đi chỗ khác???) Hay là có...một cái gì đó không bình thường!!! Đời mà, cái gì bình thường thì đã là không bình thường; mà không bình thường thì âu cũng là bình thường??? Mọi người ôi! Đừng vì đố kị với một cá nhân nào đó mà xa lánh cả trang web, nó không có tội tình gì! Xin đừng làm các Thầy Cô nói chung và các Thầy Cô dạy văn buồn!!!



Bạn Ngọc La,

Tôi dù có ứa nước mắt, tôi nghiệp...gì gì đó thì rồi tôi vẫn cứ viết, hồ hởi phấn khởi viết, viết tá lả. Bởi vì vào đây là về lại tuổi học trò của mình. Mỗi lần vào Web nhà là mỗi lần tôi trở lại làm cậu học trò ngây thơ, hồn nhiên và mơ mộng ngày nào. Tôi yêu tôi ngày đó. Tôi ngày đó mới thật là tôi, mới đáng yêu. Chứ tôi bây giờ thì quăng thùng rác.
Thấy cần nói trước, chỉ một lần, để tránh ngộ nhận về sau : tôi ngày đó có một cái tật lớn là cứ muốn đùa thì lại làm ra vẻ nghiêm trang.
Bạn mà không tiếp tục viết nữa thì chắc tôi là người đầu tiên rất thật là buốn.
Bạn không là con chim côi đâu, cô bạn thân mến !


Đầu trang
Tiêu đề bài viết: BAY VỘI VỀ ĐÀN (PHẦN 5)
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 8 2007, 13:10
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 67
Sinh nhật: 00-00-1957
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 10:22
Bài viết: 328

Người tạo chủ đề
* VỚI THẦY LÊ BÁ TÒNG


Thầy dạy chúng tôi môn Pháp văn hai năm lớp 10 và 11 (Đệ nhất cấp thì Cô Thanh Vân và Thầy Út; lớp 12 thì Cô Hoanh). Thầy có nước da trắng hồng, dáng người mảnh khảnh, tính tình nhu mì, mềm mỏng, hay mắc cỡ. Đặc biệt ở Thầy toát lên sự cẩn thận, tươm tất, sạch sẽ gần như tuyệt đối. Nghe nói Thầy người gốc Hoa, lớn lên học ở trường Tabert Sài Gòn, do đó mà có những từ Tiếng Việt Thầy không rành lắm. Dù vậy, khi lên lớp, có những tình huống phải giảng giải rõ ràng nhưng hơi khó khăn trong việc chọn từ thích hợp thì Thầy chỉ hơi ngập ngừng giây lát rồi lại tìm ra một từ thật “đắc”, “đắc” đến nỗi không thể có từ nào hay hơn! Những lúc đó chúng tôi vô cùng khâm phục Thầy. Như các Thầy Cô khác, Thầy rất tận tụy và nhiệt tình trong giảng dạy. Ngoài những bài học trên lớp, Thầy còn khuyến khích chúng tôi viết thêm những bài luận bằng tiếng Pháp để rèn kỹ năng viết (tôi là đứa viết được nhiều bài, rồi nhờ Thầy đọc và sửa dùm. Sao hồi đó mình siêng ghê!).

Với Thầy Tòng, chúng tôi ít gắn đuôi mà đùa với Thầy kiểu khác. Kiểu gì ư? Là vầy, có những lúc phải mô tả một con vật, một sự vật hay một hành động nào đó mà hơi gặp khó khăn về từ ngữ thì Thầy thường vẽ hình lên bảng. Hình vẽ của Thầy rất buồn cười nên bọn tôi thường giả bộ không hiểu lời mô tả của Thầy để kiếm cớ đề nghị Thầy vẽ: “Thầy vẽ hình đi Thầy” để có dịp cười thoải mái.

Nhà của bạn Nguyễn Thị Ngân, nơi hàng ngày bọn tôi gởi xe đạp và thay áo dài, chỉ cách nhà Thầy Cô (Thầy Tòng, Cô Thu) có một căn; bước ra sau bếp thì thấy sàn nước nhà Thầy. Vì vậy bọn tôi có nhiều dịp để gặp Thầy hàng ngày. Ba bé gái của Thầy Cô lần lượt ra đời với những cái tên ở nhà rất ngộ nghĩnh và dễ thương: Bánh Tiêu, Bánh Bao và Bánh Cam.

Những năm về quê sống và giảng dạy môn Pháp Văn ở trường cấp II gần nhà, mỗi năm tôi có dịp gặp Thầy một lần trong đợt đi dự Hội thảo về môn Tiếng Pháp (lớp 6,7,8,9). Năm nào gặp tôi, Thầy cũng nói: “Rõ ràng là trái đất tròn, phải không em? Không ngờ có lúc em lại là đồng nghiệp dạy cùng môn với Thầy! Hồi đó Thầy đã khuyên em đi ngành Sư phạm sinh ngữ mà em không nghe!”. Thầy ơi! Thầy có biết đâu, học trò của Thầy hồi đó vì mang mặc cảm về cái hồ răng ham (hàm răng hô) mà không nghe lời Thầy đi ngành mình yêu thích. Nhưng Trời cũng cho em được năm năm dạy Pháp văn với hai mặc cảm: hàm răng hô + dạy chéo môn (mỗi lần đi dự hội thảo môn tiếng Pháp, gặp mấy ông Tây nhìn em cười cười như muốn bắt chuyện thì em cười nhẹ rồi...lủi mất, vì tự biết kỹ năng nói của mình thuộc loại hạng bét vì mình không là dân chuyên). Và Thầy ơi! đúng là trái đất tròn! Đời em đã bao lần chứng kiến những chuyện “Trái đất tròn” thật là thú vị. Nhưng cũng có khi, do khách quan hay chủ quan, mà vòng tròn đó bị mất một cung vĩnh viễn và vì vậy người ta sẽ không còn có dịp gặp nhau trong kiếp này nữa! Như em với Thầy Cô bây giờ (và nhiều Thầy Cô khác nữa), làm sao có dịp gặp nhau được hở Thầy? (Các bạn đang sống ở Tân Châu thì còn có thể).


* VỚI THẦY CHÂU MINH TỶ


Thầy dạy lớp tôi môn văn năm Đệ lục (lớp bảy). Dáng người cao to với cặp kiếng cận dày cộp là nét đặc trưng của thầy. Khi dạy trong lớp, tôi có cảm giác rằng, không như các Thầy Cô khác, thầy ít chú ý thuộc tên học trò. Với thầy, bọn tôi, dù mới có lớp bảy, thường chọc ghép đôi thầy với Cô Điểm, một cô giáo dạy toán rất dễ thương. Sau đó một thời gian, chúng tôi biết tin sắp đám cưới của Cô Điểm và chồng cô là một người cũng tên Tỷ. Bọn tôi đã thầm tiếc cho Thầy!

Nhớ đến thầy là tôi nhớ ngay đến một kỷ niệm khó quên trong đời học trò của mình, kỷ niệm về chuyện “Hay không bằng hên” hay “Chó ngáp phải ruồi” của tôi. Chuyện là vầy, hối đó, các Thầy Cô dạy Văn thường yêu cầu học sinh học thuộc những đoạn văn, những bài thơ hay (có những bài tôi thuộc đến bây giờ). Lần đó, học đến phần mô tả người, sau bài “Thị Nở” thì đến bài “Chàng thanh niên”. Thầy giảng rất kỹ từ “ngót” trong câu nhập đề “Ánh sáng tỏa ra xanh ngắt khiến người ta nhận ra đó là một chàng thanh niên tuổi ngót ba mươi” nên tôi vô tình thuộc luôn câu này. Tuần kế, khi gọi tôi lên kiểm tra bài, thầy yêu cầu tôi đọc đoạn văn đã thuộc, tôi hớn hở đọc ro ro: “Thị Nở. Người đàn bà ấy là Thị Nở, một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu đến ma chê quỷ hờn. Cái mặt Thị là...” Đang đọc ngon lành, tôi bỗng nghe thầy ngắt ngang: “Đâu phải bài đó, bài đó là bài cũ. Em đọc bài “Chàng thanh niên” kìa”. Tôi cụt hứng và thầm rên: “Chết rồi, thầy dặn học thuộc bài “Chàng thanh niên” sao? Mình cứ tưởng là hôm nay thầy còn giảng tiếp rồi mới học!”. Trời thần ơi! Tôi vốn là đứa không quen bê bối trong học tập (thà là nghỉ học chứ vô lớp mà không thuộc bài tôi chịu không nổi) vậy mà giờ đây tôi đang sắp là đứa “chào cờ”. Nhưng thôi kệ, đọc đại tới đâu hay tới đó. Thế là tôi cũng làm mặt tỉnh và bắt đầu đọc ro ro được một câu đầu: “Ánh sáng tỏa ra xanh ngắt khiến người ta nhận ra đó là một chàng thanh niên tuổi ngót ba mươi...”. Hết còn gì để đọc, tôi ngừng lại (ngay dấu chấm), định mở miệng thú thật là mình chưa thuộc bài này vì chưa học. Nhưng may quá, thầy liền bảo: “Thôi được rồi. Bây giờ em hãy giải thích câu ca dao “Trông mặt mà bắt hình dong. Con lợn có béo thì lòng mới ngon” đi! Tôi giải thích được và được thầy cho 17 điểm! Hú hồn! Câu “Thôi được rồi” vô tình của thầy đã cứu tôi một bàn thua trông thấy. Tôi bảo “vô tình” vì thầy đâu có biết tôi chỉ thuộc tới đó. :)
Những năm sau đó thầy chuyển đi đâu tôi cũng không rõ. Sau này, tôi nghe mấy anh em bên chồng (ở CT) nhắc dến tên thầy, tôi mới biết sau đó thầy chuyển về Cần Thơ, dạy ở trường Trung học Phan Thanh Giản - nay là trường THPT Châu Văn Liêm. Các anh em bên chồng tôi đều là học trò của thầy. Khi đi thực tập sư phạm ở Trường cấp III Long Xuyên, tôi còn biết thêm cô giáo trưởng đoàn của tôi (Cô Mỹ Linh) là chị vợ của thầy. Mỗi tuần, cô về Cần Thơ thăm gia đình (Cô không có gia dình riêng, sống chung với vợ chồng thầy và các cháu), tôi đều nhờ cô chuyển lời thăm thầy (dĩ nhiên thầy làm sao nhớ được). Nhưng bị cuốn vào những dòng xoáy của cuộc đời với những khó khăn chồng chất, tôi chưa một lần đến thăm thầy (lại tai...và bị...).

Do vội vã, bộp chộp và chưa học được chữ “đời” nên khi trở về Cần Thơ sinh sống, tôi đã mất rất nhiều và phải làm lại từ đầu. Giai đoạn đó tôi biết rất rõ rằng thầy Tỷ đang làm hiệu trưởng một trường THCS khá lớn trong TPCT, nơi mỗi ngày vào cơ quan, tôi có đi qua; Nhà Thầy nằm trên một con đường lớn của TPCT, đường Châu Văn Liêm, nơi mỗi lần đi chợ thồ hàng tạp hóa về bán lẻ, tôi có đi qua. Nhưng tôi chưa một lần ghé thăm thầy! Dù không lần nào đi qua nhà thầy hay ngôi trường của thầy mà tôi không nhớ đến! Tôi không ghé thăm thầy một phần vì cuộc đời khốn nạn của tôi lúc nào cũng bận bịu, tất tả; nhưng chính yếu là tôi không muốn thầy thấy hình ảnh nhếch nhác, ốm đói của một đứa học trò cũ. Tôi không muốn ai phải xót xa, thương hại mình!

Tôi có quen với một vài cô giáo đang dạy ở trường thầy và khi gặp những cô này tôi thường hỏi thăm về thầy. Cách đây mấy năm, một hôm, qua thăm hỏi các cô, tôi hay tin thầy đang “bệnh nặng và đang nằm điều trị ở BV và phen này không biết có phục hồi nổi để tiếp tục công tác hay không!” Tôi cảm thấy ân hận và rủ vài đồng hương đến thăm thầy nhưng không ai đi được, tôi quyết định đi một mình. Vào bệnh viện khi ghé phòng này phòng nọ để hỏi thăm, tôi đã hỏi thăm đúng ngay phòng thầy mà vẫn không nhận ra thầy! Lòng vòng một hồi người ta lại chỉ ngược lại phòng đó. Gặp thầy tôi ngỡ ngàng vì không nhận ra. Vợ thầy cứ tưởng tôi là người quen trong công tác của thầy nên hỏi thầy như để kiểm tra trí nhớ của người bệnh: “Anh có nhận ra ai đây không?”. Thầy lắc đầu. Tôi xúc động nói: “Thầy ơi! Làm sao thầy nhận ra em được... Đã 30 năm rồi mà... Em là một học sinh cũ của thầy ở Tân Châu đây. Em học môn Quốc văn với thầy năm Đệ lục...”. Thầy cảm động lắm và hỏi thăm tình tình cuộc sống, công tác của tôi; hỏi thăm về các thầy Cô ở Tân Châu...

Sau đó mấy tháng, tôi gặp thầy trong dịp đi Hội Chợ triển lãm QTCT. Thấy thầy phục hồi sức khỏe tốt, tôi rất mừng và yên tâm.
Rồi trường ta có website, tôi đã tranh thủ hết mức mới có thể viết được vài bài gởi để góp mặt vì tháng 4-5-6 công việc dồn dập đến ngập đầu ngập cổ. Tôi định sau chuyến đi công tác ở Sóc Trăng sẽ tìm ghé thăm thầy và báo tin về website của trường (trong vài bài thơ và hồi ký, các bạn có nhắc đến thầy). Nhưng sự đời đâu như mình muốn, vừa bước lên xe cơ quan, tôi đã nghe tin sét đánh “Thầy Châu Minh Tỷ vừa qua đời!”. Thầy ôi! Còn cơ hội nào nữa đâu!
Ôi, phải chăng ngoài việc sống làm sao để khi nhắm mắt ta không có điều gì phải ân hận, ta còn phải cư xử làm sao để khi có người nào đó nằm xuống trước mình, ta khỏi phải thốt lên lời nuối tiếc: “Phải chi khi người đó còn sống, tôi không làm như vậy...; Phải chi...; Phải chi...; Phải chi....”???


************************************
"Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"


Sửa lần cuối bởi Ngoc La vào ngày 07 Tháng 8 2007, 14:01 với 1 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: BAY VỘI VỀ ĐÀN (PHẦN 5)
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 8 2007, 18:51
{L_QUOTE}:
Như em với Thầy Cô bây giờ (và nhiều Thầy Cô khác nữa), làm sao có dịp gặp nhau được hở Thầy? (Các bạn đang sống ở Tân Châu thì còn có thể).


Bạn Ngọc La thân mến

Thầy Tòng và cô Thu đã sang Mỹ, nghe nói đang ở Cali. Trước khi rời Việt Nam thầy cô có ghé thăm vợ chồng mình. Thấy mình dạy con học toán, cô Thu mắng : " Em ngu quá, lúc này mà còn ngồi đó học toán. Học Anh văn đi !"


Đầu trang
Tiêu đề bài viết: Re: BAY VỘI VỀ ĐÀN (PHẦN 5)
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 8 2007, 21:19
Ngoại tuyến
New Member
New Member

Tuổi: 54
Sinh nhật: 00-00-1970
Ngày tham gia: 28 Tháng 7 2007, 15:49
Bài viết: 14
Chị Ngọc La và anh Vô Thường Niệm ơi
Các anh chị muốn nói gì với Thầy Tòng,Cô Thu cứ gời lên trang web. Mấy hôm trước QH có gặp Huyên ( con gái lớn của Thầy Cô đang sống tại Sài Gòn ) nói Thầy va Cô thường xuyên mở trang web nhà để xem. Chuc chi Ngoc La có nhiều sức khỏe để có nhiều bài viết nữa về những ngày xưa ấy.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: BAY VỘI VỀ ĐÀN (PHẦN 5)
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 8 2007, 22:23
BÔNG SEN {L_WROTE}:
Chị Ngọc La và anh Vô Thường Niệm ơi
Các anh chị muốn nói gì với Thầy Tòng,Cô Thu cứ gời lên trang web. Mấy hôm trước QH có gặp Huyên ( con gái lớn của Thầy Cô đang sống tại Sài Gòn ) nói Thầy va Cô thường xuyên mở trang web nhà để xem. Chuc chi Ngoc La có nhiều sức khỏe để có nhiều bài viết nữa về những ngày xưa ấy.


BÔNG SEN thân mến

Cám ơn thông tin của bạn. Được biết Thầy, Cô "thường xuyên mở trang Web nhà để xem", thiệt là mừng quá. Không biết Thầy, Cô có điều gì không hài lòng về trang Web của chúng ta không. Hy vọng chúng ta sẽ sớm nghe những lời chỉ dạy của Thầy, Cô.


Đầu trang
Tiêu đề bài viết: Re: BAY VỘI VỀ ĐÀN (PHẦN 5)
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 8 2007, 19:35
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448
Thầy Tòng, Cô Thu kính mến,

Khi nghe Bông Sen nói Thầy Cô hay lên trang web, em vội viết vài hàng kính thăm Thầy Cô và kính chúc Thầy Cô sức khỏe.

Những tiếng Anh đầu đời của em từ Cô Thu dạy cho em năm đệ tam mãi đến nay vẫn còn quá hữu dụng. Với Thầy Tòng qua những giọng nhỏ nhẹ, em đã hấp thụ được rất nhiều tiếng Pháp, nhưng tiếc quá, không có dịp xài thường, chỉ thỉnh thoảng đi Montreal thì xài chút đinh, tụi Canadien nó cười tiếng Tây của em quá cở, coi như em trả lại Thầy gần hết rồi, nhưng ơn nghĩa của Thầy vẩn còn cao như núi.

Rất mong nghe Thầy Cô hồi âm.

Em - Bá


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 9 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» BAY VỘI VỀ ĐÀN (Phần 4) «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 7 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 7 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 7 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 229 vào ngày 24 Tháng 6 2024, 14:08

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 7 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu