|
Super Member |
|
Tuổi: 67 Sinh nhật: 00-00-1957 Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 10:22 Bài viết: 328
|
Phần 1: http://tan-chau.com/Hoi_Ky/bayvoivedan.htm (Về thầy Dương Văn Út)Phần 2: http://tan-chau.com/Hoi_Ky/bayvoivedan2.htPhần 3: http://tan-chau.com/Hoi_Ky/bayvoivedan3.htm (về thầy Võ Văn Nhiều) BAY VỘI VỀ ĐÀN (Phần 4) Như đã nói ở phần đầu của “Bay vội về đàn”, lớp chúng tôi học hành rất đàng hoàng, sôi nổi nhưng cũng nổi tiếng là nghịch ngợm, lí lắc. Đối với các Thầy Cô, dù mới tra trường hay đã có thâm niên nghề nghiệp, chúng tôi cũng một mực kính trọng vì hồi đó thực sự “Thầy ra Thầy”. Để trở thành Thầy Cô giáo, các Thầy Cô đã có một quá trình học học tập, rèn luyện nghiêm túc để vượt qua được những kỳ thi gạn lọc rất gắt gao, đã được đào tạo chu đáo với những nội dung thiết thực. Ra trường, dù không hô hào bằng những từ ngữ đao to búa lớn, nhưng các Thầy Cô thực hiện tốt các nhiệm vụ nghề nghiệp của mình chỉ bằng chính lương tâm trong sáng và thực tài của mình. Các Thầy Cô có điều kiện để sống ung dung mà tập trung lo cho chuyên môn của mình, cuộc sống kinh tế không phụ thuộc vào học sinh hay Phụ huynh học sinh, nếu có mở cua (dạy thêm) thì cũng là để học sinh củng cố và nâng cao trình độ chứ không phải chủ yếu là để tăng thu nhập. Các Thầy có dạy cua không áp dụng bất cứ một chiêu nào để “dụ” học sinh. Bản thân tôi vẫn luôn được đối xử công bằng với các bạn có học cua, dù suốt 12 năm học tôi chưa hề biết học cua là gì. Nhưng sự kính trọng đó vẫn không ngăn cản chúng tôi nghịch ngợm, chọc phá các Thầy Cô, có khi công khai, có khi ngầm, nhất là đối với các Thầy Cô trẻ.VỚI THẦY LA HỒNG HUY Thầy về trường năm chúng tôi đang học lớp 11. Thầy dạy môn Hóa ở lớp tôi (và lớp nào nữa?) và môn Sinh hoạt học đường cho các lớp 11 và 12. Thầy còn trẻ măng, nhiệt tình, mỗi lần hướng dẫn chúng tôi sinh hoạt ngoài trời, với cái nón kết trên đầu, trông Thầy giống như một nam sinh. Chúng tôi ái mộ Thầy, thường kháo với nhau rằng “Thầy tuổi trẻ mà tài cao”, nhưng cũng tìm mọi cách để chọc ghẹo Thầy nếu có dịp. + Chuyện thường xuyên nhất là trong giờ học, sau mỗi câu nói của Thầy, chúng tôi hưởng ứng bằng cách cố ý nói “Dà...Dà...Dà...” (“Dà” chứ không phải là “Dạ” đâu nhé); Một số bạn khi lên trả bài (bị kiểm tra vấn đáp) hoặc phát biểu, đứng khoanh tay một cách cung kính và luôn xưng “Con” với Thầy (cố ý chọc tức Thầy đó vì làm như Thầy là ông cụ, nhưng Thầy đâu thể nói gì, vì mấy đứa học trò này “lễ phép” quá mà!). + Hễ Thầy sơ ý một chút là bị chúng tôi “gắn đuôi”, “dán mác”. “Đuôi” giống như đuôi diều con nít chơi, một đầu có gắn móc bằng dây chì để có thể móc vào bâu áo sơ mi phía sau. Nếu gắn thành công thì bấm nhau mà cười khúc khích vì mỗi khi Thầy quay mặt lên bảng thì nhìn sau lưng Thầy thấy rất buồn cười. “Mác” cũng giống như đuôi, chỉ khác ở chỗ nó ngắn và bề ngang rộng hơn với dòng chữ đề “Áo bán rẻ!” hoặc “Lưng nè quýnh đi!”. Các bạn nam lớp khác cũng là nạn nhân của trò đùa này, đến nỗi sau này muốn đi ngang lớp tôi họ phải quẹo xuống sân, không dám đi trên hành lang! Riêng mác dành cho các bạn này thì còn có thêm loại độc đáo hơn: có thể gắn lên đầu với dòng chữ “Đầu nè cú đi!”. Thật là hết chỗ nói!VỚI THẦY NGUYỄN VĂN TÀI – CÔ LÝ THỊ HOANH Thầy Tài, Cô Hoanh cũng là đối tượng để chúng tôi trổ “tài tinh nghịch”. Cũng như Thầy Huy, Thầy Tài thường xuyên bị chúng tôi gắn đuôi, đến nỗi khi lên lớp, mỗi lần thấy trong chúng tôi có đứa cười tủm tỉm thì Thầy ngoái cổ ra sau, cố nhìn hết bên trái đến bên phải để nhìn xem có bị gắn đuôi không. Ngoài chuyện bị gắn đuôi, dán mác, Thầy còn bị chúng tôi ghép đôi với cô Hoanh (năm đó chúng tôi đã lên lớp 12). Mỗi lần Thầy lên lớp là chúng tôi giả bộ nhắc đến Cô Hoanh: “Thầy ơi! chúng em mới vừa học xong giờ Cô Hoanh đó Thầy”; “Thầy ơi! Hôm nay Cô Hoanh mặc cái áo dài đẹp lắm!”. Hôm khác đến giờ Cô Hoanh thì chúng tôi lại nói: “Cô ơi! chúng em vừa mới học giờ Thầy Tài”; “Cô ơi! Hôm nay Thầy Tài mang đôi giày mới!”. Nhớ nhất là có lần Thầy Tài bị đau mắt đỏ, Thầy mới bước vào lớp thì có đứa vừa dứng lên chào Thầy (cùng với cả lớp, như thường lệ) miệng vừa lẩm bẩm đủ cho Thầy và cả lớp đều nghe chỉ một câu “Chuối non giú ép chát ngầm” (còn câu tiếp theo thì... ai muốn hiểu sao thì hiểu!). Thầy hiểu ngay và lườm chúng tôi một cái thật sắc.
Vậy đó, mỗi lần bị chọc ghẹo, Thầy chỉ rầy bọn tôi bằng cách lườm và sau đó...cười hiền. Chúng tôi thấy mấy Thầy Cô thật tinh tế: hiểu rằng mấy đứa này không phải là hỗn láo, chỉ lí lắc thôi chứ không có ác ý gì, mà chúng lại lo học hành tích cực nữa chứ. Còn Cô Hoanh, mỗi lần bị chọc ghẹo, Cô chỉ chớp chớp đôi mắt rồi cười tủm tỉm. Rời khỏi trường được vài năm, tôi hay tin Thầy Cô kết hôn với nhau. À, thì ra hồi đó tụi mình có con mắt nhìn không tệ! Hè năm rồi, nhân về quê đám giỗ Bà Ngoại tụi nhỏ, tôi có ghé thăm Thầy Cô. Cô rất vui và đã giữ tôi lại dùng cơm trưa cho bằng được. Hai Cô trò vừa nấu cơm vừa nhắc lại những kỷ niệm của “hồi đó”. Những kỷ niệm của “hồi đó’ đó, với tôi, nhắc hoài cũng không hết. Vì tôi là đứa “nhiều chuyện” mà, hìhì.VỚI THẦY LÝ BẢO THIỆN Vui vẻ, hay đùa, hoạt bát, trẻ trung, phóng khoáng, giọng giảng bài giàu nhạc điệu là những nét đặc trưng của thầy Bảo Thiện. Thầy dạy chúng tôi vào những năm TH đệ nhất cấp (tức THCS bây giờ). Tương tự như giờ của “Cậu Tư Kiên bán bánh lọt”, giờ dạy của Thầy rất vui và sôi động, hầu như Thầy - trò vừa dạy - học vừa giỡn suốt, mà người nổi bật nhất hay đùa tếu với Thầy là chị Bảo Toàn (nghe tên hai Thầy trò cứ tưởng như là hai anh em hay hai chú cháu). Có đứa giỡn quá lố bị Thầy rầy: “Tao đập đầu mày bây giờ!”. Tôi cũng có lần bị Thầy nhéo lỗ tai. Năm lớp 10, một hôm lớp đang học thì Thầy bước vào lớp, chúng tôi đứng lên chào. Thầy không cho lớp ngồi xuống mà đứng giữa lớp ngắm nghía và gọi 10 đứa lên đứng phía trên (trong đó có tôi – những đứa cao cao và tóc dài) rồi Thầy thông báo: “Mười em này sẽ được đi Châu Đốc theo Đoàn Vận động viên điền kinh để ủng hộ đoàn thi đấu ngày.... Khi xong việc tất cả sẽ được đi núi Sam. Nhớ mặc bộ đồ kẻng nhất, như em Ngọc La nè nhe” (Hôm đó tôi mặc bộ đồ dài mới may từ tiền học bổng đặc biệt). Cả lớp cười và tập trung ngắm nghĩa làm lúc đó tôi “quê” đỏ mặt. Giờ nhớ lại, tôi thấy cách làm đó của nhà trường (chọn HS đi đâu đó) thật đơn giản và nhanh chóng [tức không phải theo qui trình: ra thông báo, bắt Giáo sư hướng dẫn (GVCN) chọn và làm báo cáo – Vì hồi đó, giáo sư hướng dẫn nói riêng và các Thầy Cô giáo nói chung chỉ đơn thuần làm công tác chuyên môn; những việc mang tính chất hành chính thì có bộ phận khác lo]. Hôm thi đấu ở Châu Đốc, đoàn đoạt được rất nhiều huy chương, Thầy bảo một phần là nhờ có mấy đứa ủng hộ. Sau khi dùng cơm trưa ở một quán ăn khá sang, tất cả được cho đi chơi núi Sam. Đến nơi, không thấy Thầy đâu, hỏi ra mới biết là Thầy cùng một số bạn đã “cúp” để đi rạp xinê xem phim “Nhà Tôi”! Đấy, phong cách của Thầy là vậy, nhiệt tình, sôi nổi, tháo vác nhưng cũng rất...“cá tính”. Một ông anh ở xóm tôi rất giống Thầy Bảo Thiện, cả về hình dáng lẫn phong cách. Vì vậy, mỗi lần về quê gặp ông anh này là tôi lại nhớ đến Thầy. Bị cuốn trôi theo những dòng xoáy của cuộc đời, tôi không được tin tức gì về Thầy, mãi đến...sau khi Thầy mất mấy năm tôi mới hay hung tin! VỚI THẦY VÕ VĂN NHIỆM Thầy Nhiệm dạy môn Âm Nhạc cho lớp tôi vào hai năm Đệ thất và Đệ lục. Học giờ Thầy bao giờ cũng vui vẻ, thoải mái. Những kiến thức về nhạc lý tôi có được là từ những bài học của Thầy. Những bài hát sinh hoạt tập thể đơn giản, vui nhộn mà Thầy đã dạy, tôi còn thuộc và nhớ đến tận bây giờ. Chúng ta cùng ôn lại vài bài nhé các bạn.
- Bài một: “ Tang tang tang tình tang tính Ta ca ta hát vang lên Hát lên cho đời tươi thắm Hát lên cho quên nhọc nhằn Cùng nhau ta ca hát lên Cho át tiếng chim trong rừng Cho tiếng suối reo phải ngừng Cho rừng xanh đón chờ ta... la...la...la...”
- Bài hai: “Nào quây quần ta vui vui vui... Ca hát với nhau chơi chơi chơi... Rồi lên tiếng reo cười cười cười... Làm vui thú bao người người người...
Nào ai từng trông thấy thấy thấy... Nào ai dám vui reo reo reo... Được trông thấy đuôi chuột chuột chuột... Xỏ đuôi váy tai mèo mèo mèo...” (Trong cuộc sống, tôi đã nhiều lần “Hát lên cho đời tươi thắm. Hát lên cho quên nhọc nhằn”. Nghe bài này ôi sao thèm một chuyến đi dã ngoại trong rừng cùng với bạn bè quá!) ........
Học môn Âm nhạc của Thầy, thích nhất là các bài kiểm tra luôn luôn dưới hình thức trắc nghiệm khách quan, chỉ cần khoanh, khỏi viết gì hết. Thi trắc nghiệm, mới đối với tụi nhỏ bây giờ, nhưng đối với các “tiền bối” của chúng thì đã cũ rồi đấy? Nhớ lúc Thầy dạy đến “dấu ngắt” trong bản nhạc, bọn tôi – mấy đứa ngồi bàn nhất quay qua ngắt vào tay của đứa ngồi kế. Thấy vậy, Thầy “hứ” và nói: “Mấy nhỏ này, nói đến “ngắt” là nó ngắt liền hà. Ngắt vậy cho nhớ phải không?”. Nói xong Thầy lại cười. Bây giờ, mỗi lần nhìn vào một bản nhạc là tôi lại nhớ đến người Thầy dạy nhạc giản dị, vui vẻ; nhớ đến những bài học về khóa Sol, về nhịp, phách, về trường độ, cao độ, về dấu lặng, dấu ngắt,... Vừa rồi, qua bài giao lưu “Gởi bạn Hữu Tâm” của Nguyễn Xuân Huy, trong tôi hiện lên hình ảnh một Thầy Nhiệm không thoát khỏi cái vòng “Sinh, Lão, Bệnh, Tử” nghiệt ngã. Thầy ôi... em ứa nước mắt rồi... Thầy ôi... Thời gian có bao giờ trở lại... Tối 18/7/2007 (CÒN TIẾP)
************************************ "Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"
|
|