Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 26 Tháng 11 2024, 12:46
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» TUỔI THƠ TRÊN ĐỒNG «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 1674 | Trả lời: 2)
Tiêu đề bài viết: TUỔI THƠ TRÊN ĐỒNG
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 7 2007, 13:00
Ngoại tuyến
Member I
Member I

Tuổi: 67
Sinh nhật: 00-00-1957
Ngày tham gia: 20 Tháng 7 2007, 11:34
Bài viết: 42

Người tạo chủ đề
Tuổi thơ trên đồng
________________________

Đã lâu lắm rồi,nhưng những ký ức của một thời tuổi thơ vẫn còn mãi trong tôi. Ngày ấy,tôi học lớp bảy hay lớp tám gì đó, tuổi bắt đầu lớn và bao giờ cũng muốn tự khẳng định mình. Cũng là tuổi ham chơi hơn ham học.
Mỗi ngày,đi học một buổi sáng hoặc chiều, mỗi năm thay đổi một lần. Buổi sáng đi học, buổi chiều tôi lại lang thang trên đồng.Từ cánh đồng xã Long Phú hay Phú Vĩnh băng ngang xuống tận xã Long Sơn hay xa hơn nữa. Đầu không nón, chân không giày dép,cứ thế mà đi. Cái đầu lúc nào cũng khét mùi nắng, da chân đóng phèn vì lội đồng, lội ruộng, có lúc cẳng chân đóng vẫy như vẫy cá vậy. Thế mới biết,tôi chẳng chịu thua ai trong chuyện lội đồng. Mặc dù nhà ở chợ nhưng lội đồng thật sự là một cái thú của tôi ngày ấy.
Hồi đó,không có những đê bao ngăn lũ như bây giờ, giữa đồng lại có những trũng sâu, những đìa cá hoăc vũng. Vào mùa nước ngập, tha hồ đi băt ốc, mò cua, hái bông điên điển hay bông súng... Có hôm, sau một buổi lội đồng về với một bao ốc đầy chẳng biết làm gì cho hết. Ốc thì nhiều vô kể, chỉ đi nhặt thôi, nó bám vào những thân cỏ nhô lên trên măt nước.
Nhưng tôi vẫn thích đi đội lúa hơn, vì vui và cũng vì có tiền để tự mua sắm những thứ mình cần và thích, khỏi phải xin tiền cha mẹ. Có nhiều thửa ruộng lúa Thần nông ở xa đường cái, không thể đưa xe trâu,bò vào để kéo lúa về sau khi tuốt xong. Lúc đó, đội quân đội lúa là những người cơ động nhất. Sáng sớm trốn khỏi nhà với một cái bao bố giấu trong áo, ăn uống qua loa, tôi cùng đám bạn cùng xóm lội ra đồng. Tôi phải trốn vì cha mẹ biết đươc chỉ có no đòn. Vào vụ thu hoạch, có rất nhiều chủ ruộng cần người đội lúa về nhà. Sau khi băng qua mô đất ấp chiến lược, men theo bờ ruộng vào đồng sâu. Chúng tôi chọn một nơi đang tuốt lúa, nhìn đống lúa vàng ươm có đến vài trăm giạ chúng tôi nghĩ sẽ làm mệt nghỉ đây. Nhưng tùy theo sức mình, làm bao nhiêu cũng đươc, có đến vài chục người làm cho một chủ ruộng.
Lần đầu tiên đội lúa,quả là một việc quá sức đối với tôi, vì chưa bao giờ làm việc gì nặng cả. Chỉ với một giạ lúa khoảng ba mươi ký tôi cũng không thể đội được trên đầu vì chưa quen. Nhưng đã lỡ đi rồi không lẽ lại về, nếu về phải về một mình. Thế là tôi phải ở lại để tiếp tục công việc. Sau khi đong lúa vào bao bằng thúng-hai thúng là một giạ. Chúng tôi bắt đầu một hành trình gian nan trên các bờ đất hẹp ngăn cách giữa các thửa ruộng,giống như những diễn viên xiếc vậy. Khổ thân tôi, không đội được, chỉ vác lúa trên vai, lúc thì vai này, mỏi lại chuyển sang vai kia, đến khi hai vai đã mỏi nhừ thì ngồi nghĩ mệt. Có lúc chỉ còn lại một mình tôi lệch bệch phía sau. Cứ thế, hết lần này đến lấn khác,ngày này sang ngày khác,tôi quen dần với công việc từ lúc nào không hay nữa. Về đến nhà người mỏi nhừ, ngồi vào bàn học một cách uể oải, tôi ngáp dài, mong học xong sớm để đi ngủ. Đêm về nghĩ lại tôi thấy minh cũng gan thật, thích là làm chớ không việc gì phải sợ.Và dĩ nhiên là cha mẹ tôi không bao giờ biết đuọc chuyện này.
Lần khác, chúng tôi được thuê để nhổ mạ. Hồi đó, ruộng không xạ mà cấy mạ. Sáng sớm, chúng tôi được giao mỗi người vài sào mạ để nhổ, nhổ xong bó lại thành từng bó. Tôi được giao cho sào mạ đất hơi khô. Vì chưa nhổ bao giờ, tôi cũng nhìn mọi người làm rồi bắt chước. Những cây mạ non bám chặc vào đất cứng, nên khi nhổ hầu hết đều bị đứt rể. Ngày hôm ấy chẳng những tôi không được trả công mà còn suýt bị chủ đền.Từ đấy về sau, tôi không bao giờ dám đi nhổ mạ. Riêng chuyện cắt lúa thì tôi chịu, vi lúc đó mình còn nhỏ, mà công việc này đòi hỏi phải có kỷ thuật.
Sau khi lên cấp ba, tôi không còn rong chơi trên đồng nữa mà chăm lo chuyện học hành hơn.
Các bạn thấy đấy, là dân ở chợ nhưng tuổi thơ của tôi lại rong ruổi trên những cánh đồng. Mỗi lần về quê, có dịp ra ngắm đồng ,tôi lại nhớ về ngày xưa ấy, những ngày thật vui và thật hồn nhiên. Nó sẽ còn mãi trong ký ức của tôi cho đến suốt cuộc đời.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: TUỔI THƠ TRÊN ĐỒNG
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 7 2007, 08:53
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2245
Đọc "Tuổi Thơ Trên Đồng", bản thân tôi có nhiều cảm xúc và những kỷ niệm về một thời "Tóc hớt bom bê" chợt ùa về. Nhưng lúc này tôi không có thời gian và đầu óc để viết được bất cứ cái gì. Xin hẹn vào một dịp khác.
Bây giờ tôi chỉ xin gởi đến tác giả cùng Quí Thầy Cô, các Anh Chị, các Bạn, các Em bài viết của bạn Nguyễn Thảo Nguyên.

TÂM SỰ CÙNG T.T.Y
(Tác giả bài viết ‘TUỔI THƠ TRÊN ĐỒNG”)
Nguyễn Thảo Nguyên
T.T.Y. mến,
Mặc dù chưa biết T.T.Y nhưng sau khi tôi đọc bài viết “TUỔI THƠ TRÊN ĐỒNG” của bạn, tôi thật bồi hồi xúc động và đồng cảm với TTY qua những gì TTY thể hiện trong bài viết.
Tôi bỗng nhớ lại giai đoạn khó khăn trong cuộc sống mà TTY cũng như tôi đã trải qua. Vì ham thích và cũng vì muốn tự kiếm tiền mua sách vở để khỏi phải xin cha mẹ nên TTY đã lội đồng, đã hòa nhập cùng đám trẻ lúc bấy giờ đi đội lúa mướn từ đám ruộng của người ta vừa thu hoạch về đến nhà chủ ruộng. Hình ảnh các em bé (và cả người lớn) trong đoàn đội lúa mướn, đi ngoằn ngoèo trên bờ ruộng làm tôi ngạc nhiên, sự ngạc nhiên của một người thành thị bị mất việc trở về quê quán làm ruộng, một cái nghề mà tôi không lựa chọn và chuẩn bị trước. Những ngày đầu tôi tưởng mình không chịu đựng nỗi vì sự cực nhọc và vất vả ...Tôi muốn bỏ cuộc nhưng cũng vì hình ảnh những em bé tuổi 12, 13 đội bao lúa nặng trĩu trên đầu, té lên té xuống trên bờ ruộng để kiếm tiền giúp gia đình trong cuộc sống hàng ngày đã làm tôi hiểu ra nên tôi đã cố gắng trụ lại được.
Tiền công trả cho một giạ lúa vác từ đồng về nhà chủ ruộng không được bao nhiêu nhưng người ta đã tranh nhau đội: Đi nhanh tới nơi, trút lúa ra rồi quay trở lại liền vì sợ hết lúa để đội. Có em đội quá sức của mình và do đi nhanh nên các em thường bị vấp té... thật là tội nghiệp phải không TTY? Cũng có em đi đội lúa đem theo hai cái bao, một cái chứa lúa đội đi liền; cái còn lại thì gói lại và nói nho nhỏ với tôi: “Chú đong cho con bao này nữa, Chú để riêng chỗ đống rơm, lát nữa con quay trở lại đội nghen chú! Con cảm ơn Chú ”
Còn con người nông dân bất đắc dĩ của tôi cũng phải chịu nhiều cơ cực. Lần đầu tiên trong đời trở về quê làm ruộng, thiếu nhiều nông cụ cần thiết như máy Kohler 4 để bơm nước vô-ra nên có những đêm tôi phải thức trắng dùng thau tát nước. Mà phải làm liên tục như vậy đến 5-7 ngày cho đến khi lúa thành cây mạ non mới thôi...Dầm mưa dãi nắng suốt 5-7 ngày như thế nên nước da tôi đổi thành màu xám đen, thân xác tôi mệt mỏi rã rời.
Tuy cực nhọc như vậy nhưng vẫn có cái thích thú là vào những ngày trời mưa tôi đi bắt ốc, bắt cua, bắt cá như TTY kể. Tôi còn rất thích nhìn từ xa và ngửi mùi KHÓI ĐỐT ĐỒNG nữa đó TTY ạ.
TTY hãy coi đây như là những dòng tâm sự của một người anh, một cựu học sinh trường THCLTC. Đồng cảm với TTY nên tôi ghi lại để Thầy Cô, Bè Bạn chúng ta và thêm một cựu học sinh có bút danh Đồng Quê ( có bài vừa đăng) cùng đọc để nhớ về những cuộc đời, những kỷ niệm với Thầy Cô, Bạn Bè,...dưới mái trường thân yêu của chúng ta ngày xưa.
Mong TTY tiếp tục có nhiều bài viết cho trang web nhà.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: TUỔI THƠ TRÊN ĐỒNG
Gửi bàiĐã gửi: 09 Tháng 8 2007, 02:57
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2245
02h40’ sáng 09/8/2007
Trời đất lại nổi cơn thịnh nộ! Mưa to, mưa dai dẳng chưa từng thấy. Mình trở lại bệnh mất ngủ vì cái tội tạm rảnh rỗi hai ngày nay! Nằm tưởng tượng không biết giờ này đồng bào miền Trung của ta như thế nào? Miền Nam là vùng đất có khí hậu tốt thuộc hàng nhất nhì thế giới mà còn vậy thì ở miền Trung khắc nghiệt sẽ mưa lụt tới đâu? Ôi! Thiên tai, dịch bệnh! Con người đã hủy diệt môi trường, đã góp phần tạo ra những thảm họa cho mình. Khoa học kỹ thuật phát triển nhưng có khi loài người cũng đành bó tay thôi. Tàu cứu nạn cũng gặp nạn, người đi cứu người ta bị mất tích! Ơi hỡi ông Trời! Đoàn tham quan Đà Lạt của trường ta năm nay gặp xui xẻo rồi. Mưa dầm rồi mưa lớn kiểu này thì đi chơi cái nỗi gì nữa!
Hồi xưa, đường đi từ nhà tới trường mình, như đa số các con đường ở nông thôn khác, thuộc loại nắng bụi mưa bùn. Nắng bụi thì phải gánh nước từ dưới sông lên để tưới. Mưa bùn thì đi học, nếu dang ở Tân Châu thì gởi xe lại, lột guốc lội bộ 5 cây số về nhà; Nếu đang ở nhà mà học buổi sáng thì đi tàu tắc ráng (giá cho HS bằng phân nửa giá người lớn), học buổi chiều thì đi bộ; chuyến về vẫn cuốc bộ, đương nhiên! Cực khổ thật nhưng ai cũng vậy và sức còn trẻ nên thấy cũng bình thường.
Chuyện học ngày xưa đối với mình sao nó quá đơn giản và nhẹ nhàng. Có lẽ nhờ nhiều thứ: bản thân mình hứng thú, luôn coi sự học là niềm vui; sách giáo khoa viết rõ ràng, ngắn gọn; Thầy Cô dạy hay. Ngày nay, xem những Game show của các đài truyền hình, gặp mấy câu đố về lịch sử, địa lý, văn học,...mình đoán đúng gần hết dù học đã mấy chục năm về trước. Khi mấy thằng con thấy vậy khen “sao mẹ hay quá vậy?” thì mình bảo: “Không phải mẹ hay mà sách giáo khoa hay, Thầy Cô dạy hay. Không cần dạy nhiều nhưng dạy cái nào là khắc sâu cái nấy”. Hồi đó nào có phải mình là con nhà giàu, chỉ lo ăn học thôi đâu. Ngoài giờ học mình còn phải phụ giúp việc nhà và làm thêm kiếm tiền nữa: bán nước đá bào, sinh tố; quét lá cây đốt lấy tro bán; đan lưới, đan chài; vô đồng kiếm củi, làm cỏ, đánh lá mía mướn, nhổ mạ, cấy lúa, cắt lúa, mót bắp, mót lúa, mót khoai,...; đi câu cá vào mùa nước nổi; bắt nhái ban đêm vào mùa mưa... Tất cả những việc đó là do mình tự nguyện chứ cha mẹ mình không hề bắt buộc con cái phải làm gì để kiếm tiền, dù nhà nghèo.

Lúc còn nhỏ (từ khoảng 5 đến 10 tuổi) mình thường trốn vô đồng vì ham chơi. Này nhé: Leo lên đống rơm ngồi ca sáu câu vọng cổ Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, có khi trốn trong đống rơm ngủ trưa; mùa nước nổi thì ngâm mình dưới nước hái rau muống (có lần chạng vạng còn chưa về nhà nên Má xách roi vô đồng kiếm, lần đó mình bị mấy roi vào mông nhớ đời); cùng bà chị con dì (chị Bảy) vô đám mía của Dì Ba bẻ tỉa mấy cây mía ốm và “xước” ăn tại chỗ (mép miệng bên phải thường xuyên có vệt đen do phấn mía đóng lại). Đọc “mình trần tà lỏn” của Trần Nguyên, Vô Thường Niệm, Quê Hương, mình bật cười nhớ lại thời này mình cũng thường mình trần nhưng... quần dài kéo lên gần tới nách và còn tự hào nói với chị Bảy: “Tụi mình “bận” như vầy đỡ tốn áo hé!”. Có khi ở hai bên lưng quần mình còn “lộn” vào đó đủ thứ đồ: trái hòn để chơi chuyền chuyền, dây thun, mấy trái mận, mấy đồng bạc cắc,...nhất cử tam tứ tiện! (Con nít bây giờ thì thôi...cỡ tuổi đó là đã biết điệu đàng quần này áo nọ rồi). Chuyện lí lắc thì khỏi nói: Cứ thấy xuồng ai bỏ không là hai đứa nhảy xuống tát nước cho cạn rồi bơi; leo lên xuồng trên cạn (do Dượng Ba đẩy lên bờ để trét chai) để lắc...cho đến... bể làm hai luôn, bị Dượng Ba cho ăn đòn đã đời; Núp dưới mương trốn để chọc mấy đứa nhỏ bán hàng rong (làm bộ kêu mua cho người ta trở lại rồi trốn mất), nhiều lần như vậy, Dì ba để ý thấy liền xách roi tre vụt vào mông hai đứa tới tấp; Ăn cơm trưa xong là lén rủ nhau đi tắm sông (cha mẹ bận buôn bán làm ăn, con lại đông quản lý làm sao nỗi), ôm cây chuối lội ra đến hơn nửa sông mới lội vô. Năm nào con sông này (kinh xáng, nối liền sông Tiền với sông Hậu) cũng có đứa chết đuối nhưng vẫn không sợ. Có lần bọn mình tắm rất lâu đến giữa ngọ, má giận quá đứng trên bờ cầm cục đất hăm sẽ ném xuống nếu không lên; Bản thân cũng sợ ma nhưng cũng thường núp trong đám mía, đám bắp hốt đất cục ném rào rào khi có ai đi qua để nhác ma người ta; Tối thì cầm mấy cây nhang đã đốt sẵn núp chỗ khuất, đợi Bà Bảy (thường đi tiệm mua đồ vào giác tối, bà có tật hay “liệu” và rất sợ ma) đi qua thì nhảy ra ngậm nhang vào miệng “khè khè” để nhác ma bà! Con nít bây giờ cũng kén ăn, còn mình hồi xưa ăn cái gì cũng thấy ngon. Trưa đói bụng chỉ việc vô bếp bới một tô cơm nguội rồi chan tương hột ngoài hũ hoặc chỉ cần một cục đường sắt hoặc vài ba con mắm sống là xong. Bây giờ, nhất là ở thành thị, người ta “úm” con kỹ lắm, chứ hồi đó gặp mưa lớn là bọn mình còn được hưởng cái thú tự do tắm mưa nữa. Cái tật này còn tồn tại tới bây giờ: mình vẫn thích đi trong mưa, đi trong lạnh! Sáng nay mình lại tiếp tục đi trong mưa nữa đây, để lo bữa ăn cho gia đình vì mình là...hoa hậu trong nhà mà!
Mất ngủ, tản mạn vài dòng chơi vậy mà.
(Trước khi thấy thích học và biết lo học, mình là đứa học dở nhất nhì trong lớp, bị đòn, bị phạt liên miên. Chuyện này sẽ kể vào một dịp khác)
BONG DIEU


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» TUỔI THƠ TRÊN ĐỒNG «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 2 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 2 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu