Ngày hôm qua là ngày khai giảng năm học mới, người ta thường bồi hồi nhớ lại kỷ niệm của những ngày xa xưa ngày mới tới trường. Với nhiều người thì đó là nhửng kỷ niệm đẹp về thưở vô tư cắp sách tới trường. Còn với tôi không biết có đẹp không, có nhiều điều để nhớ không? Đôi khi tôi vẫn tự hỏi như thế.
Thời gian còn đi học tôi chia ra làm hai giai đoạn, giai đoạn êm đềm yên lặng và giai đoạn của muôn vàn khó khăn trong việc đeo đuổi học hành. Ngày đầu tiên đến trường vẫn luôn in đậm trong tim óc tôi, hình ảnh xưa cũ đó vẫn trở về vào dịp khai giảng năm học mới hằng năm. Lúc đó ba tôi vẫn còn đi lính, ông là sỹ quan cấp úy quân đội chế độ cũ. Ông thường xuyên ra trận ở tận miền Trung xa xôi nơi mà người ta gọi là vùng một chiến thuật. Thỉnh thoảng ông mới về nhà một lần chỉ một vài ngày rồi lại trở về đơn vị tiếp. Ngày đi học đầu tiên của tôi thật là may mắn vì có mặt ông ở nhà. Buổi sáng hôm đó ông dắt tay tôi tới trường với bộ quân phục ủi láng o cùng đôi giầy đánh xi bóng loáng trông thật oai. Khi tới trường tôi thấy ngôi trường thật là lớn và đông người quá, một màu trắng xanh ngập cả sân trường. Lúc cô giáo đưa chúng tôi vào lớp tôi vẫn thấy ông đứng ngoài sân và ông chờ đến khi tan trường đưa tôi về. Trên đường về ông luôn chỉ dẫn tôi cách qua đường coi chừng xe cộ, vào học phải như thế nào vì ông biết con ông phải tự đi học một mình không ai đưa đón được. Về nhà ông luôn dặn dò mẹ tôi cần phải lo cho con thế nào rồi thế nào, vân và vân. Ngày đi học thứ hai, khi tôi thức dậy là ông đã đi rồi, cho tới khi gần hết năm học thì ông mới về, về rồi lại đi tiếp. Thời gian cứ trôi đi, ngày nầy tiếp tháng khác lặng lẽ qua đi, tôi cứ một mình đi học, một mình ôn bài vì mẹ tôi bận buôn bán để mà lo cho bầy con còn đâu thời giờ mà ngó đến việc học của con cái. Muốn ngó bà cũng không biết phải làm sao vì việc học của mình cũng có giới hạn thôi.
Cho đến năm tôi học lớp ba, vào một ngày tôi thấy mẹ và bà nội khóc lóc um sùm. Ba tôi bị thương rất nặng trong một trận đánh gần biên giới Lào, người ta chuyển ông về nằm tại bệnh viện Tống Duy Tân ngoài Đà Nẳng. Tin dữ về đến nhà, bà nội và mẹ tôi tức tốc ra Đà Nẳng với ông, gởi bọn tôi cho người dì chăm sóc dùm. Vài tháng sau ông được giải ngũ và trở về làm cho cơ quan cũ trước khi ông bị tổng động viên vào lính. Từ đây là tôi được ông luôn kèm bài kiểm tra hằng đêm rất là nghiêm ngặt. Một lần mà tôi nhớ mãi, ông dắt tôi ra nhà sách khai Trí Sài Gòn để mua sách. Chao ôi lần đầu tiên tôi được đến đó, tôi thấy nhà sách thật là lớn sách đầy khắp nơi. Tôi sà vào mấy kệ truyện tranh mà đọc ngấu nghiến hết cuốn nầy đến cuốn khác (đọc lướt thôi) Ba mua cho tôi hai cuốn "không gia đình" và "Những tâm hồn cao thượng" ông bảo tôi về nhà nên đọc hai cuốn nầy. Thật lòng lúc đó tôi không khoái chút nào vì tôi chỉ khoái mấy cuốn truyện tranh như Lucky Lucke, Xì Trum hay Phan Tân Sĩ Phú thôi. Tới mấy năm sau tôi mới đọc tới chúng, đọc xong tôi đâm ra mê đọc sách.Tôi lục lọi sách trong nhà đọc tất cả sách nào chộp được, từ truyện tình cảm Quỳnh Dao, kiếm hiệp Kim Dung của mẹ tôi cho tới mấy truyện dịch của ba tôi. Tôi coi ráo hết, rồi ra mướn truyện của mấy hiệu cho thuê sách. Lúc đó tôi mê nhất truyện của nhà văn Duyên Anh không bỏ sót cuốn nào mà hiệu sách có. Từ "mơ thành người Quang Trung" đến "Luật hè phố", "Phượng Vĩ". À quên! tật lục lọi tìm sách làm tôi một lần bị rắc rối. Lần đó tôi lần mò tới cái rương đựng đồ kỷ niệm hồi trong quân ngũ của ba, trong đó có vài bộ đồ trận cũ, một số đồ linh tinh, tôi tìm thấy dưới đáy rương có một tạp chí hình dầy cợm đó là cuốn Playboy. Tôi lật xem mà có biết khỉ gì đâu, rồi đưa cho mẹ tôi xem (?). Khà khà... vậy là sóng gió bắt đầu nổi lên khi ba tôi đi làm về. Cuối cùng ba tôi lo đi đốt cuốn tạp chí, ông hăm sẽ cho tôi một trận tét đít nếu như tôi mà còn lục lọi đồ của ông
Thời gian êm đềm trôi cho tới qua ngày 30 tháng 4, đây là thời gian của sự gian truân thiếu thốn. Việc học hành của chị em tôi luôn bị căng thẳng vì thiếu thốn mọc bề. Đến cơm ăn có lúc không có nói gì đến việc thư thả học hành. Cuộc sống gia đình bị đảo lộn hết cả, chỉ vì cái mác cựu sỹ quan quân đội Sài Gòn mà địa phương làm khó gia đình tôi mọi bề. Tuy không trong diện bắt buộc đi kinh tế mới nhưng họ thường xuyên vận động gia đình tôi đi kinh tế mới bất chấp việc cơ quan gởi giấy xác nhận ba tôi đang là công nhân viên quốc doanh. Tem phiếu mua gạo, nhu yếu phẩm lúc nào cũng được cấp sau người khác. Cuối cùng ba quyết định bán nhà cho một người bà con, ra ngoại thành mua nhà khác mà ở. Nhờ có giấy xác nhận là người nhà nước nên khi trình báo với địa phương mới gia đình tôi được đối đãi bình thường như bao người khác.
Thời gian nầy chị em tôi vừa học vừa làm phụ giúp ba mẹ, mẹ tôi không còn buôn bán được nữa nên tham gia vào hợp tác xả sản xuất chiếu, thảm lót chân của địa phương. Làm thật vất vả hết mẹ rồi con hết con rồi tới mẹ, còng lưng mà dệt vậy mà không được bao nhiêu tiền hết. Cuối cùng củng phải nghỉ. Chị em tôi chia nhau tìm việc sau giờ học. Tôi thì đu theo mấy đứa bạn mới đi tát cá, ngắt trộm rau muống sau giờ học nhờ vậy mà tôi biết bơi và bơi rất giỏi. Không có mùa hè với tôi, ngày hè là ngày đi phụ việc người ta mà kiếm cơm ăn cho đỡ gánh cha mẹ. Có năm thì tôi về nội thành theo người bà con chạy xe ba gác đạp, không được cắc nhỏ nào hết chỉ được nuôi cơm ngày ba bữa. Hết hai tháng rồi về chuẩn bị cho việc học, được nhà họ cho bộ đồ còn tốt mà thôi. Bao nhiêu kỳ nghỉ hè là bao nhiêu lần tôi làm đủ việc mà không có bao giờ tủi thân cả vì ai cũng như tôi hết. Ai cũng khó khăn thiếu thốn, đám bạn học đứa nào cũng vậy nên sao tủi thân? Đứa thì đi bán cà rem dạo, đứa thì theo gia đình buôn bán dạo, đứa đi mót lúa,... Qua hè là cả bọn rôm rả kể chuyện làm cho nhau nghe nhiều khi lại vui. Trong các năm làm vào mùa hè có một năm để lại cho tôi kỷ niệm nhất đó là năm tôi học lớp 11. Năm ấy có người giới thiệu cho tôi một chân làm cỏ trong rẫy của một bà. Gia đình bà nầy lúc đó khá giàu, chồng bà ta có hai chiếc xe tải Desoto chạy chở hàng. Họ có một miếng đất khoảng 1.000m2 nằm gần xa lộ, họ trồng đủ thứ nào là khoai mì, ớt, cà chua, rau thơm ...v...v... Họ chỉ mướn người khác làm, người lo trồng trọt, người chăm sóc, người làm cỏ,... Tôi được nhận vào làm cỏ hai tháng hè, nhiệm vụ của tôi là nhổ cỏ, cào cỏ rồi gom lại đốt. Lần đầu cầm tới cuốc xẻng quả thật là chịu không nổi, hai bàn tay phồng rộp lên, mình mẩy chỗ nào nhức được là nhức hết. Bà ta ở đó với mấy người con trong đó có một cô con gái, cô nầy lớn hơn tôi hai tuổi. Lúc đầu cổ ra sai tôi làm cái nầy cái nọ, rồi sau đó tự nhiên cổ đem cho tôi ca nước uống. Dần dần cổ rủ tôi ngồi nói chuyện có khi đem cho gói xôi nữa. Rồi có một lần tối cô ta đến nhà tìm và rủ tôi đi ăn chè (?). Từ đó ngày nào cũng vậy, cô ta cứ gần gần chỗ tôi làm có lần cổ nắm tay tôi lôi vào ngồi nói chuyện dưới bóng cây rất là thân tình. Thật tình mà nói lúc đó tôi không nghĩ gì hết, tâm hồn trong sáng coi như bạn bè.
Rồi vào một buổi sáng, như thường lệ tôi đang cuốc cỏ thì bà chủ nhà ra gặp tôi và bà ta chửi tôi xối xả, tay cầm cái cây cứ gí gí vô mặt tôi vừa gí vừa chửi. Bà ta chửi tôi đại loại là thứ nhà nghèo mà mơ tưởng, "đũa mốc mà chòi mâm son" gì gì đó quá trời. Khuôn mặt bà ta trông thật dữ tợn, phùng mang trợn mắt lên mà mạt sát tôi đủ điều. Tôi còn tưởng bả tính đập mình nữa chứ, may mà không có. Cuối cùng bà ta quăng vào mặt tôi ít tiền gọi là trả công xong tống cổ tôi ra khỏi cổng. Ra về mà tôi sượng cả người nhưng tai vẫn nghe văng vẳng tiếng hai mẹ con cãi nhau trong nhà.