“ĐÂY LÀ CON Ú CỦA TÔI”(Truyện này NL viết tóm tắt lại từ “Sổ tay phóng viên” mà NL đã đọc trên báo Tuổi Trẻ mấy năm về trước. Nhiều chi tiết phụ NL không còn nhớ chính xác)
"Có một lần tôi đi điều tra tình hình…ở một xã vùng cao. Để có thể tiếp cận với các cụm dân cư, tôi phải đến nhà ông trưởng bản và nhờ ông ta làm người dẫn đường và giới thiệu.
Khi tôi đến nhà ông thì ông đang bận công việc ở chuồng heo: ông đang cùng bà vợ bắt mấy con heo để chuyển từ chuồng này sang chuồng kia. Sau khi chào hỏi nhau và nói vài ba câu xã giao, ông ta, tay ẳm lên một con heo con, miệng thì nói với tôi:
- Đây là con ú của tôi.
Tôi mĩm cười và nghĩ thầm:
- Đúng là mỗi nơi có những cách gọi riêng đối với cùng một sự vật. Miền Bắc thì gọi là “con lợn”, miền Nam thì gọi là “con heo”, ở đây thì gọi là “con ú”. Chắc mấy chú heo ta thường ú nu, ủn a ủn ỉn nên họ gọi là “con ú” chớ gì? Cũng hay!
Chuyến trở về, sau khi cùng nhau đi đến các cụm dân cư, chúng tôi rất vui vẻ và phấn khởi vì kết quả tốt đẹp của công việc. Hết nói về công việc, tôi quay qua ân cần hỏi thăm chuyện nhà của ông ta để bày tỏ lòng biết ơn và thiện cảm. Nhớ đến mấy con heo của ông ta, tôi hỏi:
- Con ú của anh hồi trưa đó khoảng bao nhiêu ký vậy?
Ông ta hơi ngạc nhiên nhưng vẫn trả lời:
- Không biết vì không có cân.
- Anh nuôi để bán à?
Ông ta trả lời với giọng hơi gay gắt:
- Không, không có bán!
- Vậy nuôi để làm thịt ăn à?
Lần này thì ông ta cộc lốc:
- Không!
Tôi hơi ngạc nhiên trước thái độ quay đi 180 độ của ông ta nhưng vẫn kiên nhẫn hỏi tiếp:
- Không bán, không làm thịt, vậy chứ anh nuôi để làm gì?
Ông ta hầm hầm:
- Không bán, không giết thịt, nuôi cho lớn lên hà!
Thấy ông ta có vẻ quá giận dữ nên từ đó về sau tôi không dám hỏi gì thêm, lòng vô cùng thắc mắc và hoang mang.
Sau đó, tôi chia tay với gia đình ông ta, trở xuống núi và ghé nhà một người quen ở chân núi. Tôi kể lại sự tình và nói lên thắc mắc của mình:
-… Đang vui vẻ với nhau, tự nhiên nhắc đến con ú thì anh ta quạu đeo…
Người quen của tôi nghe xong cười ha hả rồi nói:
- Ông ta không giết thịt ông luôn là may phước đó. Ở đó, người dân không phát âm được vần ÚT nên họ phát âm thành Ú đó ông ơi! Ví dụ: “một chút” thì thành “một chú”. Ông ta nói “CON Ú” thì có nghĩa là “CON ÚT” đó!
Trời! Lúc đó tôi mới nhớ ra chi tiết này: lúc ông ta nói câu “Đây là CON Ú của tôi” thì có một bé gái đứng gần đó. Thì ra là ông ta giới thiệu con gái út của mình với tôi!
CON GÁI ÚT của người ta mà mình hỏi “Mấy ký? Nuôi để bán hay để làm thịt?” thì chả trách người ta hầm hầm với mình!"
Truyện này đọc có mắc cười không vậy bà con?
************************************
"Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"