Cả đời tôi không có một giờ nào để thụ huấn sư phạm cả! Thuở còn mài đủng quần trong trường, tôi đã không thích thú gì, khi Ba Mẹ có lần hỏi: Sao con không chọn nghề giáo? Và lúc ấy tôi cho nghề giáo là nghề bán cháo phổi! Nên nhất quyết không chiều ý ba mẹ.
Thế rồi cuộc đời đẩy đưa, lúc tới trại tỵ nạn ở biên giới Thái-Miên, trong một lúc tình cờ trò chuyện cùng mấy nhân viên thiện nguyện của UNBRO (United Border Relief Organization), tôi có gợi ý họ: xin một ít sách vở để mở lớp học Anh ngữ cho trại viên, vì họ có quá nhiều thời gian ở không!
Thế là ngày hôm sau, họ chở tới cả mấy thùng trong đó có bút vở giấy mực phấn trắng bảng xanh đầy đủ! Ban Đại Diện trại giao chương trình dạy Anh ngữ cho tôi! Dở khóc dở cười vì cái tội nhanh nhẩu, tôi đành nhận lấy trách nhiệm đó! Cũng may, trong trại lúc ấy cũng có độ ba bốn người biết khá tiếng Anh và họ sẵn sàng nhận lời tôi mời hợp tác. Tiền lương là bảy lon cá mòi họp một tuần! (Lương đó là khá lắm rồi, vì khẩu phần trại viên thì cũng có năm lon một tuần thôi). Vì không có căn bản sư phạm, nên tôi chỉ dạy theo khẩu hứng và kinh nghiệm khi học ở trường sinh ngữ quân đội mà thôi!
Oái oăm một điều, dù tôi rất nóng tính, hay cằn nhằn học viên khi khảo bài họ ... nhưng lớp tôi dạy thì không còn ghế trống! Thậm chí họ còn đứng ngoài lớp để học lóm. Trong khi các lớp khác thì loe hoe vài trò thôi! Nghĩ lại cũng tự thấy thẹn vì những thái độ cộc cằn đối với học viên của mình! Nhưng có một điều, sau giờ dạy, gặp trại viên trong trại thì họ nói là; Ông YDI dạy bài đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ dù ổng... dữ lắm! Rồi một hôm, khi lên gặp UNBRO nhận thêm văn phòng phẩm, tôi gặp một đứa học trò đang khoa tay múa chân nói chuyện cùng ông Phillips, trưởng đoàn UNBRO. Khi tôi bước tới, người học trò đó quay sang tôi giải thích: Em đang xin ổng tự điển Anh Việt! Tôi không tin, nhưng cũng hỏi gặn: Thế có được không? Ổng trả lời sao?
Người học trò Thạch Văn Minh đó trả lời: Dạ, ổng hứa là sẽ cung cấp đủ cho các học viên đang theo học chương trình Anh văn trong trại nầy! Trong lòng ngờ ngợ không tin lắm, đến khi tôi nói chuyện với Phillips, thì mới rõ đó là sự thật! Ông hứa là chuyến tiếp tế sau, ông sẽ gửi cho và hỏi tôi học viên bây giờ tổng cộng bao nhiêu! Chờ người ơn bước đi, tôi khoát tay Minh nói nhỏ:
- Cám ơn em đã giúp tôi một tay để xin sách vở!
- Có gì đâu Thầy! Em phải cám ơn Thầy đã bỏ công dạy tụi em, nên bây giờ em đang thực tập như lời thầy dạy đó mà! Thầy nói: Sinh ngữ học mà không mạnh dạn ứng dụng đó là chữ chết! Cám ơn Thầy! Cám ơn Thầy!
Nghe lời cám ơn của của Minh, mà lòng tôi rưng rưng vui sướng!
Ừ nhỉ, tôi chợt nhớ tới Thầy Cô của mình, đã bỏ ra cả đời để dạy cho không biết bao nhiêu học trò, trong đó có tôi ... Vậy mà tôi chưa bao giờ nói nên lời tri ơn như người bạn nhỏ nầy!
Thầy ơi, Cô ơi! Đứa học trò nhỏ ngày xưa ngổ ngáo phá nghịch, bây giờ mới hiểu sao là hạnh phúc sung sướng dường nào khi nghe đứa học trò của mình lên tiếng tri ơn! Em bất nghĩa! Em vô tâm... Em chưa một lần lên tiếng tri ơn, dù biết rằng chưa chắc Thầy còn nhớ mặt em hay không!
Mùa tạ ơn Thầy Cô sắp tới, Xin các Đấng Thầy Cô, tất cả những người đã tận tụy một đời đào tạo rường cột quốc gia nhận nơi đây lòng biết ơn sâu sắc nhất, Xin người hãy tha thứ cho em những lần xao nhãng bài học, hay không cố tâm học hỏi!
Giờ nầy em mới thấm, các bậc Thầy Cô vui như thế nào khi thấy học trò mình hiểu bài và thuộc bài! Nhất là khi thấy học trò mình thành nhân.
Các bạn ạ! Chúng ta không thể sống thiên niên mà học tập cùng Thầy Cô của mình mãi, nhưng hãy bỏ một chút thì giờ, một chút tâm tư tìm một người Thầy hoặc Cô nào đó, có thể là đến trước mặt người, hay nếu ở xa, cũng nên gọi phone thăm hỏi và Tạ Ơn Người nhân ngày Thầy Cô 20 tháng Mười một này nha!
Riêng với Thầy Nguyễn Thành Tài, vừa là người Thầy đáng kính, vừa là niên trưởng đáng tôn của em, trong ngày Vinh danh Thầy cô nầy, xin Thầy nhận nơi đây lòng tri ân cung kính nhất của em!
... còn cô Giáo Bông Diêu Ngọc La, xin nhận lòng quí mến thân thương nhất của YDI nha!
Chúc Thầy, chúc Cô, chúc tất cả dân thứ ba một mùa ghi ơn Thầy Cô kính thương nhất!
|