Xã hội bây giờ nhiều cái nó không theo một khuôn mẫu, không phải anh đang khóc là anh buồn, không phải anh cười hớn hở là nói anh vui, không phải anh bắt gặp đôi tình nhân nắm tay đi trên đường thì nói họ hạnh phúc, giả giả thật thật chỉ trong 1 tích tắc.
1. Cậu bé trạc khoảng 10 tuổi, mặt mũi sáng láng và trông rất dễ thương, có lúc thì mặc áo sơ mi trắng bỏ vào quần nhưng cũng có lúc mặc áo thun. Cậu hay ngồi ở hè đường Điện Biên Phủ vào ban ngày, buổi tối thì hay ngồi trên vỉa hè của đường Trương Định... Trước ngày tình cờ chạy xe trên đường và gặp cậu bé này thì đã được một phóng viên nói trước về “cảnh ngộ” của cậu bé, nên đến mấy lần chạy ngang qua cậu, nói thật là cảm giác trong lòng rất khó diễn tả vừa dửng dưng vừa cảm thấy hơi cay đắng...Bối cảnh thường là như thế này, cậu bé ngồi trên lề đường khóc rất ngon lành, người đi đường ai đó thấy thương tâm nên ghé vào hỏi thăm thì được cậu bé trẻ lời: “Con mới bị mất (hoặc bị giựt) cả xấp vé số, con không biết làm sao để về nhà vì mẹ (ba) sẽ...”. Bạn không thể không cảm giác xót lòng khi nghe một cậu bé khoảng 10 tuổi, nước mắt ngắn dài, đang kể cho mình nghe một câu chuyện như thế... Người đi đường có người cho 5 ngàn, 10 ngàn, người xót xa hơn chút thì cho có khi cả trăm ngàn... Thậm chí có người thấy thương quá, sau khi cho tiền xong, còn bảo cậu bé lên xe để chở về nhà, có gì sẽ nói đỡ lời giùm cậu bé với ba mẹ để không bị đánh đòn... nhưng câu trả lời cho những tình huống như thế này thường là cậu bé viện ra một lí do để từ chối. Nhịp sống mỗi ngày vẫn tiếp diễn, cậu bé có khi xuất hiện trên vỉa hè vài ngày liên tục, có đi đâu đó mất vài ngày (cũng có thể cậu bé ngồi ở một cung đường khác mà mình không biết... )... Rồi cũng có người ngày hôm trước cho tiền cậu, ngày hôm sau gặp lại vẫn thấy cậu tiếp tục “diễn” như thế, thôi thì tặc lưỡi: “Tuổi lên 10 chẳng có đứa trẻ nào ranh đến mức nghĩ ra trò lừa đảo chuyên nghiệp đến vậy, thật cũng chẳng đáng gì...”. Tâm trạng chung của những người từng cho tiền cậu bé thường là trách cứ người lớn đã đầu độc một đứa con nít dễ thương, chứ không ai trách cậu bé cả. Chỉ có một chút cảm nhận riêng, nếu đã từng có một quang đời gian dối như thế (dù chỉ là được người khác bày vẽ cho), không biết tính cách của cậu bé sau này trưởng thành sẽ như thế nào, đó là điều chẳng dám nghĩ tới. Chỉ mong một lúc nào đó, về sau này, cậu bé sẽ có được chút bản lĩnh để nhìn ra một vết mực đen trong ký ức tuổi thơ...Nhưng còn bây giờ, dường như là hằng ngày, nước mắt của cậu bé vẫn rơi bên hè đường...
2. Cách đây hơn 2 năm, trong một chiều đi công việc xuống nhà anh trai ở cư xá Thanh Đa, ngang qua đường Điện Biên Phủ (đoạn đối diện Công viên Lê Văn Tám, nơi hay bày bán sách cũ) thấy một hình ảnh, mà cho đến bây giờ vẫn là một trong những hình ảnh cay đắng nhất cuộc đời từng bày biện ra... Một cậu bé chừng 14-15 tuổi, đẩy chiếc xe bán dừa tươi và đang đứng dưới lòng đường trong tầm bóng mát của cây cổ thụ để nghỉ chân... Vừa lúc đó chiếc xe tải nhỏ chuyên đi “dọn dẹp” đường phố của đội trật tự đô thị xuất hiện... Một cuộc giằng co diễn ra, cuối cùng thì chiếc xe ba gác nhỏ của cậu bé bị vất lên chiếc xe tải chở đi, còn những trái dừa thì có trái xếp ngay ngắn, có trái lăn lông lốc bên hè đường chổ cậu bé ngồi lại cùng với cái thùng xếp trữ đá lạnh... Một trái dừa tươi chỉ khoảng 4-5 ngàn, thoáng đếm được đâu chừng 30 trái dừa mà cậu chưa kịp bán hết... Cậu bé ngồi đó, khóc tức tưởi, khóc với tất cả những ấm ức trong lòng khi nhìn theo chiếc xe tải nhỏ chở phương tiện mưu sinh của mình rời xa tầm tay. Một ngày không biết cậu bé kia nếu bán hết số dừa mình có thì lời được bao nhiêu? Nhưng chắc rằng, chiếc xe ba gác kia dù cũ kỹ nhưng nó đáng giá cũng vài trăm ngàn, mà những anh trật tự đô thị kia có đem về phường thì cũng vứt đó cho mưa gió chứ cũng chẳng dùng được vào việc gì với một chiếc xe tồi tàn như thế với cái khung sườn sét rỉ và vài miếng ván lót... Rồi thì vì mưu sinh cậu bé đó cũng phải mua lại một chiếc xe khác, sẽ phải tốn vài trăm ngàn, coi như là đánh mất một số tiền dành dụm sau vài ngày ngược xuôi với phố xá Sài Gòn. Nhưng những giọt nước mắt đã rơi trong buổi chiều hôm ấy, những giọt nước mắt sẽ không bao giờ lấy lại được vì bản thân nó đã bị tổn thương, nhất là khi nó thuộc về một cậu bé nghèo nhưng biết mưu sinh bằng nghề lương thiện...
3. Một anh bạn, dạo trước, có kể về một dự án nhiếp ảnh làm với một ý nghĩa cho vui... Thử bỏ ra vài ngày lê la những con phố sang trọng ở khu trung tâm Sài Gòn, chụp hình những vỉa hè có người bán hàng rong, có người nghèo ngồi tạm bợ bên lề đường... Sau đó về nhà, dùng photoshop xóa hết tất cả những “chứng cứ” làm mất vẻ đẹp mỹ quan đô thị kia, chỉ để lại hình ảnh của những khung cửa gương sang trọng, những mặt tiền nhà hàng, khách sạn, shop thời trang lộng lẫy, chỉ để lại những hè đường sạch bong... Rồi tự hỏi vẻ đẹp lạnh lùng đó có còn gì là của phố xà Sài Gòn? Câu trả lời còn tùy thuộc rất nhiều vào cách suy nghĩ của mỗi người...
C&P by leekancook
|