Thượng đế sinh ra và ban cho con người những khả năng vô cùng kỳ diệu. Trong một thời gian dài, các nhà khoa học luôn tìm tòi, nghiên cứu để phát minh ra những bộ phận thay thế cho cơ thể con người. Cho đến nay, vẫn chưa một phát minh nào có thể hoàn toàn thay thế bộ phận cơ thể con người một cách tuyệt đối.
Điều kỳ diệu nhất trong con người là bộ não, là trung tâm điều khiển tất cả các hoạt động của cơ thể, bao gồm những cảm xúc vui buồn, hờn giận và một trí nhớ siêu đẳng. Tuy nhiên, tất cả mọi thứ trên đời này đều có những hạn chế nhất định, và bộ não cũng thế! Cứ ví bộ não như bộ nhớ chiếc máy vi tính bạn đang sử dụng, khi bạn nạp quá nhiều thông tin, hay nạp những dử liệu bị nhiểm vi-rút thì lập tức bộ nhớ của máy sẽ gặp một số vấn đề mà sau đó có thể gây đến tình trạng hư hỏng, hiển thị không rõ ràng, không chính xác các thông tin bạn cần xem lại, thậm chí ngừng hoạt động mà bạn phải cần đến những chuyên viên sửa chửa.
Theo một số nghiên cứu, thống kê gần đây của các nhà nghiên cứu thần kinh học trên thế giới, tỷ lệ người mắc phải chứng bệnh này có chiều hướng gia tăng, riêng tại Việt Nam tỷ lệ này khoảng 0,3 đến 1 phần trăm dân số, đây là con sô cần được báo động. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định bệnh hoang tưởng không phải là dạng thần kinh nặng như chúng ta vẫn gọi theo từ bình dân là “điên” hay “khùng”, cũng không phải là trí nhớ bị kém dần do lão hoá như những người cao tuổi mà ta thường gọi là “lẫn”. Bệnh hoang tưởng phần lớn xảy ra cho những người trung niên do nhiềp áp lực, áp chế trong cuộc sống trong một thời gian dài, là một bệnh lý của não do những biến đổi sinh học phức tạp, chịu tác động mạnh của môi trường tâm lý xã hội không thuận lợi. Trong dân gian, bệnh hoang tưởng đã có từ rất lâu mà theo người xưa thường gọi là “ma ám”, “quỉ nhập”… Có những trường hợp, người mắc bệnh do có ít kiến thức, học thức ở đời lại “hệ thống hoá” cái suy nghĩ của mình một cách rất hệ thống và khoa học, tạo thành một chuổi những sự việc, sự kiện như đã từng có thật, đã từng được xảy ra.
Trong một số trường hợp, bệnh bắt nguồn từ cuộc sống khổ hạnh tâm sinh lý, gây đến tình trạng thiếu dinh dưỡng, cơ thể suy nhược và tác động trực tiếp đến thần kinh như ăn ít hay ăn không đủ chất, thay vì ngủ cho đủ giấc thì được thay bằng trạng thái thiền nữa tỉnh nữa mê, bất quân bình sinh lý do một số cấm kị tôn giáo… Trường hợp này ta thường thấy ở các thầy tu không đúng cách, thiếu chỉ dẩn phương cách dung hoà tâm sinh lý như các thầy “đồng-bóng”, “thầy pháp-thầy bùa” mà dân Tân Châu ngày xưa đã từng chứng kiến trường hợp của ông “Đạo Tưởng”. Một số trường hợp nhẹ hơn do việc tâm lý bị ức chế lâu ngày như bị đè nén một việc gì đó quá khả năng! Ao ước thực hiện một việc không được hay đã thực hiện thất bại! Do tự cao, tự phụ mà nghĩ mình phải có một vị trí cao hơn trong xã hội, hoặc những thứ lẽ ra phải là của mình… mà cái tưởng tượng này, ý nghĩ này tồn tại lâu ngày trong bộ não gây một ngộ nhận cho bộ nhớ là có thật!
Bác Sĩ Hoàng Nam nhận định trên báo Khoa Học và Đời Sống về bệnh hoang tưởng như sau:
“Hoang tưởng là những ý tưởng, phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế do bệnh tâm thần sinh ra, nhưng bệnh nhân cho là hoàn toàn chính xác nên ta không thể giải thích, đả thông được. Hoang tưởng chỉ mất đi khi bệnh khỏi hay thuyên giảm. Hoang tưởng không phải là một bệnh mà là triệu chứng rối loạn về nội dung tư duy của lĩnh vực tâm thần học. Dưới cách suy nghĩ của bệnh nhân, nhiều chuyện không có thật nhưng họ lại cho là hoàn toàn đúng. Sự sai của bệnh nhân nặng nề đến mức ta không thể giải thích bằng lý lẽ hay chứng minh bằng chứng cứ được. Quá trình hình thành hoang tưởng rất phức tạp, liên quan mật thiết với các rối loạn tâm thần khác. Hoang tưởng thường kéo dài và làm biến đổi sâu sắc nhân cách của bệnh nhân, ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động tâm thần khác. Lúc đầu, bệnh nhân lo lắng, chờ đợi một điều gì đó bất thường, quan trọng sẽ đến với mình, làm thay đổi cuộc đời mình. Sau đó, họ thấy những người khác và sự vật xung quanh có một cái gì đặc biệt khác thường, liên quan đến số phận mình, nhưng không thể tự giải thích được. Dần dần trong cái đặc biệt và khác thường ấy, bệnh nhân tìm thấy những ý nghĩa ngày càng rõ ràng và tự giải thích theo lối suy đoán riêng của mình. Hoang tưởng được hình thành và ngày càng được củng cố thành hệ thống vững chắc, cố định. Cuối cùng, hoang tưởng có thể mất đi một cách tự phát hay do điều trị, hoặc tan rã trong trí tuệ sa sút. Nguồn gốc của hoang tưởng có thể xuất phát từ định kiến hay ám ảnh, từ ảo giác hoặc là hiện tượng duy nhất của một bệnh loạn thần còn sót lại (hoang tưởng di chứng). Hoang tưởng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau: tâm thần phân liệt, loạn thần cấp, các rối loạn cảm xúc (trầm cảm, hưng cảm) có triệu chứng loạn thần, loạn thần thực tổn... Khi nghi ngờ một người bị hoang tưởng hoặc có những biểu hiện bất thường, lệch lạc trong suy nghĩ, cần đưa đến các phòng khám tâm thần để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Phát hiện được hoang tưởng ở giai đoạn sớm sẽ giúp cho điều trị có hiệu quả hơn và tiên lượng bệnh tốt hơn.”
Còn Bác Sĩ Nguyễn Thanh Tâm, viết trên báo SKDS như sau:
“Bệnh hoang tưởng là một dạng bệnh tâm thần. Người bệnh thường có ý nghĩ hoặc hay nói về các sự việc không có trong thực tế. Khác với người bị lú lẫn, người mắc bệnh hoang tưởng tỏ ra rất có ý thức và năng động. Bệnh hoang tưởng rất khó chẩn đoán bởi biểu hiện của người bệnh rất phức tạp. Chẳng hạn, nếu người bệnh chỉ nói về những điều không thể có trong thực tế thì việc xác định bệnh sẽ dễ dàng hơn. Nhưng, có rất nhiều bệnh nhân tuy nói về các sự việc không bình thường, nhưng có thể thực hiện được, lại biết lý luận để chứng minh, thì việc xác định bệnh sẽ khó hơn. Cũng không giống như những bệnh tâm thần khác, bệnh hoang tưởng thường tới bất ngờ, mặc dù trước đó một thời gian người bệnh có thể có những biểu hiện khác thường, như bị mất ngủ. Khi lên cơn, người bệnh thường kể cho người thân rằng mình bị rình rập, theo dõi, đe dọa, bị ma ám hoặc vừa nhận được nhiệm vụ đặc biệt... Đôi khi lại tưởng mình là một nhân vật quan trọng, nổi tiếng hoặc là nạn nhân nào đó. Người mắc bệnh hoang tưởng thường ngủ ít, ăn ít và uống nước ít nên nhìn họ rất mệt mỏi, hốc hác. Trường hợp bệnh nặng, người bệnh có thể có những hành động có hại cho bản thân hoặc cho người khác, sau đó thường có xu hướng lẩn trốn vì mặc cảm tội lỗi. Nếu thấy người xung quanh mình có những biểu hiện bất thường kể trên, chúng ta nên cố gắng tìm nguyên nhân và đưa bệnh nhân đi khám chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt. Có như thế bệnh mới nhanh thuyên giảm và khả năng hồi phục sẽ càng cao.”
Ngày nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn luôn tìm tòi, phát minh những kỹ thuật tiến bộ để phục vụ con người. Và trong cuộc sống, chúng ta luôn mưu cầu, phấn đấu để có được những điều tốt đẹp hơn. Niềm ao ước là định hướng, là mục tiêu để chúng ta vươn lên. Niềm tự hào là điểm tựa, là sự đánh giá khả năng để chúng ta có thể thành công, đạt mục đích định trước. Còn hoang tưởng là những vấn đề “bất khả thi” mà chúng ta cần xác định hoang tưởng dù xảy ra ở dạng nào cũng là những biểu hiện hoàn toàn sai với thực tế, có thể làm sai lệch, tác động không nhỏ đến phần đời còn lại, cả một tương lai sau này của chúng ta.
mindshare
|