TỪ HÀNH VI ĐẠO ĐỨC...
Cái đầu cổ lỗ sĩ của tôi vẫn còn nhớ được mang máng rằng người ta đưa ra các tiêu chí để đánh giá một hành vi của con người có phải là hành vi đạo đức hay không.
Những tiêu chí đó là:
1/ Có ích
Hành vi đó phải có ích cho người khác, cho xã hội nói chung. Chính điều này nói lên tính giai cấp của cái "có ích". Có ích đối với giai cấp này, theo quan điểm này nhưng có thể có hại đối với giai cấp khác, theo quan điểm khác.
Tuy nhiên, những người có quyền lợi đối kháng nhau vẫn có thể có sự đánh giá đồng nhất với nhau đối với đa số các hành vi nếu dựa trên cơ sở chung là "tình người", "tình đồng loại".
Trong đời thường, có những hành vi là có ích đối với một nhóm người nhưng chúng có thể làm người khác lao đao lận đận vì hành vi đó đã góp phần tạo ra sự bất công.
Vì vậy, bản thân tôi chưa bao giờ thích nghi được với kiểu được việc bằng con đường mờ ám, nhứt là khi "cái được" đó của mình làm người khác bị "mất" . Và tôi cũng đang dần nhận ra là có thể mình đã quá "lạc hậu".
2/ Được chủ thể ý thức rõ ràng
Người thực hiện hành vi biết rõ ích lợi của hành vi cũng như tác hại của hành vi ngược lại.
Vì vậy, người rao giảng về đạo đức quá giỏi mà làm điều ác, điều xấu thì sẽ bị người đời lên án nặng nề. Còn trẻ vị thành niên, người ít học hiểu biết về đạo đức chưa đầy đủ thì dễ được tha thứ nếu làm sai.
3/ Tự nguyện, tự giác
Một hành vi có ích cho người khác, cho xã hội nhưng được thực hiện một cách miễn cưỡng thì không goi là hành vi đạo đức. Theo đó, nếu tôi làm điều thiện, tránh điều ác là do một "thế lực" bên ngoài nào đó chứ không do tôi tự nguyện tự giác; nếu ai đó đóng góp vào quỹ người nghèo vì phong trào buộc phải vậy, cưỡng lại thì mình không giống ai; nếu tôi giúp đỡ người khác vì sợ người khác nguyền rủa là đồ vô cảm, là đồ bủn xỉn... thì những việc làm tốt đó không gọi là hành vi đạo đức.
Nhưng dù sao đó cũng là hành vi "lành", "có ích", cũng là hành vi tốt. Đời có nhiều hành vi như vậy cũng đáng mừng rồi.
4/ Không vụ lợi
Người thực hiện hành vi không nghĩ đến cái lợi của bản thân.
Ví dụ: Ai đó giúp đỡ người nghèo là do muốn chia sẻ khó khăn với họ, chứ không phải để "được phước", hoặc để được "tiếng thơm", hoặc để giải "cái hạn" trong năm; Không làm điều ác do không muốn hại người, hại vật chứ không phải do "sợ bị tội"... thì hành vi của họ là không vụ lợi.
Theo những tiêu chí trên, thật khó lắm thay khi muốn có những hành vi đạo đức thật đúng nghĩa!?
... ĐẾN NGƯỜI TỐT
Đạo đức (tính cách) của con người là sự kết hợp chặt chẽ nhiều nét tính cách khác nhau thể hiện thái độ của người đó trong các mối quan hệ xã hội chằng chịt, đan xen vào nhau.
Có những nét tính cách tốt và những nét tính cách xấu.
Không ai chỉ có toàn những nét tích cách tốt, và ngược lại. Nhưng người ta vẫn tạm phân biệt được người tốt và người xấu dựa vào ưu thế của mỗi loại ở mỗi người (thứ nào nhiều hơn, tốt hay xấu?)
Người ta có thể là người tốt trong mắt người này nhưng không là người tốt trong mắt người khác. Ngay cả người được đa số đánh giá là tốt vẫn có những lúc làm người khác giận tím ruột bầm gan, và ngược lại.
Vì vậy, để đánh giá một người, người ta phải đánh giá cả một quá trình lâu dài để thấy rõ những nét điển hình và ổn định, trong nhiều việc, trong nhiều mối quan hệ.
Khổ nỗi là người đời thường dễ có thành kiến và bảo thủ: có khi chỉ một ấn tượng nhỏ ban đầu cũng đủ chi phối, làm méo mó những nhận định sau này.
Ở đâu cũng có người tốt nhiều, người tốt ít, người chưa tốt và cả người xấu.
Gì thì gì, dân Tân Châu mình hãy nghĩ là mình đã sống quá tốt. Làm một người cố gắng lo tròn trách nhiệm với nghề, với người thì đã là người tốt rồi? Càng biết thêm những mảng tối của cuộc đời, mình càng thấy mình đã là người quá "ngây thơ" và quá trong sáng. Thấy vậy để tự hào và sung sướng, để tâm hồn thanh thản.
Riêng tôi, tôi không thờ ông Thần, ông Thánh nào hết nhưng tôi biết nếu thật sự có các Ông thì các Ông sẽ không chê trách tôi. Vì tôi tự nhận thấy: TÔI LÀ NGƯỜI QUÁ LƯƠNG THIỆN!
VÀ... NGƯỜI BẤT HẠNH LÀ NGƯỜI TỐT HAY LÀ NGƯỜI XẤU?
Hồi nhỏ, tôi hay nghe người ta nói: "ÁC quá như vậy coi chừng bị trời đánh đó!"
Rồi khi có người HIỀN bị trời đánh thì người ta lại nói: " Trời đánh Người HIỀN để đưa vô sổ phong thần"
Nếu người ÁC bị nạn thì người ta nói: "Trời cao có mắt!", "Quả báo nhỡn tiền!"...
Còn người HIỀN bị nạn thì họ nói: "Người ngay thường gặp nạn", "Tiên mắc đọa",...
Đúng là "cái lưỡi không xương..."
Bảo "Người TỐT sẽ được phù hộ tai qua nạn khỏi" thì còn chấp nhận được vì tạo cho họ sự yên tâm, nhưng nếu bảo "Những người KHÔNG TỐT sẽ bị tai nạn" hay "Bị tai nạn là do KHÔNG TỐT" thì bản thân tôi thấy có gì đó không ổn.
Đã bất hạnh rồi mà còn bị Người Đời phán là do KHÔNG TỐT nữa thì có phải là những nạn nhân đó đã bị đồng loại của mình đối xử quá tàn nhẫn hay không???Xin chân thành nêu vài ý thô thiển của
người con ghẻ của các Đấng Siêu Nhiên như vậy.