Bông Bụp...Nhớ Quê
Mấy hôm nay rãnh rỗi cùng vài chiến hữu lang thang dạo quanh phố phường, tôi bất chợt gặp hàng dâm bụt trước một khách sạn sang trọng ở trung tâm thành phố, lạ nhỉ ? nơi đây cũng có trồng bông bụp ư ? Tôi cứ tưởng nó chỉ là ký ức xa rồi, một loài hoa chỉ có ở vùng nông thôn. Tôi lại bâng khuâng nhớ hồi còn nhỏ...quê tôi Tân Châu.
Hồi còn "mặc quần tà lỏn" chạy vòng vòng, tôi và mấy đứa bạn gọi hoa dâm bụt là bông bụp hay bông lồng đèn, mà hình như đó cũng là cách gọi của người Nam bộ. Loài hoa rất dân dã, miệt vườn và cách gọi tên lại càng dân dã. Lúc nhỏ, đạp xe tà tà từ Tân Châu về Long Sơn, chạy ngược lên Kinh Xáng hay chạy qua Châu Đốc có thể kể không xuể bao nhiêu nhà trồng bông bụp làm hàng rào, những cái bông chưa bao giờ sang trọng, nhưng lúc nào cũng gần gũi như hai nhà hàng xóm không bị ngăn cách bởi những hàng rào kẽm gai hay bức tường cao chót vót. Đối với con gái quê có thể hàng rào bông bụp gắn liền với những buổi trưa hè trốn ngủ, lén chui rào sang nhà hàng xóm chơi bán đồ hàng: cánh hoa xé nhuyễn, lá cắt nhỏ, rồi thêm vài trái mồng tơi, vậy là có cả mâm cơm canh hay mì, hủ tiếu... tùy theo trí tưởng tượng phong phú của trẻ con. Còn tôi, cùng bọn con trai, hàng rào bông bụp chỉ sử dụng được phần lá non. Ngắt lá non đầu cành nhơn nhớt gắn râu, gắn lông mày lên mặt làm hiệp sỹ để đánh kiếm. Tôi nhớ nhất là hàng rào bông bụp cách con hẻm cạnh nhà thầy Lý Bảo Thiện, không biết tôi đã "tỉa" biết bao nhiêu lá non, lá già để chơi. Lá non thì gắn râu, làm đuôi, lá già thì đem đi chôn để sau này đào lên lấy cái xương lá theo lời dạy của cô giáo môn vạn vật: thịt lá mục trước còn lại cái màn xương lá rất đẹp.
Một chuyện nhỏ đáng nhớ nữa với hàng rào bông bụp là kỷ niệm gắn liền với trường công lập Tân Châu. Hè "năm nẳm" nào đó, trường phát động cho học sinh trồng hàng rào bông bụp dọc theo con đường sân banh ngày xưa (đường Hoàng gia sau này). Tôi đạp xe vào tận Phú Vĩnh kiếm bông bụp. Do tính tình nhút nhát, tôi chạy qua hết nhà này đến nhà khác mới dừng lại xin phép được chặt một vài nhánh bông bụp vì thấy gia đình đó có vẻ...hiền lành. Sau khi cảm ơn rối rít, tôi ôm về mấy cành mập mạp, trồng ngay hàng rào, nơi trường phân công cho lớp tôi. Hè đó, vì sợ nắng cành cây không sống nổi nên tôi thường đạp xe đến thăm và xách theo can nước để tưới. Tôi không muốn công sức tôi bỏ phí, cây lại chết thì tiếc lắm! Rồi những trận mưa đầu mùa lần lượt trút xuống, những cành cây tôi ghim theo phương pháp "dăm cành" đã ra lá xanh. Tựu trường, dường như kế hoạch của nhà trường "không thành hiện thực" vì đa số cây bông bụp đã chết hết do không ai chăm sóc. Khỏi nói...cây bông bụp của tôi vẫn sống! Và tôi luôn luôn theo dõi cùng nó cùng với sự trưởng thành của tôi: 1 năm cây đã ra bông...3 năm, cây đã thành bụi....5 năm, một bụi bông bụp rất to và bị khóa đàn em chặt đi mấy lần để "lao động" và tôi cứ tưởng cây bông bụp sẽ chết....7 năm, Tết, họp lớp, tôi lặng lẽ ra thăm... bụi bông bụp vẫn còn đó, lòng vui vui ...mùa xuân vẫn còn đó phải không ? nếu mình còn hy vọng...Tôi thỉnh thoảng vẫn nhớ về bụi dâm bụt tôi trồng dù đã không còn về quê đều đặn. Tết năm nay, mấy đứa bạn rủ họp lớp nhưng tôi không thể về, nhắn cho ai đó có về chụp dùm tôi một bức hình bụi bông bụp tôi trồng ngày xưa.
...Tôi đã "già" đi cùng năm tháng, những hàng rào bông bụp trong mắt người dân quê không thể sang trọng hơn, nhưng phố cũ sang trọng hơn, những căn nhà cao tầng mọc lên, có thể hàng rào bông bụp quê mùa không còn ai ưa thích. Cuộc sống diễn ra hỗn độn, hàng rào dâm bụt không còn an toàn với những ngón nghề đào tường, khoét vách. Ký ức trẻ thơ bây giờ là những bờ tường cao vời vợi ngăn cách hai nhà hàng xóm. Bông bụp bây giờ cũng được đem ra làm thương mại, được trồng ở những nơi sang trọng, đắt tiền như một kiểu kinh doanh bản sắc Việt. Bông bụp nhiều màu hơn, to hơn, đẹp hơn, nhưng sao vẫn nhớ lắm bông bụp bé bé, quê mùa của tuổi nhỏ...
"leekancook"
|