Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 25 Tháng 11 2024, 12:14
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» QUÊ TÔI-LÀNG LONG THUẬN, LẠCH CÁI VỪNG - TRẦN KIM QUANG «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 18 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang 1, 2  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 6567 | Trả lời: 17)
Tiêu đề bài viết: QUÊ TÔI-LÀNG LONG THUẬN, LẠCH CÁI VỪNG - TRẦN KIM QUANG
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 8 2007, 13:46
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2245

Người tạo chủ đề
LỜI MỞ ĐẦU
Tác giả Hồi ký Long Thuận là Ông Trần Kim Quang, bạn đồng niên và cũng là người cùng quê với chúng tôi. Ông gởi tặng tôi đoạn Hồi ký nầy dù Ông viết chưa xong. Nhưng rất tiếc là Ông đã mất vào tháng 12/2006 vừa qua, lúc chưa hoàn tất Hồi ký nầy.
Trong phần đã viết, Ông đã ghi lại khá tỉ mỉ các sinh hoạt, các trò chơi, giải trí ở làng Long Thuận nói riêng, nông thôn VN nói chung cách nay hơn nửa thế kỷ.
Theo chúng tôi, đây là một tài liệu quý giúp chúng ta khi đọc nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ của chúng ta và để cho các thế hệ sau đọc để biết được các sinh hoạt các trò chơi ở thôn quê ngày xưa.
NGUYỄN THẢO NGUYÊN


=============================
Cửu Long Giang bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Trung Hoa, Miến Điện (Mianma), Thái Lan, Lào rồi dọc biên giới Lào – Thái Lan, xuyên qua Campuchia chia làm hai nhánh chảy vào Việt Nam với hai tên Tiền Giang và Hậu Giang, đồng thời - tại Campuchia - rẻ vào Biển Hồ bằng sông Tônlêsáp (đây là cái vựa cá để mùa nước lên cá xuôi dòng tuôn về VN), ra biển Thái Bình Dương qua chín cửa sông, nên nó được ví như là chín con rồng: cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Định An, cửa Cung Hầu, cửa Hàm Luông, cửa Xoài Rạp, cửa Cô Chiên, cửa Bátxác...vv…
Tôi không hiểu tại sao người ta gọi là Sông Tiền, Sông Hậu mà lại không gọi là Sông Đông, Sông Tây (như là Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) vì Sông Tiền cũng ở phía Đông và Sông Hậu cũng ở phía Tây.
Sông Tiền đi qua Tân Châu, Hồng Ngự, Cao Lãnh, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến tre, Mỹ Tho. Sông Hậu đi qua Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ. (Thời Pháp thuộc, để tiện việc giao thông với hai sông Tiền và Sông Hậu, Pháp đã cho đào con Kinh Vĩnh An từ thị trấn Tân Châu (kinh cũ) và Kinh Xáng, rộng hơn, từ xã Tân An (trên Vịnh Đồn) qua xã Vĩnh Hậu (tả ngạn sông Hậu).
Làng quê tôi là một xã cù lao trên bờ sông nhỏ có tên "Lạch Cái Vừng" – một nhánh của dòng Tiền Giang. Khi tôi nhận biết thì con sông nầy rộng khoảng năm trăm thước. Ông Bà kể lại rằng ngày xưa con sông nầy nhỏ lắm, con khỉ có thể chuyền từ cành cây bên nầy qua nhánh cây bên kia, nên mới kêu là "Lạch". Lạch Cái Vừng xuất phát từ truyền thuyết đó. (Từ "Lạch" có lẽ nguyên ngữ là "rạch" mà dân vùng nầy "nói ngọng ra" là lạch- giống như một số người dân ở đây nói : "gồi" (rồi) chưa, chừng nào "gồi" thì đi vô "chong" (trong) đồng bắt con cá "gô"(cá rô), bỏ vô "gổ"(rổ), nó nhảy kêu "gọt ghẹt",…...cũng như ở miệt Cái Bè, Cai Lậy thì có một số người dân quê nói: ông "Tời" (Trời) ổng mưa "tắng" (trắng) ở bụi "te"(tre); ...ở Củ Chi lại nói : tui "khương" (thương), tôi "khích" (thích) anh lắm; ...ở Miền Bắc có người nói: Mầy "nấy" (lấy) cái "lồi" cho tao "nuộc" (luộc) "dzau nang" (rau lang), "nửa" (lửa) cháy ngùn ngụt tự "lảy" (nảy) giờ. Ở quê tôi, cách phát âm ngọng đó xuất phát từ Long Sơn (một làng bên bờ kia sông), sau nầy cưới vợ gã chồng qua lại nên cả hai bên đều có một số "lai" nói ngọng. Nói đến Long Sơn, tôi bỗng nhớ đến câu hò "móc" nhau của dân hai bờ.
"Hò ơ! Long Thuận ăn cá bỏ đầu,
Long Sơn thấy vậy xỏ xâu đem dìa" (hoặc là đổi ngược vị trí địa danh lại).
Tôi cũng nhớ, đến cuối mùa nước trong, mồng năm tháng năm, chúng tôi - đông lắm - mỗi đứa ôm một cây chuối lội qua sông. Lúc nầy nước chảy lên chảy xuống một cách lờ đờ ("nước lớn chảy lên, nước ròng chảy xuống") để rồi một tháng sau "nước quay" (là gần như không còn muốn chảy nữa) đặng chuyển hướng chỉ có chảy xuống thôi và màu nước cũng chuyển từ trong qua đục. Khi đám con nít bên nầy lội qua sông thì đám con nít bên kia cũng lội qua sông, và chúng tôi "giao lưu" ở giữa dòng sông bằng cách "tạt nước" chào nhau. Vui thì có vui nhưng cũng không phải là không nguy hiểm vì khi đã chơi giỡn chán, trò chơi "tạt nước" nầy có thể chuyển qua "chia phe đánh giặc", vũ khí là tạt nước. Sự nguy hiểm xảy ra cho những đứa "lội" yếu. (thỉnh thoảng có đứa bị "chết trôi" trong mùa "nước đỗ", mà khi gia đình nào có người chết trôi thì-theo lời đồn đại rằng gia đình đó "có noi", nghĩa là hồn người chết trôi đó sẽ về "rủ rê" anh em mình khi họ tắm sông. Thật ra nói vậy là để "hù" những đứa trẻ khác cho nó sợ không dám tắm sông)
Sở dĩ người ta có lệ lội qua sông vào ngày mồng năm tháng năm là vì có truyền thuyết cho rằng vào ngày nầy "cá sấu đi tu" (thật ra,vào ngày nầy nước chảy lờ đờ ít nguy hiểm). Sau khi tắm "đã đời", đứa nào con mắt cũng "đỏ chạch" (có phải mắt cá chạch đỏ hay không mà có từ đỏ chạch) , chúng tôi"ngó mặt trời" cho đừng nhặm mắt, và đứa nào không biết lội thì bắt con chuồn chuồn cho cắn rún đặng biết lội - thật là những sự "dạy dỗ truyền khẩu" phản khoa học hết sức, vậy mà lúc đó chúng tôi đứa nào cũng TIN và làm theo. Không mù mắt là may.
Cũng trên dòng sông nầy, trước khi tôi rời quê lên Saigòn học (1952) bờ sông có nhiều "voi, vịnh", cây cối um tùm, rậm rạp, trên đường nhà cửa thưa thớt, mà nhà nào cũng cất thụt vô trong sâu, trước nhà có vườn trầu che kín, nên có nhiều "khúc vắng", không có ánh sáng ngoài đường, mà mỗi lần đi coi "hát Đình" về, đi trong đêm tối mịt, chúng tôi rất sợ ma. Người nào đốt đuốc đi thì không sợ. Khi nào trời có trăng, thấy đường để đi không cần đốt đuốc nữa, nhưng ánh sáng chập chờn rọi bóng cây mờ ảo xuống đường những hình thù kỳ quái, cộng với tiếng thân tre nghiến nhau kêu cọt kẹt, cũng tạo cho chúng tôi cảm giác rùng rợn. Người ta đồn rằng ở mỗi ranh đất thường có "ma ranh" (hồi đó người thưa đất rộng , mỗi gia đình có phần đất rất dài nên ỏ ranh đất người ta lập miếu thờ, có lẽ là thờ "Thần" canh giữ đất mình), và "Thần" đó trở thành "ma ranh". Người ta cũng đồn rằng ở mương Ông Cả Ca có "ma lết, nó thường lết đi trước ngườ, đến chừng qua khỏi cầu mương thì biến mất, có người lại nói rằng cũng có lúc ma nầy không lết mà đi "hỏng giò", tức là chơn không chạm mặt đất, qua khỏi mương thì biến. (Người ta cũng dạy rằng: muốn biết là người hay là ma, chỉ cần dòm coi bàn chân đi có chấm đất hay không. Tất cả đều là "nghe nói" chớ tôi chưa hỏi được ra người tận mắt thấy).
Nếu xuôi dòng Tiền Giang, qua khỏi Campuchia vài km thì đến Tân Châu, thị xã nằm phía tay phải. (Lũ lụt nhiều lần làm sụp lỡ bắt đầu từ Vịnh Đồn, và đến năm 1998 phải dời hoàn toàn khu chợ về khu sân banh cũ). Qua khỏi Tân Châu 3 km đến đầu cù lao làng tôi. Sông Tiền ở khúc nầy phình ra chứa 3 cái cù lao: Long Thuận, Long Khánh và cù lao nhỏ hay còn gọi là cù lao Chợ Miễu, từ Chợ Miễu qua Hồng Ngự chỉ cách con sông. Từ Hồng Ngự đi ngược trở lên là 3 làng: Thường Lạc, Thường Phước, Thường Thới (ngang Tân Châu) - tên gọi chung 3 làng nầy là Tam Thường, đó là gốc gác của bên Nội Má tôi. Đi xuôi dòng, qua khỏi nhóm cù lao thì tới Vàm Nao, nơi đây, trong thời mê tín, người ta nói có "Ông Năm Chèo" đến ngày tận thế sẽ nổi lên nuốt hết những người không tu hành. Như vậy, ở đoạn nầy Sông Tiền được phân làm 4 con sông ngăn cách 3 cù lao. Riêng cù lao Long Thuận có hình cong nên có tên là "Cái Vừng".
Vào khoảng từ tháng 6 nước sông bắt đầu đục và chảy xuôi dòng, không còn "nước lớn chảy lên, nước ròng chảy xuống" nữa, càng ngày càng chảy siết mạnh hơn, làm cho những cây tre ngưòi ta cắm trên dòng sông huơ qua huơ lại như là có ai đó lặn bên dưới cầm mà huơ vậy,mà lúc đó chúng tôi hay "nhác" nhau rằng có "ma da" ở dưới. (Ma da có lẽ là một loài bạch tuột đụng vô người ta để lại chất nhờn, và chắc là cũng có lúc nó quấn râu vào người, trì kéo người ta. Không biết có ai bị nó "nhận nước" tới chết hay không mà có cụm từ "ma da kéo"). Hồi nhỏ tắm sông ở những chỗ "bực hẫm" hoặc là chỗ có lùm bụi, thường là cây nga, cây sậy, chúng tôi có cảm giác ơn ớn, sợ ma da. Người ta còn đồn rằng bến sông của lò rèn nào cũng có ma da, thậm chí ban đêm ma da còn lên lò rèn để sưởi ấm, hoặc lên ngồi trên đầu cầu, khi có ai xuống, nó nhảy ùm xuống sông. (Có hay không tôi không chứng kiến, nhưng điều nầy cũng có ích cho người lớn trong việc "nhác ma" để cho trẻ con không tắm lâu, hoặc là tắm những chỗ nguy hiểm, vì các bến sông có "bực hẫm" dễ làm "hụt giò" trẻ con không biết lội, và chỗ có lùm bụi thì hay có rắn). Những cây tre cắm trên dòng sông dùng để hoặc ngăn chặn xuồng ghe va đập vào bờ, hoặc là những cây còn sót lại sau khi người ta "giở chà" (Chà là nhánh cây có nhiều cành nhỏ có tác dụng giảm dòng chảy làm cho cá thích tụ tập nghỉ ngơi, nơi đó người ta bỏ mồi nhữ cá ,khi thì mồi rãi, khi thì xác một con gà, con vịt hoặc ruột cá. Một thời gian đủ cho cá quy tụ nhiều , người ta dùng "đăng" vây quanh rồi tiếp tục cho cá ăn, đến khi nước rút bớt, người ta "dở chà" và bắt cá - một cách nuôi cá không cần giống của đồng bào ta. "Đăng" là một dãi cây tre chẻ và chuốt tròn bằng ngón tay, dài từ 1 thước đến 2 thước, "bện" - tức là kết lại - thành một tấm như chiếc chiếu, có kẻ hở dày hay thưa tùy theo nhu cầu bắt cá nhỏ hay cá lớn, và tấm nầy dài 2 hoặc 3 thước tùy ý mỗi người - khoản hở giữa hai cọng tre tùy thuộc vào số nuột của dây bện. Cách bện đăng để vây bọc chà khác với cách bện đăng để làm "lọp").
**** Lúc nước sông bắt đầu hết trong, chuyển sang đục, người ta gọi là "nước quay" và bắt đầu chảy một chiều thì những dề lục bình cũng theo nhau trôi xuống. Lục bình cũng đóng vai trò lịch sử trong thời kháng chiến: những chiến sĩ du kích thường ẩn núp dưới những dề lục bình để đến gần tàu hoặc đồn địch mà đánh, vì vậy, các tàu tuần tiểu thường xả súng bắn vào các dề lục bình trôi. Năm 1945, khi Ba tham gia Vệ Quốc Đoàn ở Thành Châu Đốc, tôi thường xuống cầu đúc ở bờ sông hái bông lục bình chơi. Nước chảy mạnh ém những dề lục bình vô cầu dày đặt, đến nổi chúng tôi có thể bắc ván đi trên đó mà không sụp. Bông lục bình màu tím. Nhìn bông lục bình, người ta dễ tưởng tượng đến một cái tháp có mái lợp bằng những tấm ngói màu tím trong đó có hình trăm nghìn mắt đuôi con công. Người ta cũng nấu canh với bông lục bình nữa, còn đám nhỏ chúng tôi thì tách những cọng lá lục bình rồi nắn đất vô đầu dưới, thả trôi theo dòng nước mà tưởng tượng đó là bầy ngổng lội, vì đất nặng nên giữ cho cọng lục bình thẳng đứng và khi trôi đi cái lá ló trên mặt nước lắc lư giống một con ngổng đang lội lắm. Lá lục bình lớn bằng bàn tay xòe. Hồi tảng cư năm 1945 sau khi VM rút vào chiến khu, gia đình tôi cũng tản cư theo, gặp lúc "Tây bố" chạy vô đồng trốn, ăn cơm không có chén, lấy lá lục bình làm chén. Trên dòng nước, ngoài những dề lục bình trôi còn có những khúc cây trôi đi, cũng đứng thẳng lắc lư (vì phần nước ngấm nhiều thì chìm còn phần không ngấm nước lại nổi tạo cái thế thẳng đứng của cây), thỉnh thoảng cũng có những "trái chàm" màu đen mun hoặc màu nâu đất, láng bóng, chúng tôi lượm và có được trò chơi "bắn chàm" mà đứa thua bị "đột" sưng đầu gối (sẽ nói trong phần viết về Các trò chơi ở làng tôi, vì trò chơi nào cũng có luật lê hẳn hoi). Hình như cái gì ở đây cũng cho bọn nhỏ chúng tôi trò chơi cả. "Cút bắt mù" dưới "trăng sê" (trăng sê là giao thông hào để tránh đạn bắn thẳng), cút bắt mù trên "cây dừng" (cút bắt mù là chơi trò trốn bắt mà người rượt bắt thì bị bịt mắt), tắm sông thì chơi trò "tuột dốc", mà chính người chơi tự tạo cho mình cái dốc bằng cách chọn một bãi đất có độ lài thích hợp, không quá "dốc"(cao) cũng không quá "lài"(thấp): cao quá thì khi tuột sẽ cắm đầu, lài quá thì không tuột được - nói theo toán học thì từ 30 đến 45 độ -(giống như trò "cầu tuột" ở các khu giải trí hoặc nhà trẻ)...mùa nào trò chơi nấy. Đá dế, đá cá thia thia, đá gà, đá cỏ, "đá cỏ nước" ....vv. Đá gà, đá cá, đá dế thì chắc ai cũng biết, nhưng còn "đá gà cỏ, đá gà nước cỏ" thì như sau: Trong những bụi cỏ chỉ rậm rạp thường có những cọng có cái "gù" lớn bằng ngón tay, hơi dẹp, có hình dáng như cái đầu gà. Mỗi đứa cầm một cọng và luân phiên đứa chịu cho đứa kia quất. "gà" đứa nào đứt đầu thì đứa đó thua. Còn đá gà bằng "nước cỏ" là mỗi đứa "rứt" một cọng cỏ (rút chớ không phải "bứt") sao cho cọng cỏ còn được cái phần non, sau đó lấy móng tay "vuốt" từ ngọn tới gốc non, nước sẽ "rịn" ra và tụ lại đầu gốc non của cọng cỏ, chúng tôi mới kề hai giọt nước đó vào nhau, giọt nước nào nhỏ thì bị giọt kia "hút" qua, cọng cỏ nào mất nước thì "chủ" của nó thua.
Nếu ở dưới sông chúng tôi sợ ma da, thì ở trên bờ, chúng tôi sợ "ma ranh", "ma lết", còn trong đồng thì lại sợ "ma đuốc". Đêm đêm, nhứt là khi có mưa lâm râm, ma đuốc thường đi từng đàn. Người ta nói rằng muốn thấy ma đuốc thì cứ "chổng khu" dòm qua hai chân sẽ thấy có người cầm đuốc đi. Thật ra tôi cũng chưa từng thấy ma đuốc bao giờ, mặc dầu tôi cũng thuộc loại đi chơi đêm thường. Lớn lên, khi học về chất lân tinh, (phosphore) tôi được dạy cho biết rằng cơ thể con người khi chôn dưới lòng đất có bốc lên chất lân tinh khi không khí trở lạnh, thường là lúc trời mưa, nơi có nhiều mồ mã, hơi lân tinh bốc lên gặp không khí thì phát sáng và bay đi một đoạn ngắn rồi tan. Như vậy thì làm gì có chuyện “chổng khu” thấy người.
Vào mùa nước lên, dòng sông giúp quê tôi nhiều cách để có cá: quăng câu, cắm câu, kéo bò, đặt ống cá heo, rê cá lìm kìm; còn mùa nước trong thì mò ốc gạo, "vụt" cá lòng tong, câu cần bằng xuồng nhỏ hoặc câu tôm. Những hình ảnh câu cá trên chiếc xuồng nhỏ còn ghi lại trong trí tôi là Anh Tư Tộ (hình như có lần anh câu được con cá gì lớn lắm, nó lôi xuồng anh chạy "có cờ") và Cậu Chín Cưng.
Sự khác nhau giữa " câu quăng " và " câu giăng ": Cả hai được làm ra cũng giống nhau. Cũng một đường "nhợ" (là sợi chỉ se lớn bằng chân nhan) trên đó cách nhau chừng 4-5 tấc người ta cột thòng một ra một lưỡi câu, sợi nhợ 2 tấc và sẽ móc mồi vào đó (thường là mồi trùng). Trước khi "giăng" hoặc "quăng". Giăng câu ở trong ruộng thì người ta "buộc" hai đầu của sợi nhợ chính vô hai cây cọc tre, căn ra, và cứ cách một khoản vài mét có một cọc tre phụ để đỡ nhợ câu. Nếu giăng câu ở sông thì cọc hai đầu được thế bằng phao và neo, còn cọc trung gian thì chỉ dùng phao để treo nhợ câu. Giăng câu trong đồng cần phải "dọn luồng câu". Thường thì luồng câu là cái bờ ruộng khi nước chưa ngập , khi nước lên bờ ruộng nầy cho một khoảng trống ít cây cỏ. Phải dọn cho sạch cỏ để khi cá mắc câu nó không làm cho nhợ quấn vô cò khó gở, nhưng thường thì khi có cỏ, cá quấn vô dễ "xẫy" lắm vì nó có điểm tựa, còn nều không quấn vô cỏ, lúc cá vùng vẫy có sự đàn hồi của nhợ câu, khó vuột.
Tới đây tôi lại nhớ lại, có một đêm đi giăng câu với Anh Ba tôi (Anh Inh), sau khi thả câu xong, các xuồng tụ tập về "hố" sau nhà Cậu Bảy Đại. Đang khi mọi người nằm nghỉ chờ giờ đi "thăm câu" thì bỗng tôi thấy ở lùm tre ngay hố tre nhà tôi có một quần sáng như đèn pin ai rọi về phía chúng tôi, nhưng không phải đèn pin, vì không có ánh sáng xẹt về chúng tôi, lại nữa, quần sáng đó lớn cở bằng "cái sàn" và chính giữa lại có màu tím. Vầng sáng đó lừng lững đi lên. Tôi kêu mọi người và chỉ cho coi , nhưng ba lần nó hiện ra như vậy mà không ai thấy hết. Người ta nói ma nó chỉ cho người nào hợp với nó thấy được mà thôi. Điều nầy càng làm cho tôi sợ nhiều hơn, nên khi đi thăm câu qua chỗ đó, tôi không dám chống xuồng cho Anh tôi thăm câu nữa mà chui vô chiếu quấn kín lại. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi, coi như là "bị ma nhác". Nhắc tới chuyện đi giăng câu, tôi cũng không quên lần tôi bị "đĩa đeo". Bữa đó tôi nằm ngủ, cái áo thòng xuống nước, từ đó đĩa bò lên và đeo cắn tay mặt tôi, khi gở ra rồi máu còn chảy rất lâu, tới bây giờ, sau năm mươi năm, cái thẹo "sao ba nhánh" vẫn còn mờ mờ trên da thịt.
- Giăng lưới: cách giăng thì cũng như với câu. Có điều đáng lưu ý là "cở" của mắc lưới, tùy theo muốn bắt loại cá cở nào , người ta "mắc" lưới có lổ cở nấy. Gia đình tôi không có làm việc nầy nên không rành để dùng từ cho đúng. Khi mắc lưới, muốn lổ lưới lớn nhỏ, người ta chỉ cần thay đổi cái miếng tre dùng làm "cở" mà thôi. Thường thì con cá mắc lưới ngang cái mang, nên nếu lổ lưới nhỏ thì cá lớn chui không lọt đầu vô được, còn nếu lổ lớn thì cá nhỏ chui tọt qua luôn.
- Câu quăng: Cách thực hiện về hình thức thì cũng giống như câu giăng, nhưng một đầu cột vô cái cọc cắm trên bờ, còn đần kia cột vô cục đá ( thường được đẻo thành hình cái "bánh ích" để dễ cột dây và người ta quăng cục đá ấy ra xa. Trong khi cục đá bay đi thì đường câu cũng rút bay theo vèo vèo ,vọt từ dưới lên và phóng theo cục đá , thấy đẹp mắt lắm. Quăng câu phải có sự tập luyện kỹ càng, vì nếu không rành cách xấp xếp nhợ câu và kỹ thuật quăng, trong khi bay vụt theo cục đá ,các lưỡi câu có thể sẽ móc vô người.
- Cắm câu: Người ta dùng những cần câu ngắn chừng một thước, lưỡi câu móc một con cá, thường là cá linh hoặc cá heo, vì cá heo da chắc, sống dai. (Cá heo lớn cở ngón tay, thịt săn chắc, người ta chỉ kho khô bỏ nhiều tiêu, ớt , chớ chưa thấy ai nấu canh cả, có lẽ vì thịt nó tanh.. Ở bờ sông cũng như trong ruộng, khi cắm câu luôn phải dọn cỏ một khoảng trống để khi cá mắc câu rồi nó không quấn vô cỏ, vì khi quấn vô cỏ dễ sẫy cá lắm. Chiều chiều chúng tôi xách "cần" đi tới những lùm, bụi, dọn lổ cắm câu. Cứ vài giờ lại đi "thăm câu". Khi đến gần chỗ có cần câu của mình mà nghe tiếng nước khua "lủm tủm" thì tim đập liên hồi. Không gì sung sướng bằng khi nắm cần câu kéo lên.
- Đặt ống cá ống cá heo: Ống cá heo là một cây tre vạt nhọn một đầu và khoét những lổ gần mắt tre. Khi đặt ống , người ta cho phần lổ xuống phía sâu, như vậy bên trong từng lóng tre có chứa không khí ở phần ngược với lổ, tức là ở phần trên, để cá thở khi chui vô đó. Thường thì người ta đặt "ống cá heo" ở các voi đất, xoay mặt lổ về hướng xuôi dòng. Vì chỗ đó nước chảy siết, cá thích lội ngược dòng, mỏi mệt nên khi gặp lổ ống tre là chỗ ẩn núp an toàn liền chun vô, đâu biết rằng đó là "tử địa". Cứ vài giờ người ta lại "trút ống" cá heo một lần để thu hoạch. Muốn "trút ống", sau khi kéo ống lên khỏi nước, lôi chạy lẹ lên đường, nắm đầu có vạt nhọn, tức là đầu cắm xuống đất, giơ lên khỏi đầu. Lúc ấy nước từ trong ống tuôn ra và những chú cá heo bóng lưỡng, màu sắc sặc sở theo nước lọt ra, nhảy tung tăng trên mặt đường. Đó chính là lúc bọn nhỏ chúng tôi vui thú nhất, nhưng không vì vậy mà dám "a thần phù" chụp đại. Vì con cá heo có hai cái gai thật bén ở hai bên má. Thậm chí khi nắm đuôi nó, nó cũng "chém" được mình.
- Ngoài những cách bắt cá trên, người ta cũng "vãi chài", xúc bằng vợt, đặt lờ, đặt lọp, đặt "ống trúm" để bắt lương...còn "đãi" tép nữa...nhiều lắm ...những kỷ niệm trong lòng tôi sau ...gần nữa thế kỷ xa rời quê hương, để rồi gần đấn ngày gởi nắm xương tàn lại cho đất, không làm được gì ích lợi cho quê nhà, chỉ có nuôi dạy được cho sáu đứa con trở thành người có ích cho xã hội...nên trong lòng lúc nào cũng thấy vương vấn một nỗi buồn và ray rứt...
Lúc tôi còn nhỏ, bến sông có nhiều bụi cây nga, cây sậy um tùm rập rạp lắm, cắm câu thường "dính" cá lăn, cà leo, có khi dính rắn nữa. Thích nhứt là "kéo bò" mùa nước đỗ.
Bò được làm bằng một tấm "mê tre" tre "đan" vuông vức , mỗi cạnh từ 2,5m đến 3m. Hai cạnh đối nhau được kéo gần lại, một đầu lơi, một đầu gắt để 2 góc "mê"gần nhau khoản 1m, chỗ nầy người ta cũng đan một tấm tre có hình dạng đó để che kín, đó là "đít bò”. Bên trong bò người ta đặt những "chà" cây để làm nơi trú ẩn cho cá. Người ta còn bỏ mồi bên trong để nhữ cá nữa, có khi là ruột gà ruột heo, có khi là ruột cá. Bên dưới đít bò có làm một cái cửa để lấy cá khi kéo bò. Bên dưới thân có 2 cây tre được kết vô, vừa làm nơi tựa xuống đất, cũng làm phương tiện cho người ta nắm vô đó mà kéo bò lên. Nếu bò nhỏ thì kéo bằng tay. Hai, ba hoặc bốn người có thể kéo bò được, nhưng nếu bò lớn phải quay bằng trục. (Nếu để bò lâu không kéo, bùn đóng dày kéo nặng lắm). Trục kéo bò làm bằng một khúc cây đặt dựng đứng, có đục 1 hoặc 2 lổ xuyên ngang hông để thọt 2 cây đòn qua làm phương tiện cho 4 người hoặc nhiều hơn có thể đẩy cho cái trục xoay vòng . Trục đó được chịu lại bằng 4 trụ chôn sâu dưới đất, nên khi người ta đẩy chạy vòng vòng sợi dây cột quấn tròn thân trục lần lần rút cái bò lên. Tiếng cót két hoà lẫn tiếng hô "hị,hị" để bắt nhịp lấy đà nghe thật là có khí thế. Cách nầy ít tốn sức nhưng di chuyển chậm, có khi làm cho cá chạy thoát ra ngoài khi 2 thềm bò chưa lên khỏi mặt nước.
Cá vừa kéo lên, không cần "làm" cứ để nguyên cặp gắp (đối với cá nhỏ) hoặc "lụi" (đối với cá lớn), nướng trên lữa rơm, ăn thật là ngon, vừa ngọt vừa thơm. Con cá tươi gặp lửa cháy xèo xèo, tươm mỡ nhễu xuống lửa phực lên từng chập làm cho ánh sáng chập chờn hơn. (Nói cho có vẽ văn chương một chút thì rõ ràng là "dưới ánh lữa bập bùng , mùi cá nướng đã làm rỏ dãi người ta.)
Mùa "cá linh lên ", có khi bò bị "sạt" đít vì quá nhiều cá, có những lần kéo được cả giạ. Dân quê thường làm mắm hoặc phơi khô để dành ăn mùa khô. Khô cá linh hay "mắm sống" cá linh ăn với cơm nguội buổi trưa đi cày, đi gặt, (còn tôi thì đi "mót" lúa, bắt hôi), ngon "hết chỗ nói". Quê tôi, vào mùa cá linh lên, không khí thật là rộn rịp. Dưới ánh sáng chập chờn của cây đuốc hoặc đèn dầu cá hoặc dầu mù u (không có được dầu lửa nữa chớ đừng nói đèn điện như bây giờ). Dầu cá là loại dầu làm từ mỡ bám vô ruột cá khi người ta cắt đầu rút ruột, lấy mình cá làm khô hoặc làm mắm. Còn dầu mù u làm từ ruột trái mù u phơi khô và thắng dầu. Làm cách đơn sơ là phơi khô, vã nhỏ trộn bông gòn, vắt quanh một cái cây tre giống như cây nhan , cũng đốt được.
Trong mùa cá linh lên, trên đường thường có những "bếp ung", vừa để đuổi muỗi cho trâu bò, vừa là chỗ giữ lữa và chỗ để nướng cá. Người lớn thì "lai rai" con nít thì phá mồi. (Không như bây giời - năm 2000, đất chật người đông, kiếm con cá"muốn lòi con mắt")
Cũng vào "mùa nước", một số người khăn gói "đi vô trong kinh" làm mắm, làm khô (kinh ở giữa Tân Châu và Châu Đốc). Nước mắm làm ở đây gọi là "nước mắm đồng" (còn nước mắm biển làm ở vùng biển và chỉ ở vùng biển mới có nước mắm nhỉ, quê tôi không có.)
Gài mắm: Cá "làm" xong. Lăn từng con trên "thính" xếp từng lớp trong "khạp", rải muối lên mỗi lớp, chẻ tre và chặt từng đoạn "già" hơn bề rộng của hông khạp, ("gíà" nghĩa là dài hơn một chút). Khi đưa que tre vô khạp phải hơi uốn cong một chút để khi buông tay , miếng tre thẳng ra chịu cứng hai bên hông khạp, "gài" những con cá lại không cho nó nổi lên. Nên người ta gọi là "gài mắm" Thỉnh thoảng tôi thấy Má tôi nấu nước đường để nguội đổ vô. Những khạp mắm nầy thường để sau vách nhà chớ không để trong nhà, có lẽ vì nó hôi. Một thời gian sau, trên mặt nước có những con "dòi". Người ta nói rằng nước mắm càng nhiều dòi càng ngon. Chúng tôi thường vớt dòi nầy cho cá "thia thia" ăn, cá thia thia ăn dòi chắc răng hơn ăn trùng chỉ.
Nói đến cá "thia thia" tôi bỗng nhớ lại những buỗi sáng thức dậy thật sớm, mỗi đứa một cái "rổ dày" đi ra "đồng Phú Thuận" hoặc qua "đồng Long Sơn" để "dặm" cá thia thia, vì ở đồng nhà tôi có nhiều cá "bãi chầu" chớ ít cá thia thia. Cá "bãi chầu" màu xanh lá chuối, kỳ dài như "cá phướng" và gần như là không biết "đá", nuôi để coi chơi vậy thôi. Cá thia thia khi "sung" coi bộ dạng rất là "oai vệ". Ngay cả khi mình chỉ ngón tay vào, nó cũng phùn mang, cong mình đánh cái đuôi, có khi còn xắn mỏ vô chai nữa. Và cũng nhớ lại, hồi đó tôi mê đá cá lắm. (Cũng mê "gà tre" nữa). Nghe đứa nào có cá hay, dù mắc cũng cố nài mua cho bằng được. Có một lần có một con cá vừa "thắng độ" tụi nó "dụ" tôi bán 2 đồng, trả góp mỗi ngày một cắc thôi. Tôi khoái quá mua liền. Sau đó tụi nó lại dụ tôi "đá bắt xác", tôi yên chí thế nào mình cũng "ăn" vì cá mình vừa thắng trận mà. Sau trận đó cá tôi thua, thế là phải nhịn ăn gần một tháng để trả tiền góp (vì mỗi ngày tiền ăn đi học của tôi chỉ có 5 cắc), mà cũng chẵng còn cá để mà chơi..............

TRẦN KIM QUANG


=====================================
VÀI LỜI CỦA BONG DIEU
Ai có “Tâm hồn quá khứ” như chúng ta, những người quan tâm tới trang web nhà, mà không cảm thấy thích thú khi đọc Hồi ký của Ông Trần Kim Quang thì mới là lạ. So với tác giả, tôi là người sinh sau đẻ muộn, nhưng so với bọn trẻ bây giờ, tôi cũng thuộc hàng “tiền bối”. Tôi không biết được nhiều sự việc như tác giả nhưng cũng tạm gọi là người chất chứa đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ, những cảnh sinh hoạt ở nông thôn của những năm sáu mươi trở đi. Ba má tôi hồi đó cũng thường hay kể chuyện đời xưa cho chúng tôi nghe (những sinh hoạt của những năm năm mươi trở về trước). Với những gì đã nghe kể lại, những gì được mắt thấy tai nghe hồi nẳm, tôi đã từng và sẽ làm cho các em sinh viên của tôi có những giờ phút thư giãn thật bổ ích bằng những câu chuyện thú vị. Có người bảo rằng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long na ná như nhau, chỉ cần đi một tỉnh là biết được những tỉnh khác! Tôi nghĩ, ai nói như vậy thì chỉ mới biết một chứ chưa biết tới hai. Tôi luôn tự hào rằng quê mình có những nét rất độc đáo, mà cách bắt cá bằng cách “kéo bò”, “rà” cá linh trên sông vào mùa cá linh “lên”, việc đốt “đống ung” vào mùa gió bấc, trò chơi "bắn tràm",... là những điển hình. Về chuyện đi xem hát Miễu, hát Đình,... tôi cũng có cả một kho truyện vui có thật, khi rảnh sẽ kể cho mọi người nghe chơi.
Hổm rày đọc những bài tùy bút “Tuổi thơ trên đồng”, “Trò chơi tuổi thơ”, “Bông điên điển”, "cánh diều tuổi thơ"...của TTY, Bông Sen, Quê Hương,...tôi đã thấy ngứa ngáy tay chân, muốn viết vài lời phản hồi để cũng nhắc những kỷ niệm nhưng chưa viết nỗi, vì phải ưu tiên cho công việc và sức khỏe. Nhưng sớm muộn gì tôi cũng sẽ viết và cũng mong được đọc bài viết của các Anh Chị, các Bạn, các Em xa gần. Chờ còn hơn là nắng hạn chờ mưa nữa, các Anh Chị, các Bạn có biết không??? :roll: :roll: :roll:
BONG DIEU


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: QUÊ TÔI-LÀNG LONG THUẬN, LẠCH CÁI VỪNG - TRẦN KIM QUANG
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 8 2007, 20:25
Ngoại tuyến
New Member
New Member
Hình đại diện của thành viên

Tuổi: 42
Sinh nhật: 31-05-1982
Ngày tham gia: 31 Tháng 7 2007, 10:50
Bài viết: 14
Quốc gia: Cambodia (kh)
Tác giả viết theo dạng khảo cứu, nhưng pha một chút văn kể chuyện của người dân Nam Bộ, phong cách kể thì rất là " Tân Châu ", chắt các bạn ngạc nhiên khi tôi nói như vậy, vì theo tôi được biết " Tân Châu Xưa" có diện tích địa lý rất rộng, chứ không hạn hẹp như bi giờ, vùng đất Tân Châu xưa bao gồm Tân Châu, Hồng Nghự, Long Khánh, Long Thuận. Qua bài viết của tác giả tôi thấy một số câu chuyện kể mình đả được nghe kể lúc tuổi ấu thơ, nhất là chuyện ma da. Tác phẩm rất đời thường, rất gần gủi với người dân nơi đây, tôi nghĩ bất kỳ ai đọc qua tác phẩm nầy củng bắt gặp hình ảnh mình trong đó. Rất tiếc là tác giả đả quy tiên, không thôi thì chúng ta có nhiều cái để đọc rồi.

Tôi đả từng đọc một tác phẩm khảo cứu nói về Tân Châu, được xuất bản trước năm 1975, mấy năm gần đây được phép phát hành lại, nó nằm trong một số đầu sách khảo cứu viết một số tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long của tác giả Huỳnh Minh, đó là cuốn " Tân Châu Xưa", ngoài ra còn có " Châu Đốc Xưa", " Long Xuyên Xưa", " Vĩng Long Xưa"..... Tuy nhiên cuốn " Tân Châu Xưa" do Huỳnh Minh viết với lối văn cứng nhắc, chú ý vào những con số thống kê, cách kể chuyện không hấp dẩn, ngoài ra tác giả còn có sưu tầm một số câu Ca Dao, Tục Nghữ ở Tân Châu.
Đây là hình quyển sách:

Hình ảnh


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: QUÊ TÔI-LÀNG LONG THUẬN, LẠCH CÁI VỪNG - TRẦN KIM QUANG
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 8 2007, 21:22
Bà bạn Bong Dieu thân mến !
Tôi cho rằng bạn bè ở trang nhà chúng ta không ai là không quí mến bà, quí cái tình của bà đối với Thầy, Cô, bè bạn.
Tôi không những quí trọng bà sâu sắc, mà còn thương bà nữa. Thương thật nhiều. Không thương làm sao được khi cả ngày bà đã kiệt sức vì khan giọng trên bục giảng, đêm về lại còn thức đến 1, 2 giờ sáng đem thân ra làm mồi cho muỗi, còng lưng ngồi viết những câu chuyện đời xưa.
Nhưng quí thì quí , thương thì thương, tôi không thể không cười vào cái ngây thơ của bà. Đến bây giờ mà bà còn ' chờ như nắng hạn chờ mưa" thì quả thật bà ...kém hiểu biết nhân tình thế thái quá đi !
Bà bạn của tôi ôi !
Với tôi, thời gian háo hức chờ đợi đã qua rồi.
Tôi không còn niềm tin để mong chờ những cánh chim về muộn nữa.
Trong cái thời buổi kinh tế thị trường theo định hướng XHCN hôm nay, hàng ngày bạn bè của chúng ta còn phải lo toan hàng trăm, hàng ngàn chuyện lớn chứ ở không đâu mà lo đọc hoăc viết chuyện đời xưa ? Nào là giá cổ phiếu cứ phập phồng, giá nhà đất cứ như sốt cách nhật; nào là chuyện con cái xuất dương du học, chuyện săn lùng cây kiểng đẹp để làm quà kính biếu thủ trưởng; nào là...; nào là...bao nhiêu là cái nào là như thế mới là những cái quan trọng, cái đáng nghĩ về, vì những thứ đó mới bốc mùi kinh tế thị trường. Tình nghĩa thấy trò, bè bạn ? Ừ, thì...ờ... cũng ..à.., nhưng mà những thứ đó đâu có mùi gì ???
Con người hiện đại, con người kinh tế thị trường chỉ quan tâm, trân trọng những thứ gì bốc mùi !
27 (?) con người chúng ta đây đủ gọi là nhiều rồi đấy, bà bạn ạ ! Trời sẽ còn nắng mãi. Và bà sẽ không thấy trận mưa rào nào đâu.
Bỗng dưng tôi nhớ Vũ Hoàng Chương:
"Bọn chúng ta đầu thai lầm thế kỷ "


Đầu trang
Tiêu đề bài viết: Re: QUÊ TÔI-LÀNG LONG THUẬN, LẠCH CÁI VỪNG - TRẦN KIM QUANG
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 8 2007, 02:09
Ngoại tuyến
Member III
Member III

Tuổi: 68
Sinh nhật: 25-04-1956
Ngày tham gia: 18 Tháng 7 2007, 23:22
Bài viết: 125
Xin thành thật cám ơn THẢO NGUYÊN và nhất là tri ân Tác Giả. đã đưa bài nầy lên vô củng đúng lúc.Vì đang nhờ bạn bè tìm kiếm những quyển sách viết về quê hương Tân Châu.
Đọc tới đoạn câu quăng tự nhiên phát cười một tiếng vì chuyện ngày xưa đi cầu hiện về mà không tài nào tôi quên được. xin kễ lại cho các bạn nghe.
Ngày xưa ở quê mình vào những tháng 6. 7, 8 trở về sau chúng tôi gồm các bạn, Bùi Hiếu Thão, Trần Kén Ký, Lê Tuấn Anh và Nguyễn văn Tâm thường kết thành nhóm mổi buổi tối đi câu, khi đi câu chúng tôi thường hay câu mồi ruột gà, Chuối lá sim chín, thường là dán ( con dán trong nhà). cái hứng thú của đi câu là ngôi im đợi cá ăn và giựt một cái thật mạnh, khi dính cá thì nó vẩy và đó cũng là nghệ thuật khi kéo lên. nếu không biết cứ kéo đại thì thường hay bị cái kì phía trên chém đứt là xong, phãi biết nhúng nhừơng khi nó vẩy và phăng lẹ khi nó êm. Có một lần Trần Kén Ký làm náo động cả một khu bè cá, khi anh la tiếp tiếp mấy Ông ơi, nhìn thấy anh Ký phăng dây câu mà mặt mày xanh lét, Mấy Ông Ngối câu chuyên nghiệp thấy vậy cũng bu lại tiếp người thì sách vợt vớt cá vì nghĩ là cá lớn, có người bảo để tao phăng tiếp cho coi chừng xảy uổng lắm, Phần dây câu lượn rất mạnh nên ai cũng nín thỡ chở xem một con cá lớn mắc câu, Khi phăng gần hết dây câu, người đang kéo dây la lên tui bây xích ra coi chừng cá đăm đó con nầy lờn lắm nó vẫy quá trời và Ông kéo mạnh tay lên ... và một vật đen xì trên bè cá. Mọi người lúc ấy mới vở lẽ ra và tất cả đều ôm bụng cưới một trận mà mấy ngày sau vẩn còn cười, Các bạn biết dính cái gì không? Đó là một cái quay chảo dùng đễ xào nấu ở nhà vì nước chảy nên nó lạng không tường tượng được
còn tiếp


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: QUÊ TÔI-LÀNG LONG THUẬN, LẠCH CÁI VỪNG - TRẦN KIM QUANG
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 8 2007, 02:40
Ngoại tuyến
Member III
Member III

Tuổi: 68
Sinh nhật: 25-04-1956
Ngày tham gia: 18 Tháng 7 2007, 23:22
Bài viết: 125
trần-nguyên {L_WROTE}:
Xin thành thật cám ơn THẢO NGUYÊN và nhất là tri ân Tác Giả. đã đưa bài nầy lên vô củng đúng lúc.Vì đang nhờ bạn bè tìm kiếm những quyển sách viết về quê hương Tân Châu.
Đọc tới đoạn câu quăng tự nhiên phát cười một tiếng vì chuyện ngày xưa đi cầu hiện về mà không tài nào tôi quên được. xin kễ lại cho các bạn nghe.
Ngày xưa ở quê mình vào những tháng 6. 7, 8 trở về sau chúng tôi gồm các bạn, Bùi Hiếu Thão, Trần Kén Ký, Lê Tuấn Anh và Nguyễn văn Tâm thường kết thành nhóm mổi buổi tối đi câu, khi đi câu chúng tôi thường hay câu mồi ruột gà, Chuối lá sim chín, thường là dán ( con dán trong nhà). cái hứng thú của đi câu là ngôi im đợi cá ăn và giựt một cái thật mạnh, khi dính cá thì nó vẩy và đó cũng là nghệ thuật khi kéo lên. nếu không biết cứ kéo đại thì thường hay bị cái kì phía trên chém đứt là xong, phãi biết nhúng nhừơng khi nó vẩy và phăng lẹ khi nó êm. Có một lần Trần Kén Ký làm náo động cả một khu bè cá, khi anh la tiếp tiếp mấy Ông ơi, nhìn thấy anh Ký phăng dây câu mà mặt mày xanh lét, Mấy Ông Ngối câu chuyên nghiệp thấy vậy cũng bu lại tiếp người thì sách vợt vớt cá vì nghĩ là cá lớn, có người bảo để tao phăng tiếp cho coi chừng xảy uổng lắm, Phần dây câu lượn rất mạnh nên ai cũng nín thỡ chở xem một con cá lớn mắc câu, Khi phăng gần hết dây câu, người đang kéo dây la lên tui bây xích ra coi chừng cá đăm đó con nầy lờn lắm nó vẫy quá trời và Ông kéo mạnh tay lên ... và một vật đen xì trên bè cá. Mọi người lúc ấy mới vở lẽ ra và tất cả đều ôm bụng cưới một trận mà mấy ngày sau vẩn còn cười, Các bạn biết dính cái gì không? Đó là một cái quay chảo dùng đễ xào nấu ở nhà vì nước chảy nên nó lạng không tường tượng được, bây giờ nhớ lại vẫn còn cười. :roll: :lol: :roll: :lol:
còn tiếp

Nếu các bạn Anh, Thão, Ký và Tâm có đọc bài nầy thì xin cười thôi
nhé vì mình muốn đưa lên cho câu chuyện thêm sống động và là chuyện có thật 100% phải không ? mấy Ông bạn


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: QUÊ TÔI-LÀNG LONG THUẬN, LẠCH CÁI VỪNG - TRẦN KIM QUANG
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 8 2007, 06:21
Ngoại tuyến
Member III
Member III

Tuổi: 68
Sinh nhật: 25-04-1956
Ngày tham gia: 18 Tháng 7 2007, 23:22
Bài viết: 125
Tân Châu Ngày Về {L_WROTE}:
Tác giả viết theo dạng khảo cứu, nhưng pha một chút văn kể chuyện của người dân Nam Bộ, phong cách kể thì rất là " Tân Châu ", chắt các bạn ngạc nhiên khi tôi nói như vậy, vì theo tôi được biết " Tân Châu Xưa" có diện tích địa lý rất rộng, chứ không hạn hẹp như bi giờ, vùng đất Tân Châu xưa bao gồm Tân Châu, Hồng Nghự, Long Khánh, Long Thuận. Qua bài viết của tác giả tôi thấy một số câu chuyện kể mình đả được nghe kể lúc tuổi ấu thơ, nhất là chuyện ma da. Tác phẩm rất đời thường, rất gần gủi với người dân nơi đây, tôi nghĩ bất kỳ ai đọc qua tác phẩm nầy củng bắt gặp hình ảnh mình trong đó. Rất tiếc là tác giả đả quy tiên, không thôi thì chúng ta có nhiều cái để đọc rồi. :mrorange:

Tôi đả từng đọc một tác phẩm khảo cứu nói về Tân Châu, được xuất bản trước năm 1975, mấy năm gần đây được phép phát hành lại, nó nằm trong một số đầu sách khảo cứu viết một số tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long của tác giả Huỳnh Minh, đó là cuốn " Tân Châu Xưa", ngoài ra còn có " Châu Đốc Xưa", " Long Xuyên Xưa", " Vĩng Long Xưa"..... Tuy nhiên cuốn " Tân Châu Xưa" do Huỳnh Minh viết với lối văn cứng nhắc, chú ý vào những con số thống kê, cách kể chuyện không hấp dẩn, ngoài ra tác giả còn có sưu tầm một số câu Ca Dao, Tục Nghữ ở Tân Châu.
Đây là hình quyển sách:

Hình ảnh

Thân gởi TÂN CHÂU NGÀY VỀ khi đọc bài nầy thì mình nghĩ Ông chắc là lớn tuổi lắm vì 1/- Ông biết rất rành địa giới cũa Tân Châu ngày xưa
2/- trong các bài viết giọng văn rất là chuẩn xác và có phần nghiêm trang dành cho ngưới lớn tuổi.
3/- biết sử dụng chử TÂM làm biểu tượng
Không biết nhận xét như thế có đúng không? Rất mong sự Hồi âm cũa ....Ông cho thêm phần ấm cúng trang web và tiện việc xưng hô nhé
xin chào và rất mong tin hồi âm


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: QUÊ TÔI-LÀNG LONG THUẬN, LẠCH CÁI VỪNG - TRẦN KIM QUANG
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 8 2007, 10:31
- Tân Châu Ngày Về
- trần-nguyên

Đề nghị 2 bạn tìm đọc quyển sách khảo cứu "Tân-Châu" của nhà giáo Thái văn Kiềm
Thầy Kiềm từng dạy tại trường Nam tiểu học Tân-Châu. Quyển này xuất bản...hình như vào giữa thập niên 60 thế kỷ trước.
Thời đó,theo như tôi biết, ngay cả ở những vùng nông thôn, không ít gia đình có quyển sách này. Chắc là không khó tìm.
Tôi tin rằng ít nhất thì phụ thân của Trần công Bá cũng còn giữ 1 quyển.

Riêng với bạn TCNV

Bạn đã đọc Tân-Châu xưa của Huỳnh Minh, nhất định phải đọc quyển Tân-Châu của thầy Kiềm. Bạn sẽ thấy...thế nào là sự khác biệt giữa trời và vực.


Đầu trang
Tiêu đề bài viết: Re: QUÊ TÔI-LÀNG LONG THUẬN, LẠCH CÁI VỪNG - TRẦN KIM QUANG
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 8 2007, 00:18
Ngoại tuyến
Member I
Member I

Tuổi: 68
Sinh nhật: 08-03-1956
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 04:12
Bài viết: 43
Quốc gia: Vietnam (vn)
Thành kính trước hương hồn tác giả Trần Kim Quang; sau khi đọc bài Long Thuận, đã khơi lại trong tôi rất nhiều hình ảnh xưa! Lâu rồi tôi có ý định viết “địa chí Long Thuận” nhưng điều kiện chưa cho phép. Sau khi đọc những dòng hồi ký trên, tôi xin bổ sung vài chi tiết:
Cù lao Cái Vừng, có sông Tiền bao quanh, bốn bề lộng gió, hàng năm đến mùa nước nổi thì thiên nhiên ban tặng cho vùng nầy nhiều phù sa.
Trong làng có một cái đình thờ “Thần Hoàng Bổn Cảnh” do vua Bảo Đại phong sắc. Trước cửa đình có ba cây dầu và 2 cây sao rất lớn, tuổi của nó đã có trên 100 năm. Những người xa quê, trông về hướng Long Thuận trước tiên sẽ thấy tàng cây nhô lên hình rẻ quạt đó thì sẽ nhận ra ngay là cây dầu của đình làng mình. Hàng năm vào mùng 10 tháng 4 âm lịch là cúng đình cầu cho “Quốc thới Dân an” gần như năm nào cũng có mưa, những năm gần đây còn có “đôi hạt” bay về đậu trên cây dầu.
Địa hình cù lao từ cao xuống thấp, theo triền dốc từ phía cái Vừng sang phía Hàng Gòn. Dân cư phía Cái Vừng đông đúc, sau lớp dân cư là đất giồng, gò (hệ gò) từ đầu cù lao chạy dài xuống Phú Thuận hình thành một con lộ đường mòn theo gân gò mà có người nói là “Ấp Chiến lược”. Trên đất giồng người ta trồng cây tạp như: me nước, tre, gòn, dầu, v.v... phía Hàng Gòn thưa thớt, nên có nhiều người từ phía Cái Vừng sang mua đất, trồng trọt và từ từ định cư luôn nơi nầy.
Mặt lộ đất, thấp, hai bên đường người ta trồng cây ăn trái ve mát rượi. Những năm nước lớn (lụt) thì nước ngập rất sâu. Có mấy mốc đáng nhớ: 1961, 1966, nước ngập sâu mọi việc đi lại phải dùng xuồng. Sau nầy người ta dần dần đào đấp tôn nền lộ ngày một cao thêm; đến năm 1978 thì phía Cái Vừng không còn bị ngập nữa.
Trong xã, trước năm 1963 có một trường tiểu học ở cạnh đình Long Thuận và một trường sơ học ở cây số năm rưởi (ngang Long Sơn), đến năm 1964 đầu cù lao có thêm một trường tiểu học nữa, Trường Sơ học nầy vẫn tiếp tục dạy học đến năm 1966 dời xuống cây số 6 và cũng năm đó trường tiểu học được xây thêm ở ấp Long Hòa và Long Thạnh (đến 1966 trong xã có năm trường tiểu học, không còn trường sơ học). Việc học hành ngày xưa rất ít trường, những ai muốn học lên nữa thì phải lên Tân Châu hay sang Châu Đốc và có rất nhiều người học xong, họ tạo lập cơ nghiệp và định cư luôn ở những đô thị lớn.
Người dân có tập quán lâu đời trồng lúa mùa nổi (một năm, một vụ) người dân thường gọi là lúa sạ, việc trồng lúc không phải tốn nhiều phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Đến năm 1966 chuyển từ trồng lúa nổi sang lúa thần nông (hai vụ). Ngoài cây lúa người ta còn trồng thêm cây ăn trái nhiều nhất là nhãn, xoài,... Ở cù lao Cái Vừng có nghề truyền thống đã đi vào quá khứ là “đẽo guốc” người ta dùng cây gòn, (sau nầy ít gòn nên người ta chuyển sang một số cây khác) để đẽo và thời điểm đó hầu hết người ta đều đi guốc, sau nầy khoa học phát triển mới đến dép cao su. Ngoài ra còn có những mãnh vườn trầu, cau, xoài, mía,... giờ cũng nằm trong tiềm thức của những người lớn tuổi.
Nhà ngói xưa đến giờ còn nguyên vẹn đếm không hết đầu ngón tay, do cuộc sống con cháu đã sẻ chia nhau, mất đi kỷ niệm của ông bà.
Ngày nay đã thay đổi khá nhiều, có lộ nhựa nên đường đi không còn bị bùn lầy lội như ngày xưa, có điện ánh sáng cuộc sống sinh hoạt của mọi người đã thay đổi nhiều, nhất là có điện thoại, có mạng internet ở bưu điện xã. Việc học hành thì rất thoải mái, xã có trường cấp II. Dòng nước mát vẫn còn, nhưng đã ô nhiễm do rất nhiều người nuôi cá bè, tắm lúc nước rút thì bị ngứa. Dân cư rất nhiều lớp nhà, con cái lớn lên có rất nhiều người không được học hành để tìm nghề mới, nên chỉ biết bu quanh cha mẹ, cất nhà xúm xích. Nghề nghiệp phát triển rất chậm.
Mong rằng một số bạn quê Long Thuận dưới góc độ của mình có đóng góp thêm.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: QUÊ TÔI-LÀNG LONG THUẬN, LẠCH CÁI VỪNG - TRẦN KIM QUANG
Gửi bàiĐã gửi: 11 Tháng 9 2007, 14:41
Ngoại tuyến
New Member
New Member
Hình đại diện của thành viên

Tuổi: 42
Sinh nhật: 31-05-1982
Ngày tham gia: 31 Tháng 7 2007, 10:50
Bài viết: 14
Quốc gia: Cambodia (kh)
trần-nguyên {L_WROTE}:
Thân gởi TÂN CHÂU NGÀY VỀ khi đọc bài nầy thì mình nghĩ Ông chắc là lớn tuổi lắm vì 1/- Ông biết rất rành địa giới cũa Tân Châu ngày xưa
2/- trong các bài viết giọng văn rất là chuẩn xác và có phần nghiêm trang dành cho ngưới lớn tuổi.
3/- biết sử dụng chử TÂM làm biểu tượng
Không biết nhận xét như thế có đúng không? Rất mong sự Hồi âm cũa ....Ông cho thêm phần ấm cúng trang web và tiện việc xưng hô nhé
xin chào và rất mong tin hồi âm


Nói thật là muốn trả lời trần-nguyên lâu lắm rồi, nhưng chẳng biết bắt đầu như thế nào nửa??? Thật là khó sử cho TCNV, thật ra TCNV còn rất rất là nhỏ tuổi so với các cánh chim trong tổ ấm chúng ta, chỉ đáng tuổi.......con cháu mà thôi. Còn giọng văn già chát khú đế là do đọc sách của lảo già họ Vương (VHS) mà nhiểm vào mình hồi nào không hây, đến nổi ảnh hưởng luôn cái tính thích đồ xưa của ông già họ Vương, nên cái gì xưa là thích, cái gì củ là mê. Rất mong trần-nguyên bỏ thứ cho vì trả lời trể, hẩy thông cảm cho TCNV.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: QUÊ TÔI-LÀNG LONG THUẬN, LẠCH CÁI VỪNG - TRẦN KIM QUANG
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 9 2007, 23:51
Ngoại tuyến
Member III
Member III

Tuổi: 68
Sinh nhật: 25-04-1956
Ngày tham gia: 18 Tháng 7 2007, 23:22
Bài viết: 125
Ông bạn TÂN CHÂU NGÀY VỀ Thân Mến
Mình hỏi Ông lâu quá mà không thấy trã lời, Nguyên nầy không biết có xúc phạm gì không? Nên không dám nhắc, Hôm nay thấy Ngài…… phản hồi nên rất là mừng, nhưng Ngài…. ( hì hì hì) nói còn nhỏ tui…..con cháu thôi thật lòng Trần Nguyên không tin tí nào cã ,( Thật lòng không buồn nhé ), Nội cái chử TÂM thì Nguyên nầy bái phục rồi. Thêm nghiên cứu nghiền ngẩm Tác giả VƯƠNG HỒNG SỂN, mê đồ củ thì chĩ có người đứng tuổi mới có kinh nghiệm việc nầy… thì lại càng chứng minh cho điều mình nghĩ là đúng và chính xác.
* à quên nữa Ngài ở đâu mà chọn cái tên TÂN CHÂU NGÀY VỀ vậy????
Xin TCNV chỉ cho mình cách nào mới đưa được biểu tượng ấy vào vậy? ( Mình không dùng chử tâm đâu nhé, biết cách trước chọn biểu tưọng sau)
sẻ cho Ông… Anh,Bạn địa chỉ email sau. Hẹn có ngày gặp lại, và nhất là trên các bài viết
Thân Chào


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 18 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang 1, 2  Trang kế tiếp

» QUÊ TÔI-LÀNG LONG THUẬN, LẠCH CÁI VỪNG - TRẦN KIM QUANG «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu