Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 25 Tháng 11 2024, 06:26
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» HAI TIẾNG "TÂN CHÂU" «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 1611 | Trả lời: 2)
Tiêu đề bài viết: HAI TIẾNG "TÂN CHÂU"
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 3 2009, 06:14
Ngoại tuyến
Member III
Member III

Tuổi: 47
Sinh nhật: 00-00-1977
Ngày tham gia: 14 Tháng 9 2008, 10:37
Bài viết: 105
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Nói không biết quí vị có tin không, hôm qua, khi sắp xếp lại ba cái file word nằm ngổn ngang trong mấy cái folder, tôi bắt gặp bài viết này. Tác giả là ai, tôi không nhớ chính xác. Tôi cũng không hiểu vì sao tôi có bài này, dường như có ai đó gởi email kiểu forward cho tôi hay là tôi lấy từ một trang web khác, và tôi đã copy vô word để dành? Với cái trí nhớ thất thường này, tôi không tài nào nhớ ra được!
Đọc lại bài, tôi thấy ngạc nhiên và tiếc: tại sao một bài hay như vậy về xứ Tân Châu mình mà lại không được đưa lên trang web THTC của chúng ta? Lại chợt nhớ đến "địa linh" và "nhân kiệt" Tân Châu mà NGV mới vừa nhắc trong bài tùy bút "Tháng ba" vừa rồi, sau một đêm nằm gát chân lên trán suy nghĩ, đắn đo, cân nhắc, hôm nay tôi quyết định mạn phép tác giả đưa bài lên trang web này. Nếu tác giả có đọc bài này trên web thì vui lòng lên tiếng (công khai hoặc gởi tin nhắn) cho mọi người (hoặc riêng tôi) biết.
Chân thành cảm tạ và xin lỗi tác giả. Cảm tạ về bài viết hay và xin lỗi về sự mạo muội gởi bài lên web THTC này.
Nếu có gì không vừa lòng, cũng xin NGV, BĐH và quí vị lên tiếng giùm.
Tôi tạm đặt tiêu đề bài này là:

HAI TIẾNG "TÂN CHÂU"

MỘT

Năm 1969, vừa kịp học hết chương trình lớp Đệ tam thì tôi vào lính. Từ bỏ mái trường quen thuộc, xa rời Thầy Cô, bè bạn thân thương, xếp lại chiếc áo trắng quần xanh, khoát vào người bộ quần áo nhà binh, tôi, như hàng triệu những thanh niên khác thời bấy giờ trên mảnh đất phía Nam của đất nước, xem việc xa lìa trường lớp một cách đột ngột như thế không gì khác hơn là một thứ định mệnh cay nghiệt, oan trái chụp phủ lên số phận bi thương của lớp trẻ trót sinh ra trong thời loạn ly. Ra đi là ra đi, vì phải ra đi. Thế thôi! Định mệnh nó bắt thế. Tôi mãi mãi tin rằng, trước giờ “xếp bút nghiêng”, không hề có gì gọi là lý tưởng trong cái đầu cũng như trong trái tim của những thanh niên ngày hôm nay còn là học trò, ngày mai đã là người chiến sĩ, “lo việc binh đao. Đa số những người lính trẻ đi vào cuộc chiến với cùng một mớ hành trang nặng oằn trong chiếc ba lô trên vai: tâm trạng ngậm ngùi thương tiếc mái trường yêu dấu của mình.

Vì vậy, khi đã vào lính rồi tôi vẫn còn cố níu kéo lại tuổi học trò vừa không may bị mất, để có được niềm vui mình vẫn còn là một chú học trò: tôi tự học thêm. Đời lính vất vả, gian lao, phải mất 2 năm tôi mới tự học xong chương trình Đệ nhị. Năm 1971, thi và đậu Tú tài I. Nhận thấy chương trình lớp Đệ nhất khó mà tự “giải quyết” trong 1 năm, tôi theo học một lớp đêm tại Trường tư thục Kim yến, Nha Trang.

Lớp học có trên 30 “học trò”, toàn là lính hoặc công chức. Tuần lễ đầu tiên, thầy Toán cho 3 bài tập về nhà làm. Đến giờ “trả bài”, thầy yêu cầu “trò” nào giải được thì xung phong lên bảng. Cả lớp đều “rên” ầm lên là thầy cho đề khó quá, bí lù. Ngộ cái là không hiểu sao tôi lại giải được cả. Bèn xung phong. Xem tôi giải một mạch cả 3 bài, chắc vì thầy tưởng tôi là cựu học sinh của một trường trung học nào đó ở Nha Trang nên thầy hỏi:

- Khá quá ! Em học trường nào ?
- Thưa thầy, trường Trung Học Tân Châu !

Năm tiếng “trường Trung Học Tân Châu” lạ lẫm ấy tất nhiên không gây được âm vang nào, không tạo được ấn tượng gì trong tâm trí bất kỳ ai trong lớp học đêm đó. Trừ tôi.

Vừa buột miệng nói ra cái tên trường của mình trong hoàn cảnh “ngồ ngộ” đó, đột nhiên tôi cảm thấy một chấn động rất lạ lùng từ đâu đó bất thần ập đến khiến toàn thân tôi rung lên, tạo thành một luồng “điển quang” rần rần chạy lên xuống dọc theo xương sống, thật ấm áp và thật mãnh liệt. Mãnh liệt đến độ làm nước mắt tôi tự nhiên ứa ra!

HAI

Năm con trai đầu lòng của tôi học lớp ba, tôi bắt đầu quan tâm đến các kỳ thi chọn học sinh giỏi Văn, Toán cấp tỉnh. Hỏi thăm một số thầy cô quen, tôi nhận được nhiều tin “sét đánh ngang tai”: học trò huyện Phú Châu “lịch sự” tới mức năm nào cũng nhường giải cho học trò Thoại Ngọc Hầu, Chợ Mới, Châu Phú… "Chuyện quỉ quái gì đang xảy ra vậy? - tôi tự hỏi. - “Lịch sự” với Thoại ngọc Hầu thì còn hiểu được, chớ “Lịch sự” với cả Chợ mới, với cả Châu Phú…thế là thế nào? Mà đâu có phải chỉ “Lịch sự” mỗi một năm thôi, năm nào cũng “Lịch sự” hết!”

Chuyện là chuyện của người ta, của các nhà giáo trong huyện, mắc mớ gì tới tôi nào?! Vậy mà không biết tại làm sao bỗng dưng tôi cứ tự thấy như mình có lỗi, tự thấy đấy là nỗi đau của chính mình. Học trò Phú Châu mà thua kém học trò Chợ mới, Châu Phú ư? Buồn rầu dai dẳng, bực bội lâu ngày, cuối cùng… ách giữa đàng tôi tự mang vào cổ: tôi thề với lòng phải… làm sao đó xóa bỏ thực trạng quá “lịch sự” của học trò Phú châu đi.

Tôi đã làm gì ?

Đầu tiên, tôi liên hệ với cô hiệu trưởng trường tiểu học xã tôi để tìm hiểu tình hình. Thì ra chỉ là chưa ra trận đã cam chịu nhận phần chiến bại. Tôi có cảm giác là không thầy cô nào trong huyện lúc đó tin rằng Phú châu có thể lật ngược tình thế. Mà tình thế lúc đó là thế này: Phú châu không hề có “phong trào”. Nói trắng ra là ngành giáo dục huyện nhà lúc đó…chưa từng biết và cũng không tha thiết đến cái vinh dự “chiến thắng”. Người ta xem chuyện học sinh huyện mình thua kém huyện bạn không là điều gì đáng để tự ái nên gần như không làm gì cả. Cũng tổ chức thi chọn học sinh giỏi (HSG) cấp xã, rồi cấp huyện, rồi cũng tổ chức đưa học sinh đi tham gia kỳ thi tuyển HSG cấp tỉnh gọi là cho có với người ta, rồi …tỉnh bơ, cười trừ đôi ba tiếng, quay về tay không.

Tôi thật bất bình về cái tinh thần chủ bại và “vô tư” đó, đồng thời âm thầm chuẩn bị một kế hoạch dài hơi nhằm (chỉ là tôi dại dột nghĩ thế thôi) phục hồi danh dự cho học trò Phú Châu. Thấy con có khiếu học toán, tôi đi lùng tìm sách bài tập nâng cao. Nhưng vào những năm 1983, 1984 ấy, tìm đâu ra loại sách này? Tôi bí quá đành quay lại trường tiểu học xã xin cô hiệu trưởng (là người bà con) cho tôi lục lọi trong “thư viện” nhà trường cầu may. Quả là “hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”, tôi “vớ” được 1 quyển sách toán dịch từ tiếng Nga quí hơn vàng - quyển “Em hãy tự giải”. Sách này dùng được cho học sinh từ trình độ lớp 4 đến lớp 7, trong đó có những đề toán dành cho lớp 4, lớp 5 mà tôi bó tay vì không quen với dạng đề. Tôi kiên trì dành hết thì giờ ban đêm (ban ngày lo việc mưu sinh) cho việc nghiên cứu những dạng đề rất “kỳ cục” mà cũng có vẻ rất hấp dẫn trong sách ấy bằng cách tận lực sử dụng những kiến thức toán học được từ các Thầy Cô tôi hồi xưa (Thầy Nhiều, Thầy Thiện,...) còn rơi rớt lại trong đầu, cố hiểu cho được …cái đề. Nhiều lần nước mắt tôi rơi trên sách ấy, khóc cho câu “lực bất tòng tâm”; nhưng rồi lần lần tôi cũng hiểu ra được đôi điều nho nhỏ. Hiểu tới đâu đem ra dạy con tới đấy. Một năm mười hai tháng cha con tôi gần như chỉ ngừng học toán mấy ngày tết mà thôi. Một già một trẻ không biết gì đến mùa hè oi bức hay mùa đông lạnh lẽo, trên căn gác thấp lè tè đêm nào cũng lập lòe ánh đèn dầu với hai mái đầu chụm vào nhau thầm thì mãi đến tận khuya.

Cứ thế mà nghiên cứu, mà tiến lên, từng tháng, từng năm. Rất chậm, nhưng cũng rất chắc. Đến năm lớp 8 thì không còn cái cảnh cha truyền thụ kiến thức cho con nữa mà hai cha con cùng hợp lực nghiên cứu. Sách toán dành cho học sinh giỏi cũng ngày càng dễ tìm hơn, rất thuận tiện cho việc học. Năm lớp 9, sau khi đứng đầu cuộc thi cấp huyện môn toán, thằng nhỏ được nhà trường (năm ấy trường cấp II đã chiếm lĩnh trường Bán Công Tân châu rồi) gọi nó học lớp bồi dưỡng chuẩn bị đi thi vòng tỉnh, đúng… 3 tuần trước ngày thi, hình như mỗi tuần học 2 buổi. Phụ đạo cho thằng nhỏ là một cô giáo đứng tuổi. Ngày lên đường, cô giáo bảo “Em cứ đi thi… cho biết phòng thi”.

Độ một tuần sau ngày thi cấp tỉnh, buổi sáng, tôi ngồi uống cà phê với ông anh bà con trên đường vào chợ cũ Tân châu thì một người bạn của ông anh tôi bước vào, ngồi chung bàn. Ông này tôi “quen” từ 2 năm trước, thỉnh thoảng vẫn ngồi cùng bàn với chúng tôi nhâm nhi cà phê. Ông đặc biệt ít nói. Mỗi lần gặp ông, chúng tôi chỉ gật đầu thay cho câu chào. Người trung trung, gương mặt hơi khắc khổ, ngồi uống cà phê với nhau có khi cả tiếng đồng hồ, tôi chỉ nghe ông mở miệng trả lời ông anh tôi đôi ba lần, mỗi lần vài ba từ. Nói thật, tôi cũng không hứng thú bắt chuyện với ông ta. Buổi sáng hôm ấy, ông ta phá lệ. Vừa ngồi xuống bàn, ông thông báo ngay với ông anh tôi:

- Năm nay huyện Phú Châu mình "chó ngáp phải ruồi", hạng nhất toán vòng tỉnh!

Đến hôm nay, nhờ những tấm hình chụp đăng trên trang Web THCLTC, tôi mới biết hôm đó người báo tin học trò Tân châu đã giành lại được sĩ diện cho… “Tân Châu xứ lụa” chính là vị cựu hiệu trưởng của trường Trung Học Tân châu.
Ẩn Danh Cư Sĩ (?)


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: HAI TIẾNG "TÂN CHÂU"
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 3 2009, 09:27
Ngoại tuyến
Member V
Member V

Tuổi: 74
Sinh nhật: 00-00-1950
Ngày tham gia: 21 Tháng 11 2007, 12:07
Bài viết: 287
Quốc gia: Vietnam (vn)
Mấy ngày nay, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về bài viết trên. Muốn trả lời bài để bộc bạch vài ý thô thiển nhưng không biết bắt đầu từ đâu!

Giờ xin bắt đầu bằng mấy chữ “Màu Cờ, Sắc Áo” vậy.
Mỗi người chúng ta ai cũng sống trong một cộng đồng nào đó, cũng có những mối quan hệ bên trong và những mối quan hệ bên ngoài.
Ta lo cho bên trong, sống cho/vì danh dự của “cái bên trong” nhưng vẫn hợp tác, giúp đỡ, đoàn kết, chan hòa với những “cái bên ngoài”.
Người ta cung cúc lo cho đội nhà để thắng đối phương là như vậy đó, là vì danh dự của đội nhà. Đó là thi đua – thi đua nhưng không ganh đua: không chơi xấu và không nói xấu đối phương, không muốn hơn đối phương bằng sự láu cá, bằng những thủ đoạn đê hèn mà bằng sự nỗ lực của chính mình.

Giải được những bài toán khó trong khi những học viên khác bó tay rồi xúc động mãnh liệt khi nhắc đến năm tiếng “Trường Trung học Tân Châu”: phải chăng “quê hương Tân Châu”, “trường Trung Học Tân Châu” là những tiếng gọi rất thiêng liêng trong lòng tác giả?
Người cha - một người Tân Châu - ngày đêm cần mẫn mày mò học hỏi để bồi dưỡng con mình mong sẽ thay đổi được thực trạng “khiêm tốn” của Tân Châu thời đó. Đó là gì nếu không phải là vì “Màu Cờ Sắc Áo” Tân Châu???

Tôi nghĩ, nếu ai cũng lo cho đội nhà và tham gia thi đấu lành mạnh để có thành tích thì những mầm mống tài năng mới được bồi dưỡng đúng mức và trên cơ sở đó mỗi ấp, mỗi xã, mỗi huyện, mỗi tỉnh, mỗi quốc gia,... mới có sự tiến bộ.

Gì gì…nữa thì hổng biết, chứ một điều chắc chắn là tác giả bài viết yêu tha thiết quê hương Tân Châu của mình: muốn Tân Châu của mình được giàu, được mạnh, được giỏi, được tiếng thơm hơn "người”; không muốn địa danh Tân Châu mình mang tiếng là dở, là tệ, là chia rẽ, là…
Tôi băn khoăn, phải chăng những hồi ức trên được viết ra trong lúc tác giả bị "sốc" nặng vì một vấn đề gì đó???


Tôi mong rằng tôi hiểu đúng ý tác giả và nếu như vậy thì tôi cũng thành thực mong rằng thiện ý của tác giả được những người Tân Châu hiểu đúng, cũng mong rằng những người ở huyện khác nếu có đọc bài trên cũng thấu hiểu nỗi niềm tác giả mà không phiền trách, bất bình.

Tôi là người dân Tân Châu, cũng sống tha hương. Dù không làm gì để đóng góp cho quê hương, nhưng mỗi lần nghe nhắc đến Tân Châu, An Giang là tôi cảm thấy tự hào và bồi hồi xúc động. Gặp ai là người gốc Tân Châu, AG tôi cũng có cảm tình đặc biệt. Mặc dù tôi không đố kỵ, chia rẽ với người huyện khác, tỉnh khác.
Tôi sẽ cố gắng, ít nhất là không để tiếng xấu cho Tân Châu, An Giang mình, cho trường mình.
Chắc ai là người Tân Châu cũng vậy thôi???

Hoài Hương – Thành Viên Ẩn Mặt


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: HAI TIẾNG "TÂN CHÂU"
Gửi bàiĐã gửi: 04 Tháng 4 2009, 08:58
Ngoại tuyến
Member V
Member V

Tuổi: 67
Sinh nhật: 00-00-1957
Ngày tham gia: 11 Tháng 12 2007, 10:25
Bài viết: 231
Quốc gia: Vietnam (vn)
Đọc bài hồi ký trên, tự nhiên tôi nhớ đến một bài của một người trên một trang web có nội dung như sau:

HAPPY BIRTHDAY TO MY LOVELY HIGHSCHOOL


Hình ảnh

TAN CHAU PUBLIC HIGH SCHOOL

ALWAYS

IN MY HEART


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» HAI TIẾNG "TÂN CHÂU" «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu