Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 26 Tháng 11 2024, 23:30
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» Tương lai của nông nghiệp thế giới «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 1 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 860 | Trả lời: 0)
Tiêu đề bài viết: Tương lai của nông nghiệp thế giới
Gửi bàiĐã gửi: 15 Tháng 9 2009, 12:59
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
Tương lai của nông nghiệp: 8 giải pháp cho một thế giới bị nạn đói đe dọa

Mối thử thách để làm sao đến năm 2050 có thể sản xuất mà nuôi sống 9 tỷ con người trên trên đất - với đất đai canh tác mỗi ngày một giảm đi - là mối quan tâm của tất cả mọi người. Thế nhưng các nhà khoa học đều ngày đêm làm việc không ngưng nghỉ để có thể tạo nên được một cuộc cách mạng xanh lần thứ hai.

Các loại hoa mầu dọc ngang trên địa cầu ngày hôm nay: Cà chua từ Mê-hi-cô đến trong bữa ăn của quý vị và bột mì của Hoa Kỳ được chuyển vận qua Phi Châu. Kết quả là mối thử thách để làm sao sản xuất gấp đôi số gạo như hiện có vào năm 2050 để có thể nuôi sống 9 tỷ người - với đất đai canh tác giảm thiểu dần - quả là mối quan tâm lớn đối với mọi người. Và như đã nêu ở trên, các nhà khoa học đang miệt mài để thực hiện một cuộc cách mạng xanh nữa. Sau đây là cách thức các vi trùng thải ra chất ni-tơ (nitrogen), các thiết bị theo dõi tín hiệu từ dưới lòng đất và các người máy có khả năng hái trái sẽ giúp cung ứng thực phẩm hàng ngày cho chúng ta.

1. Canh tác trên sa mạc

Bảy mươi phần trăm số nước ngọt trên thế giới là được sử dụng cho canh nông.

Giải pháp: Thiết lập những nhà kính gần các bờ biển để biến chế nước biển thành nước ngọt nhằm trồng trọt hoa màu mà khỏi cần đến những nhà máy tốn kém để khử muối từ trong nước mặn.

Những ai trong tương lai bước vào nghề nông sẽ có thể trồng hoa màu như “salad” và cà chua trong sa mạc.

Ba dự án thử nghiệm của ETA - hiệp hội quốc tế Electronics Technicians Association - hiện đang được xúc tiến và các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm các địa điểm để có thể thực hiện những dự án thật quy mô.

Trong những chuyến du hành thường xuyên qua xứ Maroc, nhà thiết kế về ánh sáng người Anh là Charlie Paton đã rất đỗi kinh ngạc khi thấy biển và đất cát sa mạc mênh mông. Ông nói, “Mình ở ven sa mạc đấy nhưng lại gần biển đến thế.” Sau khi đã bán công ty cung cấp ánh sáng của mình, ông Paton khởi công thiết kế một hệ thống gì đấy khả dĩ có thể đưa hai thứ gần lại với nhau: loại nhà kính sử dụng nước biển - “Seawater Greenhouse” - kèm theo phương tiện sử dụng năng lượng thấp để có thể trồng trọt nông phẩm trong các vùng sa mạc nhằm sử dụng khối lượng nước biển dồi dào ngay cạnh đấy. Ba nhà-kính trong dạng thử nghiệm ở Tenerife, vùng đá Canary Islands; ở Abu Dhabi thuộc vương quốc United Arab Emirates; và ở Oman đều sử dụng sức gió, các thiết bị cánh quạt và thiết bị làm bốc hơi đơn giản để biến nước biển thành nước ngọt, và trong quá trình đó thì cũng tạo ra một môi trường có độ ẩm để bất cứ một thứ thảo mộc nào cũng có thể sinh sôi.

Các nhà kính đó, với giá thành chỉ tốn kém 5 Mỹ Kim cho mỗi 30 xăng-ti-mét vuông, lấy nước từ biển, nhờ mức chênh cao độ giữa nước và đất hoặc nhờ một máy bơm. Nước nhỏ xuống hệ thống các ống có hình thù như tổ ong nơi lớp tường mặt trước rồi bốc hơi, làm mát cũng như gây ẩm lớp không khí ở bên trong. Không khí ấm dần lên khi di chuyển xuyên qua bên trong nhà kính - không khí nóng hơn thì có thể giữ lại được nhiều hơi ẩm hơn - trước khi di chuyển qua một hệ thống bốc hơi khác khiến không khí đó được bão hòa ở cao độ. Từ đấy, không khí di chuyển qua một hệ thống nén, hút ra nước ngọt và chuyển nó xuống một bồn chứa dưới lòng đất để được dùng tưới hoa màu.

Ông Paton hiện đang đi thám sát để tìm các địa điểm cho dự án Sahara Forest Project. Dự án này sẽ có thêm một nhà máy sử dụng năng lượng tập trung từ ánh sáng mặt trời để kết hợp với phương án nhà kính. Chừng đó thì khối lượng nước ngọt có thêm sẽ có thể được sử dụng để cho vận hành hệ thống nhà máy (nắng làm nóng lượng nước trong các ống dẫn để tạo nên hơi nước nóng tạo nguồn lực cho các máy phát điện) và làm sạch toàn bộ hệ thống kính phản chiếu tiếp thu ánh sáng mặt trời.

Hình ảnh


2. Trồng trọt theo các chuẩn mực chính xác

Từ 300 đến 500 pounds: Ðấy là con số phân bón mà nông dân Hoa Kỳ sử dụng cho mỗi mẫu Anh, theo cái giá từ 40 đến 80 cents một pound.

Giải pháp: Một hệ thống các thiết bị sensors dưới mặt đất sẽ báo cho biết bao nhiêu phân bón và bao nhiêu nước sẽ phải cần đến, và chừng nào thì cần. Và như vậy sẽ có khả năng tiết giảm khối lượng tài nguyên cần thiết cho canh tác. Hệ thống ETA cần năm năm để đem áp dụng một cách quy mô về mặt thương mại những mặt vừa nêu.

Với khả năng “canh tác chính xác trong nông nghiệp” thì các tổ hợp di động được GPS điều hướng có thể bỏ phân và tưới nước cho hạt giống với mức độ chính xác dưới 1 “inch”. Nay thì nông dân cũng đã có khả năng làm ăn chính xác kiểu như thế về mặt khối lượng cũng như về mặt tính toàn thời điểm để áp dụng các khâu bón phân và tưới nước. Ông Stuart Birrell, một phụ tá giáo sư về canh nông và các hệ thống kỹ thuật sinh thái tại đại học Iowa State University, đã kết hợp với đồng nghiệp của ông là Ratnesh Kumar, một giáo sư về điện và kỹ thuật vi tính, để thiết kế một hệ thống các “sensors” nằm cố định dưới mặt đất suốt cả năm.

Các sensors đó tiếp tục đo độ ẩm, nhiệt độ và chất liệu nuôi dưỡng hoa màu để truyền tín hiệu theo tín hiệu không giây ố wireless - về một hệ thống máy computers ở trung tâm. Ông Birrell nói, “Hiện cũng có một số hệ thống không cần đến dây nhợ gì hết ngoài thị trường, thế nhưng hầu hết đều cần đến ‘ăng-ten’ vì thế mà dễ bị máy móc thiết bị canh tác làm hư hại.” Các sensors của hai ông Birrell thì đều được đặt dưới mặt đất, sâu 1 foot, theo mạng lưới cách quãng từ 80 đến 160 feet. Chúng truyền tín hiệu xuyên qua lớp đất bên trên bằng cách sử dụng tín hiệu vô tuyến theo tần số thấp. Các sensors có kích tấc bằng những cái “I pods” đó sẽ giúp nông dân tiết giảm mức phân bón sử dụng vì nước và nhiệt độ sẽ cho biết là chất ni-tơ và carbon được chuyển hóa ra sao qua lớp đất. Ðặt từ bốn đến sáu cái sensors cho mỗi mẫu Anh sẽ tốn từ 20 đến 30 Mỹ kim cho mỗi nông dân, theo lời ông Kumar, thế nhưng mức tiết kiệm được về mặt phân bón, nước và các tài nguyên khác sẽ có thể lên đến 150 Mỹ kim.

Hình ảnh


3. Gây dựng lại giống gạo

50 %: Ðấy là tỷ lệ dân số thế giới ăn cơm hoặc dùng thực phẩm lấy gạo làm gốc.

Giải pháp: Tạo ra giống gạo mới qua quá trình gây giống để thay đổi quá trình tiếp quang của cây lúa và hạt lúa để từ đó có thể trồng lúa nhiều hơn trong bất cứ điều kiện phong thổ nào.

Người ta ước tính là làm cách đó thì có khả năng tăng mức trồng lúa lên 50% một năm và đồng thời cũng từ đấy học hỏi cách biến cải việc gây giống mới cho các loại hoa màu khác.

Theo ETA thì có thể thực hiện được điều đó trong vòng 10 năm tới đây.

Nếu gọi công việc mà những người như ông John Sheehy đang làm chỉ đơn giản có mỗi chuyện là biến cải lúa gạo theo cấu trúc về “gien” của chúng thì như vậy là không nói hết được tầm quan trọng của loại công việc này. Ông Sheehy, người đứng đầu phòng thử nghiệm về kỹ thuật tiếp quang ứng dụng - applied photosynthesis - thuộc viện nghiên cứu quốc tế về lúa gạo tại Manila, vốn là trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp - vô vụ lợi - của Á Châu, đang tìm cách thay đổi phẩm chất căn bản nhất của gạo! Ông ta nghiên cứu cách biến cải cách thức cây lúa sử dụng năng lượng từ ánh sáng mặt trời để làm sao cho nó tăng trưởng nhanh hơn. Làm vậy thì cũng chả khác gì cải biến hệ thống tiêu hóa của con người sao đó để người ta tiêu hóa được đồ ăn thức uống với hiệu quả gấp đôi.

Ông Sheehy và toán của ông đang tìm cách tạo ra một giống lúa gạo loại siêu đẳng bằng cách biến nó thành một loại thảo mộc gọi là C4.

Hầu hết các loại thảo mộc, kể cả cây lúa, đều kinh qua một quá trình tiếp quang (loại quá trình được giảng dạy ở trung học, nói về việc cây cỏ sử dụng ánh sáng mặt trời, nước và khí carbon dioxide để tạo nên các dạng carbohydrates chứa đầy năng lượng) gọi là C3. Thế nhưng loại thảo mộc C4, kể cả bắp và lúa miến tạo ra tế bào hữu hiệu hơn trong các vùng khí hậu ấm áp cũng như khô hơn bằng cách sử dụng một quá trình khác trong việc tạo nên những carbohydrtates như vừa nêu, và nhóm carbohydrates này cần ít CO2 (carbon dioxide) hơn. Làm như vậy tức là giảm bớt khoảng thời gian mà các thảo mộc đó cần để cho những lỗ hở nơi lá mở ra để hút thán khí CO2, và như vậy thì tức là nước trong lá đỡ bị bốc hơi hơn.

Còn làm thế nào để thực hiện một sự cải biến như vậy thì các nhà khoa học biết rằng khả năng của C 4 đã tiến hóa nhiều phen trong quá khứ, do đó mà kế hoạch của người ta là chỉ việc nhại thiên nhiên. Ðể làm việc đó thì ông Sheehy và toán của ông phải xác định xem loại “gien” nào điều phối cấu trúc lá của loại C4 và cơ bản là tiến hóa để trở nên một loại lúa gạo có năng suất cao hơn. Một khi mà họ giải mã được quá trình đó thì những kỹ thuật tương tự cũng sẽ được áp dụng trong việc biến cải các loại hoa màu khác thành loại thảo mộc C4, chẳng hạn như rồi ra để có thể trồng lúa mì trong vùng sa mạc phía Nam sa mạc Sahara ở Phi Châu.

4. Thay phân bón

1.2 %: Ðấy là mức các loại khí thoát ra từ các nhà máy sản xuất phân bón trên toàn cầu, tác động vào vòm nhà kính của khí quyển bao che quả đất.

Làm sao giảm thiểu mức đó? Giải pháp được đưa ra: Cho thâm nhập vào đồng áng các loại vi trùng có khả năng rút khí nitrogen từ không khí.

Làm như vậy thì có triển vọng làm tăng năng suất sản lượng thu hoạch về nông phẩm mà đồng thời cũng khiến cho đất đai lành mạnh hơn trước.

Tổ chức ETA cho biết là hiện đã có sẵn - tuy ít - những loại vi trùng như thế.

Các loại phân bón đã giúp nâng các mức thu hoạch về hoa màu trong 30 năm vừa qua. Phân bón bấy nay cung ứng các mức bổ sung về nitrogen, phosphrus và potassium, là những chất tối cần thiết cho thảo mộc tạo nên các amino acids và các màng tế bào. Rồi đây nông dân sẽ có thể gặt hái được những mối lợi từ việc sử dụng các loại vi trùng có tác dụng như nêu ở trên thay vì sử dụng phân bón do người làm ra, và chừng đó thì có thể hạ giá thành xuống hàng trăm đô-la. Ông C.A. Reddy, một giáo sư về vi trùng học và khoa học về “gien” ở dạng phân tử tại đại học Michigan State University đã nghiên cứu 300 loại vi trùng sinh sôi tự nhiên trong đất và kết hợp một số chủng loại trong bọn chúng để có thể vừa làm giảm nhu cầu sử dụng các loại phân bón có chất phốt-pho (phosphorus) và nitrogen, mà cũng vừa có thể bảo vệ cây cỏ chống các loại vi trùng hay vi khuẩn gây bệnh cho cây lá, cũng như cùng lúc đẩy mạnh sản lượng thu hoạch đối với hầu như là mọi hoa màu.

Trong các đợt thử nghiệm của ông Reddy, những cánh đồng trồng cà chua có vi trùng cho thâm nhập vào đất đã nâng cao sản lượng thu hoạch gần 90% và việc trồng cà chua trong các nhà kính lại thường đạt năng suất cao hơn gấp bội so với khi sử dụng phân bón theo kiểu xưa nay. Ông ta cũng đã cho áp dụng thử phương thức đó đối với các thảo mộc từ cà dài/ tím cho đến Switchgrass. Ðược bán ra ở thể lỏng với cái tên “Bio-Soil Enhancers”, các nhóm vi trùng của ông Reddy đều có khả năng tự bảo tồn, tức là khác với loại phân bón phổ thông mà mỗi năm người ta phải rắc lại. Hiện hàng năm ông Reddy đều thực hiện những cuộc thử nghiệm quy mô trên các đồng đất canh tác.

5. Lập lại bản đồ cho một lục địa

0 (số không): Ðấy là mức gia tăng về nông lương thực thu hoạch tính theo đầu người trong vùng phía Nam sa mạc Sahara trong 40 năm qua.

Làm sao tăng? Giải pháp được đưa ra: Thu thập cứ liệu một cách triệt để về đất đai được sử dụng để du nhập những kỹ thuật về canh tác nông nghiệp mới mẻ.

Người ta ước tính là nông dân Phi Châu sẽ gia tăng mức thu hoạch nông phẩm đủ để nuôi dân cư địa phương được dự trù sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2050.

Tổ chức ETA ước tính là qua năm 2010 thì có thể thu thập được các cứ liệu nói trên.

Giả sử như ta làm việc cho một tổ chức lớn nào đấy đang tìm cách làm giảm tình trạng suy dinh dưỡng trong vùng phía Nam sa mạc Sahara. Ta muốn cho dự án của mình đạt được hiệu năng tối đa. Như vậy thì trong 3 giải pháp: Tài trợ cho các dự án thủy lợi, đưa ra các loại giống mới hoặc đưa ra các loại hoa màu có khả năng chống sâu bọ hữu hiệu hơn, thì cái nào có khả năng dẫn đến kết quả tốt nhất?

Cũng vì để giải đáp câu hỏi đó mà tổ chức Bill và Melinda Gates Foundation đã trao tặng 4.7 triệu đô-la cho tổ chức Harvest Choice, một tổ chức hoạt động với chương trình thu thập và tập hợp thêm nhiều dữ liệu hơn bao giờ hết các công trình điều nghiên của chính phủ về thành phần trong từng gia đình, thông tin về khí hậu thời tiết để giúp vào việc thiết lập bản đồ cho thấy khả năng trồng hoa màu, lập nên các mô hình lý thuyết về các dạng phát triển. Mục đích là tạo dựng được hầu như một thư viện về các hệ thống nông nghiệp tại Phi Châu. Với các dữ liệu theo nhau đổ dồn về thì tổ chức Harvest Choice dựng nên các đồ bản với đầy đủ thông tin cần thiết để rồi từ đó lập nên những sơ đồ giả định là đối với từng giải pháp thì kết quả sẽ ra sao. Ông Stan Wood, người cùng nắm chức vụ cầm đầu tổ chức Harvest Choice cho viện nghiên cứu quốc tế vô vụ lợi về nghiên cứu chính sách lương nông quốc tế - International Food Policy Research Institute - phát biểu, “Bạn chả đời nào lại đi đầu tư vào một nông trại cung cấp sữa nếu như từ đó ra đến chợ lại phải bỏ ra sáu tiếng đồng hồ trên những con đường gập ghềnh.”

Trong khi đó thì cơ quan NASA kết hợp với Bộ Canh Nông Hoa Kỳ để sử dụng vệ tinh Aqua nhằm theo dõi độ ẩm của đất quanh thế giới. Mức thu hoạch hoa màu được xác định bởi một phần do nơi mực nước được giữ lại trong đất. Vệ tinh đó thu thập cứ liệu về mức phóng xạ theo sóng cực ngắn do đất phát ra, mà từ đó các nhà khoa học kết hợp với thông tin về diện tích đất đai có cây cỏ bao phủ cũng như nhiệt độ của đất để ước lượng xem có bao nhiêu lượng phản xạ phát xuất từ nước tích tụ trong đất. Sở canh nông ngoại vụ của Bộ Canh Nông Hoa Kỳ hiện đang sử dụng các dữ liệu nói trên để giúp vào việc dự báo thu hoạch về hoa màu sao cho chính xác hơn cả cho Hoa Kỳ lẫn các nước đang phát triển, nơi mà cứ liệu về đất đai chẳng có được bao nhiêu. Năm 2013 thì dự án này sẽ được thêm sự tăng viện của vệ tinh “Soil Moisture Active and Passive” có chức năng cung cấp thông tin theo mức độ chi tiết hơn là vệ tinh Aqua.

Hình ảnh


6. Sử dụng sức lao động của người máy nông nghiệp

55 tỉ Mỹ kim: Ðấy là trị giá kỹ nghệ hoa trái thuộc diện đặc sản - táo, nho, lê cũng như các loại trái khác cần được gặt hái cẩn thận - cần đến số nhân lực để gặt hái nhưng số người lao động về mặt đó lại cứ giảm dần.

Giải pháp: sử dụng người máy nông nghiệp để theo dõi kiểm tra, tỉa cây cành, và ngay cả đảm trách việc gặt hái.

Và như vậy thì nơi đâu cũng tự mình trồng lấy những loại hoa trái và rau cỏ với giá rẻ để ai nấy đều có thể tiêu thụ.

Tổ chức ETA ước tính là chỉ trong vòng hai năm là có thể tiến đến việc thực hiện chuyện đó.

Trong khi ngành ngân hàng và kỹ nghệ sản xuất xe bị điêu đứng từ bên trong thì giới trồng rau cỏ và trái cây cũng có mối lo trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chánh của phía họ. Luật lệ di trú cứng rắn, bên cạnh những nhân tố khác, đã làm sụt giảm lực lượng lao động chuyên hái trái cây cần được hái bằng tay, và trong một số trường hợp đã khiến cho hoa trái trị giá đến hàng triệu đô-la không ai gặt hái. Vừa mới đây Bộ Canh Nông HK đã làm một việc coi như cứu vớt không chính thức bằng cách trao tặng 28 triệu đô-la cho ông Sanjiv Singh thuộc viện đại học Carnegie Mellon University và một số các nhà nghiên cứu khác trên toàn quốc để coi đấy như một phần cho các vị đó nghiên cứu thiết lập các hệ thống nông nghiệp cơ giới hóa nhằm cải thiện phẩm chất các loại trái cây, một phần để điền khuyết việc thiếu hụt nguồn lao động và cũng một phần, người ta hy vọng như thế, giúp giới trồng trái cây không đi đến chỗ phá sản.

Ông Singh và toán nghiên cứu của ông hiện đang tiến hành thử nghiệm dã ngoại các người máy nông nghiệp tương lai trên vùng đất ngay ngoài thành phố Pittsburgh. Những chiếc xe bốn bánh chạy rì rầm giữa những vườn trái cây, sử dụng các máy sensors để phát hiện những thứ như nấm và mức tăng trưởng của cây trái. Một lô các thiết bị sensors khác được cài dưới mặt đất thì theo dõi độ ẩm của đất và các mức độ ánh sáng. Ông Singh phát biểu, “Những ai có hàng nghìn mẫu đất thì đơn giản là không cách chi theo dõi tất cả số lượng hoa màu do mình trồng.” Trong tương lai, các nông dân sẽ có thể quản lý ở mức chi ly đối với từng loại cây từ một trạm trung ương, và phái người máy đi đối phó với những đọt xâm lăng của sâu bọ côn trùng hoặc khi có sự bất quân bình nào đó trong đất trước khi bất kỳ một trái cây nào sắp sửa bị hư.

Thế nhưng liệu các người máy có thể gọi là “xăn tay áo lên” mà hái trái hay không? Hãng Vision Robotics, một công ty tại San Diego cho là chuyện đó có thể làm được. Hãng đang thiết kế các người máy đi thám sát được trang bị bằng máy hình loại stereo để định vị cùng xác định kích tấc của trái trên cây. Các người máy này truyền những tín hiệu đó cho một đám người máy khác chuyên hái trái với ngoại hình trông giống những con bạch tuộc chạy trên bánh xích với những cánh tay dài vươn ra để nhẹ nhàng hái quả trên cành. Nhưng hiện giờ thì tốc độ cũng như mức chuẩn xác của các loại máy này vẫn kém xa người thật, và sử dụng chúng thì vẫn còn tốn kém hơn nhiều. Ðối với ông Singh, thì đấy là điểm then chốt để người ta tính toán cân nhắc, “Giới nông dân sẽ chờ mình giải thích xong đâu đấy rồi 15 phút sau họ mới bắt đầu hỏi, ‘Giá cả một người máy đó là bao nhiêu?’ Nếu phải tốn cho một người máy gấp 10 lần so với một nhân công thì coi như cái vụ người máy là không xong!”

Ông ta lập luận rằng trong đoản kỳ thì câu trả lời mang tính thực tiễn là những máy móc nào giúp cho đỡ tốn người hơn để làm được nhiều việc hơn thì bấy giờ may ra mới ăn.

7. Làm cho đất hồi sinh

25 %: Ðấy là số đất đai trên toàn cầu đã bị các hoạt động của con người làm cho xuống cấp.

Giải pháp cứu chữa: Cho thêm vào đấy chất “biochar”, một hình thức than đá cung cấp cho thảo mộc các chất dinh dưỡng tối cần thiết nhưng đồng thời cũng giam hãm chất carbon nơi các thảo mộc đó.

Người ta ước lượng là những vùng đất mênh mông bấy nay không canh tác được thì mai kia sẽ có thể canh tác được, mà đồng thời cũng cô lập hóa được hàng tấn khí carbon.

Tổ chức ETA ước lượng là chuyện đó giờ này đã có thể làm được.

Các bộ lạc ở vùng sông Amazon bên Nam Mỹ trước thời “Kha Luân Bố” (Colombus) đã thường phát hoang rồi đốt cháy từng khu rừng thật lớn để trộn tro than hòa với đất, tạo nên một lớp đất màu đen, phì nhiêu gọi là “terra preta”. Ngày nay người ta làm chất than đó dưới dạng “biochar” (làm từ rác chứ không do đốt rừng). Chất đó cùng lúc vừa có thể khiến việc canh tác có được đất đai phì nhiêu lâu dài hơn và biến các đồng ruộng thành những kho chứa carbon. Chất “biochar” thu hút các vi sinh vật giúp cho thảo mộc hút được chất dinh dưỡng từ dưới mặt đất và giúp đất đai lưu trữ được nước nhiều hơn. Hay hơn nữa là chất “biochar” đó chốt chất carbon lại trong khối vi sinh vật thay vì để nó thoát lên không khí. Các phương thức mới để làm ra chất “biochar” khởi đầu bằng việc để cho thảo mộc mục rữa bằng cách làm nóng chúng lên ở những nhiệt độ thật cao với mức oxy thấp.

Thử thách đối với các nhà khoa học về đất đai là làm thế nào xác định các nguyên vật liệu nào tốt nhất cũng như quy trình nào tốt nhất để làm ra chất “biochar”. Mỗi quy trình như thế cho ra một loại than với những hợp chất dinh dưỡng khác nhau cho thảo mộc. Một vài phương pháp cũng tạo nên chấu dầu “bio-oil” và khí “syngas” khả dĩ có thể đem bán để bù đắp cho các phí tổn làm ra chất “biochar”.

Một nhóm công ty tiên phong hiện đang gây dựng máy móc thiết bị để làm “biochar” ở chừng mực phù hợp với từng làng mạc cho đến các nông trại kỹ nghệ quy mô. Một trong những công ty đầu tiên để tung ra thị trường chất “biochar” là công ty “Biochar Engineering” tại Colorado. Các máy móc của nó, cỡ các kiện hàng chở trên tàu biển đều có thể di chuyển được tương đối dễ dàng cho nên giới nông dân có thể sản xuất ra “biochar” tại chỗ, loại trừ việc chuyển vận chất “biomass” - nguyên liệu làm “biochar” - đến một trạm trung tâm. Các loại “ga” có chứa khinh khí, nitrogen và thán khí đều được hoàn toàn đốt cháy trong một quá trình biệt lập, tạo nên hơi nóng để vận hành toàn bộ quy trình đó.

Rồi ra, các tổ hợp được bổ sung vào có thể sản xuất ra chất đốt ở thể lỏng như methanol, ngoài số lượng than được sản xuất ra.

Hình ảnh


8. Sản xuất các hoa màu loại thượng đẳng

1/3: Ðấy là tỷ lệ dân suy dinh dưỡng tại Phi Châu

Giải pháp: Làm thế nào biến cải giống sắn/khoai mì thành một hoa màu loại thượng đẳng?

Làm được như vậy ngay tại Phi Châu cũng sẽ có khả năng sản xuất ra gấp 10 lần các chất dinh dưỡng từ giống khoai mì hiện có.

Tổ chức ETA ước tính là đến năm 2015 thì có khả năng làm được chuyện đó.

Giá loại rễ - củ khoai mì thì rẻ và nó mọc được trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt. Chính vì thế mà 250 triệu con người lấy đó làm món ăn chính. Bởi thế mà các nhà khoa học đang tìm cách biến cải nó thành một loại thực phẩm siêu dinh dưỡng trong các loại rau cỏ: tức là ai nấy cũng chỉ cần gậm một miếng là vừa no và vừa đủ bổ! Việc đó không phải chuyện dễ. Giống khoai mì thiếu chất sắt, chất “zinc”, sinh tố A và sinh tố E. Và nó bị hư thối sau hai ngày, do đó mà nông dân người ta không thể trồng thêm để bán.

Nông phẩm “BioCassava Plus” là một nỗ lực với kinh phí 12 triệu Dollars do trung tâm “Donald Danforth Plant Science Center” tại St Louis để nơi đây phát triển một giống khoai mì với nhiều chất dinh dưỡng hơn, có thể trữ được lâu hơn, có khả năng chống vi khuẩn mạnh hơn, và không có các chất độc loại cyanide trong rễ.

Cho đến giờ này thì các nhà khoa học đã tạo ra được các giống riêng rẽ với gấp bốn lần lượng chất đạm, gấp 10 lần sinh tố E hoặc gấp tám lần chất kẽm. Bước kế tiếp là kết hợp các “gien” lại với nhau trong một loại sắn duy nhất, bằng cách sử dụng các loại giống mà nông dân xứ Kenya và Nigeria ưa chuộng. Chương trình đó vừa mới đây đã được sự chấp thuận để thử nghiệm dã ngoại lần đầu tiên cho một loại hoa màu được hoán chuyển “gien”.

Trang Nguyễn (Theo “Popular Science Magazine”)

Sưu tầm


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 1 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» Tương lai của nông nghiệp thế giới «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 3 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 3 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 3 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 3 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu