|
Founder |
|
Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30 Bài viết: 2448
|
Cụ bà 80 đi học điện toán: Ðã có thể 'gởi email, có dấu tiếng Việt'
Cụ Trịnh Thị Trang, học viên gần 80 tuổi
WESTMINSTER - Không biết có phải vì chiếc áo màu nâu đơn giản, nụ cười chất phác, hay nét mặt hiền dịu của cụ Trang, mà mỗi khi gặp cụ, tôi lại nghĩ đến chữ “ngoại” thật thân yêu, cùng hai câu ca dao về “Mẹ:” “Mẹ già như chuối ba hương/Như xôi nếp mật như đường mía lau...”
“Ngoại” Trang của tôi, nay đã gần 80, vẫn còn cắp sách đến trường!
Tóc búi gọn ra phía sau, để lộ khuôn mặt thon thon cân đối, trán cao, miệng “móm xều,” da nhăn đồi mồi, ánh mắt vẫn còn tinh anh, cụ Trang là “học viên” nổi bật nhất trong số mười lăm người học cùng lớp.
Ðó là lớp “máy tính căn bản,” kéo dài năm tuần, được Cộng Ðồng Việt Nam, Nam California mở vào mỗi Chủ Nhật, từ 9:30 đến 11:30 sáng, tại trụ sở của cộng đồng, 9191 Bolsa Avenue, #229, Westminster.
Tuy đã gần tám mươi, cụ Trang vẫn rất hiếu học, và chuyên cần không ai bì. Tuần nào cụ cũng có mặt sớm hay đúng giờ, và thường là người cuối cùng ra khỏi lớp.
Trong giờ học, cụ cắm cúi ghi ghi chép chép, hàng chữ đều, nắn nót. Mắt cụ hoặc đăm đăm nhìn lên bảng, hoặc chăm chú nhìn vào màn hình (monitor), như muốn thấu hiểu và thu tóm hết mọi sự kỳ diệu của bộ óc đàng sau cái “monitor” bí mật kia vào “bộ nhớ” của cụ.
Có lần, tôi bất chợt thấy cụ cắn môi cương quyết, chinh phục cho bằng được “con chuột” mà bàn tay cụ còn vụng về sử dụng chưa quen.
Cụ bảo, “tôi nhất định học cho được máy tính,” vì “đã muốn học lâu lắm rồi nhưng bây giờ mới tìm được một lớp học mở vào cuối tuần.”
“Hôm đó nghe chương trình phát thanh thông báo có lớp học căn bản miễn phí, tôi mừng quá, ghi danh liền.”
“Nhưng cộng đồng bảo hết chỗ phải chờ khóa mới. Phải chờ hơn một tháng mới được đi học đó.”
“Cụ cao tuổi quá rồi, học máy tính để làm gì?” Tôi hỏi.
“Ðể vận dụng trí óc, để gặp người này, người kia, và để học được tiếng Anh 'online.'” Cụ trả lời.
Bà cụ Trang cho biết hiện đang theo học khóa ESL hai tối mỗi tuần, và cô giáo ESL cho bài tập phải làm 'online,' mà vì không biết sử dụng computer nên về nhà cụ không học thêm hay làm bài được.
“Vả lại”, cụ tiếp, “biết thêm điều gì cũng vui hết!”
Nhà ở xa, khi con không thể đưa đón, thì cụ phải đón hai chuyến xe bus mới đến được lớp học. Thế mà cụ chưa vắng mặt buổi nào. Tan học, cụ lại đi bộ ra đường, đón hai chuyến xe bus về nhà.
Lần đó, khi khám phá ra cụ phải ra đón xe bus, tôi ngỏ ý đưa cụ về, cụ khước từ, bảo: “Ði bộ cho khỏe!”
Mà có khi cụ không về nhà bằng hai chuyến xe bus, cụ đi... chùa: “Hai chuyến đâu có sao. Khi nào ghé chùa trước khi về nhà thì phải ba chuyến lận!”
Khi còn ở Việt Nam, cụ Trang làm nghề hộ sinh. Qua Mỹ đã 19 năm, và lúc nào cũng mơ được đi học thêm để mở mang kiến thức, cụ nói: học lái xe, học tiếng Anh, học điện toán “để theo kịp người ta.”
Ban ngày cụ Trang có một công việc khác. Cụ cho biết, “ở nhà nuôi cháu ngoại cho 'tụi nó' đi làm,” tối đến, hay cuối tuần, cụ đi học computer.
“Tôi thèm học máy tính lắm.” Ngồi nhìn mấy đứa cháu ngoại ôm máy, “tôi hổng hiểu gì hết” thấy mình “đứng ngoài thế giới” tụi nó. Mấy người bạn học ESL họ nhờ con bật máy cho làm bài tập online nên giỏi hơn tôi.
“Thế cụ đi học về, ở nhà có máy computer để thực hành không?” Tôi hỏi.
Cụ tần ngần rồi lắc đầu, “Mấy đứa cháu ngoại nó dành máy hết, nó không cho, nói đụng vô hư máy.”
Tôi ngạc nhiên, “Không có máy ở nhà, sao cụ học giỏi vậy? Lúc nào ôn bài cũng thấy đưa tay trả lời đúng phóc.”
“Tại tôi nán ngồi lại lớp ôn bài kỹ một chút.”
Nhìn cụ, tôi lại nghĩ đến lớp học “đông học viên nhưng vắng máy,” đến tội nghiệp!
Học viên thì lúc nào cũng khoảng mười mấy người, mà lớp chỉ có sáu cái computers cũ “râu ông nọ cắm cầm bà kia.” Mấy học viên phải xúm lại, dùng chung một máy.
Ðã thế, lâu lâu lại có cái máy “mệt quá,” ì ra không chịu chạy nữa. Giảng viên và thiện nguyện viên phải vừa giảng bài vừa sửa máy, toát mồ hôi.
Tôi hỏi Bác Sĩ Nguyễn Xuân Vinh, chủ tịch cộng đồng, sao không tìm cách quyên tiền mua một loạt máy, rồi “set up” giống nhau để việc giảng dạy được dễ dàng hơn. Ông trả lời, “Cũng có nhiều học viên đề nghị đóng tiền học, nhưng cộng đồng chỉ muốn giúp đồng bào miễn phí.”
“Chúng tôi cũng hy vọng sẽ xin được một số máy cũ của các cơ sở thương mại thải ra.”
Bác Sĩ Vinh cho biết, ngoài máy móc, cộng đồng cũng cần rất nhiều thiện nguyện viên để đứng lớp hay phụ lớp.
Nhưng đã mấy tháng rồi, giảng viên đa số vẫn là ban đại diện cộng đồng, và tôi vẫn cứ thấy chỉ có mấy cái máy cọc cạch đó.
Tuy sinh hoạt trong điều kiện khó khăn như thế, cả học viên, lẫn giảng viên, và các thiện nguyện viên đến phụ, ai nấy đều vui.
Một em thiện nguyện, cũng là hướng dẫn viên trẻ tuổi nhất, tả cảnh hai cụ ông ngồi chung máy, cùng tìm cách điều khiển một con chuột. “Ai cũng lăn ra cười!”
“Một bác cầm con chuột, còn bác kia thì chỉ huy. Tay bác bị run, con chuột chạy lung tung. Bác chỉ huy nói “từ từ, tiến lên, nhắm, rồi, chuẩn bị bấm! Ô, hụt rồi, thôi kéo xuống về phía trái, chuẩn bị bấm nữa! Ủa, sao vẫn không trúng?”
Ðiều không ngờ là, sử dụng con chuột lại là điều khó nhất đối với các cụ.
Một hướng dẫn viên trung niên, mà mọi học viên gọi là “Thầy Lựu,” tâm sự: “Chật vật lắm, nhưng chúng tôi cũng đã dạy được bốn khóa rồi.”
“Ðôi khi mệt mỏi tôi cũng muốn bỏ cuộc.”
“Nhưng khi nghĩ đến niềm vui của những cụ ông cụ bà, từ không biết gì về computer, mà sau một khóa học đã biết sử dụng Internet, đánh máy tiếng Việt, gửi email cho nhau, tôi lại không bỏ được.”
Sau buổi học thứ tư, mọi học viên có vẻ bớt căng thẳng trong việc sử dụng máy. Họ đã tạo xong được một “email account” cho riêng mình.
Cụ Trang khoe là đã biết cách mở và tắt máy, vào Internet để tìm tài liệu như “cách nấu bánh đúc,” và đã gửi được một email cho con, “đánh dấu tiếng Việt đàng hoàng.”
Ước mơ của cụ học viên 80 tuổi là lớp học máy tính này sẽ được duy trì, sẽ có thêm máy móc, thêm thầy cô để cộng đồng có thể mở thêm nhiều lớp học cho nhiều người khác đến học. “Hiện giờ, ghi danh phải chờ lâu lắm.” Cụ nói.
Tôi nói có lẽ phải cố gắng xoay xở tìm cho cụ một máy tính.
Nhưng cụ bảo nếu có được thêm máy thì nên để dành cho lớp học trước. Vì nhiều người cần, mà “đưa máy cho tôi thì chỉ mình tôi dùng được thôi.”
Sưu tầm.
|
|