Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu (đèn Tân Châu chắc cũng vậy quá?) Hôm trước có thằng bạn thân mấy năm rồi biệt tích giang hồ, nay điện thoại lên báo sẽ lên thăm mình trong ngày mai. Nó ở Cần Đước Long An, trước khi lên nó hỏi Sài Gòn có đặc sản là món gì? Hừ hư! Từ Long An lên Sài Gòn không kẹt xe thì mất khoảng 1 H đồng hồ đi bằng xe đò Mai linh chứ xa xôi gì không biết sao còn hỏi. Nhưng ngồi nhớ lại câu hỏi của nó mới chợt ngớ ra rằng không biết đặc sản Sài Gòn là cái gì? Cho dù mình sinh đẻ và sống ở Sài Gòn mấy chục năm trời rồi, giờ nghe người hỏi đặc sản quê mình thì không biết. Theo thứ tự từ Sài Gòn đổ về miệt thứ thì Long An có rượu Gò Đen, cháo lòng Chợ Đệm. Tiền Giang có hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Nam Vang bán dài dài ở ngã ba Trung Lương. Qua sông bên kia thì vô số đặc sản làm ra từ trái dừa của tỉnh Bến Tre, có lần về đó tôi ôm về mớ chén đủa làm bằng vỏ trái dừa xài tới giờ vẫn còn. Đi ngược về Vĩnh Long, Đồng Tháp nhớ lại nem Lai vung, bánh tráng sữa bày bán lủ khủ hai bên chân cầu Mỹ Thuận. Vô mấy quán cơm miệt nầy thì cứ cá rô kho tộ kèm theo tô canh chua đầu cá lóc là ăn hoài không biết chán. Ngay thị Xã Vĩnh Long gần vòng xoay trung tâm có mấy quán nhậu chuyên về các loại nướng trui, cá lóc nướng trui, ốc bưu nhồi thịt củng nướng trui. Nướng trui đây theo cách nói của họ là nướng bằng lửa rơm và dân sành nhậu cho là nướng bằng lửa rơm là ngon nhất, không biết phải không? Vượt qua sông Hậu, đứng tựa lan can phà tha hồ hít thở làn gió mát của con sông to lớn ngắm nhìn trời nước bao la. Phà cặp bến vô tới thành phố Cần Thơ, nhớ hồi xưa hai bên đường dẫn ra khỏi bến phà có vô số xe lôi đứng mời chào khách. Có xe đạp lôi, xe Honda 67 lôi... đi thử xe đạp lôi từ Cái khế về Trà Nóc, đi rồi mới hối hận. Ngồi trong cái rờ móc nhìn người đàn ông ốm nhom mồ hôi mồ kê cong lưng đạp trên chiếc xe tả tơi thấy ái ngại quá trời, cứ tới đoạn leo dốc hay lên cầu là tui phải nhảy xuống đẩy phụ. Lần sau chuyển qua xe gắn máy lôi, có khỏe hơn nhưng ớn quá vì thắng xe không ăn, mỗi lần xuống dốc bác tài thắng thì cứ thắng xe chạy vẫn cứ chạy, có lúc bác tài phải lạng như tay lái lụa mới tránh được chướng ngại vật. Ngồi trên xe mà bụng cứ đánh lô tô, khi thấy có xe chàng ràng trước mặt, ông tài xế đạp thắng phía trước còn tui ngồi sau trân mình thắng phụ ổng rồi tính cách nhảy sao cho lẹ. Nghe nói bây giờ mấy cái vụ xe lôi nầy bị bỏ hết, không biết đội ngũ hành nghề nầy giờ chuyển qua làm gì? Tồi đã vài lần công tác ở Cần Thơ, thường đặt phòng ở nhà nghỉ Trà Nóc của điện lực Cần Thơ. Nhà nghỉ có mặt quay ra sông Hậu và nằm sát bờ sông. Buổi tối tôi thường ngồi trên băng ghế đá nhìn ra sông, mênh mông là nước. Một buổi tối ngồi chơi với anh bạn cùng làm điện lực là dân địa phương, nhìn thấy một chiếc ghe nhỏ do một người phụ nữ mặc đồ bộ chèo từ sông Trà Nóc ra sông Hậu. Trước ghe có một cây đèn dầu nhỏ leo lét ánh sáng tù mù, cùng với một cái bếp dầu đang bắt một cái nồi nhỏ. Tôi thắc mắc không hiểu chị ta bán cái gì, nhìn chiếc ghe sao thấy nhỏ xíu và lẻ loi trên mặt nước mênh mông. Anh bạn cười cười rồi bảo: - Lính thủy đánh bộ đó, giờ ông hú một tiếng là cổ vô đón ông liền. Nghe nói mà tôi không hiểu gì hết và được giải thích thêm tôi mới té ngữa ra mà hiểu, thì ra là vậy. Thôi thôi! tôi không dám theo cô ta ra giữa sông mà làm ăn gì ráo đâu, lọt xuống con sông nầy có nước đi thăm Hà Bá là cái chắc. Vài năm sau trong một lần công tác khác thì cái nhà Nghỉ nầy đã bị dẹp, tôi đành mướn phòng ngoài trung tâm thành phố và lần đó khám phá được một cảnh đẹp khó đâu mà có là chợ nổi dưới chân cầu Cái Răng. Tôi và người bạn đón xe ôm xuống đấy từ 4H sáng.Từ trên cầu nhìn xuống có vô số ghe xuồng tấp nập người mua kẻ bán. Xuồng nào bán thứ gì là treo thứ đó tòn ten trên cây sào tre trước mũi, mỗi chiếc ghe hay xuồng được thắp sáng có cái bằng đèn dầu, có cái bằng đèn măng sông, đèn pin và cả bóng đèn tròn điện 220V. Ánh sáng của các loại đèn phản chiếu lấp lánh trên mặt sông tạo nên quang cảnh ngoạn mục khó mà được nhìn thấy ở nơi khác. Tôi và người bạn lò dò xuống bến và leo lên một cái ghe lớn ăn hủ tíu, cảm giác thật là đã, ngồi cứ lắc lư con đò, thỉnh thoảng phải giữ tô hủ tíu cho chặt không thì nó rớt là khỏi ăn. Vừa ăn vừa nhìn người ta mua bán, í ới gọi nhau thật là vui, đâu đó vọng lại tiếng ai hát cải lương thật là đã. Sau nầy lên được một chức quèn thì hết được đi công tác, đôi khi nhớ lại thấy bồi hồi như người bị bệnh tương tư. Còn xứ Tân Châu vốn chỉ nghe tiếng chứ chưa thấy hình dong ra sao nhưng đã được một người bạn tặng ít sản vật là khô cá tra phồng và mắm cá lóc. Mấy món nầy là tui hảo vô cùng, hỏi bạn sao gọi là phồng thì được trả lời là chiên lên thì da miếng khô nó phồng, có lý nhỉ! Ăn rồi thì khó mà quên mùi vị, tôi tặng bớt một ít cho ông sếp củ đã nghỉ hưu, sau nầy ông điện thoại cám ơn và khen rối rít rồi bảo: - Ê! lần sau có đi đâu xuống dưới mua cho một ít nha mậy. Nghe ổng nói mà mát cả ruột. Còn nhiều nơi vùng miền Tây sông nước mà tôi đã tới, giờ khó mà nhắc hết cho được, trở lại với câu hỏi của thằng bạn đặc sản Sài Gòn là gì thì nhận ra rằng giống như hỏi đố mình vậy. Suy nghĩ không ra rồi gặp nó mới chợt nhớ mình sống ở Thủ Đức cũ, giờ dắt mầy ra đãi cho mầy tô bún nem nướng là coi như đãi đặc sản rồi. Bộ không nghe câu hỏi ngày xưa sao: - Quát i do nem? (What is your name?) - mai nem i Thủ Đức (My name is Thức Đủ).
|