Cảm thấy đỡ lạnh, Đông Mơ tốc mền, đẩy nhẹ chiếc đèn sưởi ra, và nhờ mấy người nuôi bệnh tắt giùm. Hình như cô đã ngủ được một giấc, nên cảm thấy khỏi nhiều. Những người nuôi bệnh ở bệnh viện rất có kinh nghiệm về việc bệnh nhân truyền dịch bị sốc nước, nên họ không kêu y tá, mà tự động tắt đèn dọn dẹp giùm khi Đông Mơ, đã trở lại bình thường. Hồi nãy, có người trở lại thăm, nhưng thấy, cô ngủ yên, nên cô ý tá bỏ về phòng. Bây giờ đã quá trưa, chắc là đã nghỉ việc hết rồi.
Đông Mơ chỏi tay ngồi lên, tựa đầu vào tường. Một bà già tốt bụng lật đật chạy tới: − Chết! Ngồi vững không đó, sao hổng kêu bác đỡ giùm cho? Cô bé trở nên rất hiền lành lễ phép: − Dạ, không sao ạ. Cháu khỏe rồi. − Đói bụng không? Tui cho chén cháo đường. Ông nhà tui bị tiêu chảy, bác sĩ bảo ăn cháo đường, nên tui chỉ có vậy. Đông Mơ sáng mắt: − Dạ… bà cho con xin một chén. Cô mở chiếc bị cói lấy muỗng chén đưa cho bà già nuôi bệnh. Bà cầm lấy, múc một chén cháo mới nấu xong, cho ít đường vào đưa cho Đông Mơ. Cô bé đỡ lấy… cô đói thật sự. Chưa bao giờ cô thấy bát cháo có giá trị đến vậy. Giá như cô giàu có, giờ đây nếu bà già có bảo cô đổi một chỉ vàng để lấy bát cháo này, cô cũng lột đưa cho bà. Cô đã giáp mặt với cái đói thật sự khủng khiếp.
Đêm qua lang thang ở lề đường khuya, gặm một mẩu bánh mì nguội, uống một vài ngụm nước máy, sau đó cô đau bụng quá trời quá đất. Đi tiêu chảy vài lần, cô quá sợ hãi, đã tự động vô phòng khám xin nhập viện. Chén cháo của bà cụ đến đúng lúc, trở thành một ý nghĩa lớn lao, mà cái đầu kỳ quậc của kẻ bụi đời phải viễn vông nghĩ ngợi… Cuộc sống có những việc rất tầm thường, mà ý nghĩa quá lớn. Cô cứ nhìn bà già, không biết nói thế nào để tỏ lòng biết ơn. Bà già cười hồn nhiên đưa cả hai cái lợi móm không còn một chiếc răng: − Ăn đi, sao cầm hoài vậy? Tướng tá coi đẹp quá chừng mà sao khổ vậy? Nhà cháu ở đâu? − Dạ, cháu ở khắp nơi. Chỗ nào cháu ở cũng được. Hiên lầu, công viên, hay gầm cầu… ở đâu cũng là nhà của cháu. Bà già chưng hửng: − Rồi làm gì mà ăn? Thôi, dìa xứ tui làm ruộng bắt ốc, hái rau, đi đãi tép, cũng sướng hơn ở thành phố mà hổng có việc gì làm. Đông Mơ lại cúi mặt vào chén cháo, đôi mắt chớp lia. Cô cứ lấy đũa khuấy khuấy chén cháo, vừa thổi vừa húp ngon lành. Hết chén cháo, mồ hôi rịn ra nhẹ nhõm. Để cái chén không cần rửa vào cái bị trở lại, cô lấy cái khăn tay cũ mèm lau mồ hôi, rồi hướng về người đàn ông đi chân đất nuôi bệnh ở giường phía trước, nói: − Anh cho tui xin miếng nước, anh Hai. Người đàn ông lấy cái tô mẻ miệng rót nước nóng bưng lại mà không nói một lời. Phải rồi, cái vẻ lử đừ chân chất của anh ta không nói chuyện là phải. Đông Mơ cũng không cảm ơn. Hốt vội mớ thuốc viên uống buồi chiều để trên đầu tủ nhỏ, cô ngửa cổ dốc hết vào họng, rồi ực luôn. Người đàn bà sang trọng đeo vòng vàng đầy cổ tay, nãy giờ ngồi đằng xa nhìn chừng như gớm cái vẻ dơ dáy bụi bặm của cô bé, giờ bỗng nhiên mở ví, rút tờ giấy mười ngàn đi đến, nhét vào tay Đông Mơ. − Cô cho em đó, muốn ăn gì mua ăn. Đôi mắt bà ta tỏ ra luyến tiếc cái nhan sắc bị vùi trong lớp áo bụi đời… Một sự thương hại của lòng nhân đạo. Đông Mơ cảm ơn bà ta, rồi loay hoay sửa lại giường chiếu. Chiếc chiếu rách nát dành cho bệnh nhân vô gia cư như cô trước đây, nhờ bác sĩ Thái Vinh nên được thay bằng chiếc chiếu mới tinh và mùng mền tươm tất.
Đông Mơ nhớ lại từng cử chỉ giọng nói, nét cười của ông bác sĩ tốt bụng rồi đột nhiên cô cũng cười. Cười gì? Có trời biết nhỏ bụi đời kia cười gì, chỉ biết chắc chắn là cô ta khoẻ lắm rồi. Cơn đau bụng quặn thắt không còn nữa. Ăn được chén cháo nóng đỡ lòng, cô cảm thấy khoan khoái, nhớ ơn vô kể cụ già. Chưa bao giờ cô giáp mặt với cái đói tận cùng và càm giác được cứu giúp đúng lúc. Cô thật vô cùng biết ơn cuộc sống biết ơn mọi người. Cô biết ơn cả một cái tát nảy nửa nào đó trong đời cô nữa đấy.
Lắm lúc cô cũng muốn tìm cho mình một việc làm lương thiện bỏ cuộc đời lông bông, bị xã hội khinh rẻ này đi, nhưng cô không biết làm gì. Cái gì cô cũng không quen, nhất là bị trói buộc vào một công việc cứ lặp đi lặp lại như cái đồng hồ. Bất cứ việc gì, cô cũng không thể, ngoài cái nghề tự do: tự do ăn, tự do uống, tự do ngủ bụi và tự do… đói nữa. Cái chủ nghĩa tự do của cô chỉ sợ mấy ông công an thôi. Léng phéng ở những nơi nổi tiếng như công viên, nghĩa địa, là bị hốt về đồn. Mà mấy nơi đó mới là môi trường béo bở cho cô chứ. Cô không thể nào tách khỏi môi trường của cô được… Cô nằm trở lại, gối đầu trên chiếc bị cói nhắm mắt như ngủ. Nhưng kỳ thật, cô không ngủ. Cô nằm nghe động tĩnh! Giờ này bệnh viện khá vắng vẻ. Nhưng người nuôi bệnh, hoặc kẻ trên giường với thân nhân, hoặc trải chiếu ra gốc cây nằm ngủ trưa. Trên những chiếc băng đá xa xa hoặc những chiếc băng ở đầu kia có vài cặp trai gái đang nhỏ to, hoặc cặp vợ chồng có tuổi đang nhổ tóc sâu cho nhau. Giờ thuận lợi đã đến! Cô khẽ nhổm dậy, ngó dáo dác trong phòng, rồi gói nhanh chiếc mền, mùng mới của bệnh viện đút vội vào chiếc bị cói, lẳng lặng rút nhanh ra khỏi khoa.
Cô đi như bay ra cổng. Anh bảo vệ đang ngủ gà ngủ gật chợt mở mắt nhìn cô. Anh nhìn vì ngạc nhiên về một nhan sắc, cái độc đáo nhất của cô gái bụi đời Đông Mơ là ở chỗ đó. Có lẽ nhờ sắc đẹp lạ kỳ ấy mà cô được hưởng nhiều đặn ân.
Cô đi ra khỏi cổng rồi biến nhanh ra chợ trời. Môi trường này đối với cô không lạ, song cũng còn khá nhiều bỡ ngỡ. Thấy cô xuất hiện, vài người quen hất mặt: − Có gì không? Cô ngó dáo dác chừng như tìm kiếm ai. Hồi lâu, một bà từ bên kia lộ chạy băng qua: − Mơ! − Chị Ba! Nãy giờ tôi cố ý kiếm chị nè. − Có gì không? − Có! − Đen hay trắng? − Đen trắng gì? Đông Mơ chưng hửng ngó người đàn bà cùng xóm. Chị cười nói nhỏ: − Trởi ơi! Chưa quen tiếng lóng chợ trời phải không? "Đen trắng" có nghĩa là đồ bán thuộc dạng nào, đồ nhà hay đồ chộm. Có giấy ra bán đàng hoàng được không, hai phải bán dấm bán dúi, bán sang tay cho lái đem đi nơi khác tiêu thụ. − Vậy hả? Ai biết đâu. Chị Ba moi trong bị coi ra cái mùng mới. Thấy có đóng dấu bốn chữ tắt màu đen "BVDK", chị hoảng hồn, lật đật lôi Đông Mơ và trong một cái hẻm nhỏ giữa hai căn phố lầu chọc trời. − Vô đây! Vô đây! Trời đất ơi! Làm sao vô tới bệnh viện, "chơi" ở trỏng vậy? Đông Mơ nhăn mặt: − Chị đừng có hỏi lung tung nữa. Chị mua không thì bảo? Chị Ba cười hì hì: − Tao mà chê đồ này thì như chó mà chê… à? Bao nhiêu? − Chị trả được bao nhiêu thì trả. Chị Ba nhó Mơ lom lom: − Nè! Chỗ quen biết trong xóm, chị hỏi nghe cô Mơ. Cô có thế cái gì cho bệnh viện không? − Chị hỏi chi vậy? − Vì cô biết đồ bán chợ trời giá bèo lắm. Mà cái mùng này trong bệnh viện phải thế chân năm chục ngàn đồng. Đông Mơ ngạc nhiên: − Sao chị rành quá vậy? Chị Ba cười: − Cô mới về xóm nên không biết đấy thôi. Thấy em cũng "đồng hội đồng thuyền", nhưng côi bộ mới nhập nghề nên chị thương hại. Chị còn lạ gì các khoa trong phòng đó nữa. Có một thời, chị chuyên mon "rinh" giỏ xách, dép Nhật, "xốp" quần áo của người nuôi bệnh hớ hênh, ra đây bán mà nuôi chồng con đấy. Đông Mơ không thể nào ngờ nổi là cô đã gặp "sư phụ chôm chỉa" trong cái gia đình rất đàng hoàng ấy. Chồng chạy xích lô rất hiên lành, hai đứa con lễ phép, đến trường lớp hẳn hoi. Lòng cô gái bụi đời chợt thấy bất nhẫn. Chị Ba ghé sát tai Đông Mơ nói nhỏ: − Cô em làm sao vậy? Ngạc nhiên quá phải không? Nè! Kín miệng nghe. Tui làm mấy việc đó, "thằng chả" và mấy đứa con tui không biết đâu đó. Bây giờ tụi nó lớn rồi, tui không dám làm việc ấy nữa. Lỡ có gì nhục nhã con tôi lắm. Còn cô… chắc cô cũng phải nuôi bà già? Tội nghiệp! Cô nói thiệt đi cô, thế cái mùng này bao nhiêu? Và cái mền nữa chứ? Để chị biết mà mua cho cô đỡ lỗ vốn. Chị bán không lời cũng được, cùng khổ giống nhau thôi mà. Đông mơ vẫn như mộng du. Cô lắc đầu: − Không, em không thế đồng nào cả. − Vậy thì cô phải thế CMND? − Cũng không luôn. − Làm sao cô mượn được? − Nhờ ông bác sĩ bảo lãnh. − Trời ơi! Bác sĩ nào mà tốt dữ vậy? Ở không đâu mà đi quan tâm tới một kẻ nghèo rớt mồng tơi vậy. − Em cũng không biết nữa. Chợt chị Ba băn khoăn: − Người ta tốt vậy mà cô lại chôm đem ra đây bán. Hoá ra lất ơn trả oán sao? − Còn chị? Trước kia chị rinh giỏ, chộm quần áo của thiên hạ, những người đó có ân oán gì với chị đâu? Người ta cũng đau khổ khi bị mất đồ dùng của mình vậy. − Ừ hén! - Chị Ba không biết nói gì ngoài cái gật đầu xác nhận giản đơn. Hai mắt Đông Mơ như chìm trong khoảng trời cao bị giới hạn bởi hai bức tường phố chọc trời. Nó còn có một chút xíu để tâm hồn Đông Mơ thoát xác và miệng cô buông ra một câu mà chị Ba tưởng đâu là cô bé bị thần thánh hay quỷ ma gì nhập: − Rốt cuộc thì đạo đức vẫn bị mắc cạn giữa bản năng sinh tồn. Chị cười ngất: − Cô này ngộ ghê! Trong xóm, ai cũng nói cô kỳ dị. Có lúc giống hệt chúng tôi - những người khốn khổ đủ thành phần. Có lúc như không phải. Thôi, dứt giá đi. Bao nhiêu hai thứ này? − Đã nói rồi, chị đưa bao nhiêu thì đưa mà. Chị Ba nhét vào tay Đông Mơ ba chục ngàn, rồi tuôn nhanh hàng vào chiếc giỏ to tướng của chị. Hai người ra khỏi hẻm, chị Ba chạy nhanh qua hàng cây bên kia lộ, có bóng nhiều người đàn bà ngồi, đứng dưới những tàn bông giấy um tùm.
Có tiền trong tay, Đông Mơ lại thèm ăn, lại thấy đói. Cô rề xuống kế bên cô bán cháo đậu đỏ ăn với tép rang, cá lóc kho khô, dưa mắm làm một tô không chế nước dừa. Thật no nê rồi, cô mới tính đường trở về cái ổ chuột.
Căn nhà thuê trong cái xóm nghèo tồi tệ như một vùng ngoại ô không tên tuổi đó - như chị Ba nói - là một cái xóm xôi đậu, đủ thành phần: lương thiện, giựt dọc, móc túi, xì ke, gái điếm,… Nhưng cái "luật" ở đây giản đơn hơn luật pháp nhiều. Chỉ cần không dòm ngó, moi móc ai, thì không ai đụng đến minh. Khi yếu đuối hiền lành thì còn được bảo vệ nữa là đằng khác.
Đông Mơ gọi xích lô đi về. Xuống xe từ đằng xa, cô đã thấy một bà dáng vẻ hiền lành đang đứng ngó mông. Thấy cô, bà chạy ù tới ôm chầm lấy. − Trời! C…ô… con làm vú sợ quá… Đông Mơ nghiêm mặt: − Kìa vú! Con đã bảo không sao mà. Vú làm như con còn bé lắm. − Sao đêm qua con không về? − Con bị đau phải vào nhập viện. − Trời ơi! Sao con không cho vú hay để vú đến chăm sóc con. − Con đã nói rồi, vú cứ yên tâm ở nhà. Cuộc sống con, con đảm trách. Sức khoẻ con, con biết. Bà Già cầm bàn tay trắng xanh của cô gái: − Con bảo vú hông lo sao được. Con mà có bề gì, vú chết mất thôi. Đông Mơ khúc khích: − Người mẹ nào mà không thương con hả vú. Nhưng con đủ sức đương đầu với cuộc đời, vú lo gì. Chỉ cần vú đúng lời, cho con được tư do, muốn làm gì thì làm là con sướng rồi. − Nhưng con cứ hay đi tới những nơi nguy hiểm, làm những việc trái đời như vậy, vú sợ lắm, con hiểu không? Đông Mơ ôm vai bà già dìu vào: − Con hiểu nỗi lo của vú, nên thay vì ở điều trị tiếp, con đã trốn viện về đây. Bà già mở lớn mắt: − Lại trốn viện? Đông Mơ thích thú cười, móc một nắm bạc trong chiếc bị coi ra đưa trước mặt bà già: − Nằm viện còn có tiền xài nữa đấy. Khỏi làm gì cho mệt. Bà già tỏ ý không hiểu. Đông Mơ nhăn mặt đùa: − Trời ơi! Có con gái "bán trời không mời Thiên Lôi" mà sao vú hiền ghê đi. Tiền này là tiền con chôm mùng mền của bệnh viện bán cho chị Ba ở cuối xóm mình đấy. Bá già tưởng chừng như phát run. Quả là "cây ngọt sinh trái đắng". Con làm yêu làm quỷ, mẹ thì như phật Quan Âm. Bà chắp tay niệm phật: − Con ơi con! Con làm việc khác được không? Bất cứ việc gì để có tiền cho mẹ con mình sống, nhưng đừng ăn cắp có được không con. Lỡ con bị bắt thì còn gì danh giá. Đông Mơ cười khúc khích: − Vú ơi! Vú nằm mơ kiếp nào mà thấy con có danh giá vậy? Vú quên con là con nhỏ bụi đời sao? Bà vú thở dài rầu rĩ, không nói thêm điều gì nữa. Dường như bà cũng hơi ngán cái ánh nhìn răn đe của cô gái kỳ khôi này. Bà dắt tay cô vào nhà. − Con mệt lắm không? Nằm nghỉ một chút đi. Vú có nấu sẵn vài món ăn con thích để trong tủ đựng đồ ăn đấy. Bây giờ để vú đi đặt nước nóng cho con tắm nghe. Đi hôm qua tới nay, chắc mình mẩy dơ dữ lắm rồi. Đúng là môt bà già yêu con gái. Trong cái tổ ấm tồi tàn này, Đông Mơ được yêu chiều đạc biệt. Bà mẹ đi ra sau bếp. Cô vào trong căn phòng vách ván cũ, nhưng rất sạch sẽ, chắc chắn, có kê chiếc bàn nhỏ bằng cây, mùng mền cẩn thận. Thì ra cô bé bụi đời này không phải là dân vô gia cư hoàn toàn. Cô là một cô gái nghèo vô danh thì đúng hơn. Lý lịch mẹ con cô, không ai hiểu rõ. Mấy tháng trước đây, mẹ con cô từ đâu tới mua căn nhà lá nhỏ, rồi sửa sang lại cho nó đỡ tang thương, làm tổ ấm cho hai mẹ con.
Không ai biết được gì về cuộc sống của họ. Chỉ biết rằng bà mẹ không khi nào rời khỏi căn nhà tối tăm ấy và rất mực yêu chiều người con gái. Bà coi cô như vàng như ngọc và cúc cung kính nể hơn một người đàn bà ít con bình thường. Ném cái bị coi và nắm bạc coi như đồ bỏ lên chiếc giường, cô đi thẳng ra sau. Bà mẹ quen với bổn phận này từ khi cô còn tấm bé, đã pha sẵn một thau nước nóng.
(Còn tiếp)
|