Trời bắt đầu lạnh làm cho người Sài Gòn sống quanh năm với nắng nóng cảm thấy thích thú trong chăn ấm, nệm êm. Nhưng với những người nghèo, vô gia cư sống ở công viên, góc phố, gầm cầu… họ phải trằn trọc hằng đêm vì sương lạnh.
Xích lô là nhà
Sài Gòn về khuya, khi trên các con đường, hè phố vắng dần xe cộ và khói bụi là lúc những “ông xích lô” tìm về nơi trú ngụ. Họ nằm vắt vẻo, trần trụi trên xích lô – công cụ kiếm cơm hằng ngày, mặc cho cái lạnh xâm lấn vào da thịt.
Tối đến, hôm nào cũng vậy hai ông xích lô (một già, một trẻ hơn) lại trở về trước cây xăng ở địa chỉ số 54 đường Nơ Trang Long để ngủ. Cái lạnh Sài Gòn mấy ngày qua khiến hai ông già này liên tục trở mình trong đêm.
Chiếc xích lô ban ngày là phương tiện kiếm sống nhưng đêm đến nó là "căn nhà" của những người nhập cư nghèo. Đã quá 12 giờ đêm, người đàn ông già hơn với miếng nhựa chừng nửa mét đắp trên người không đủ ấm vẫn cựa mình liên tục làm chiếc xích lô cũ nát của ông rung rinh liên hồi. Nước da ông đen xạm vì cái nắng thường ngày đang tái đi vì lạnh.
Tiếp chuyện, ông chỉ nói: “Ông ở Hoài Nhơn (Bình Định) vào Sài Gòn đạp xích lô từ nhiều năm nay, giờ thì ế ẩm lắm, mỗi ngày chỉ kiếm được 50–70 nghìn đồng nhưng ngày có ngày không; ông còn một đứa con học trên đường 3/2…”, rồi trầm ngâm tựa lưng vào xích lô.
Chị Thùy – bán hủ tiếu đối diện bên đường cho biết: “Ban ngày những người này đi đạp xe ở đâu không biết chỉ thấy cứ khuya khuya thì họ lại về đây ngủ. Trước đây có ba bốn người, giờ thì còn hai, cũng không nhớ những người này ở đây từ khi nào”.
Ở một cảnh ngộ khác đang co ro trong cái lạnh là vợ chồng bà Thin (Trà Vinh) cũng trải qua từng đêm bên vệ đường, vỉa hè và đêm nay là góc công viên 23 tháng 9 (đường Phạm Ngũ Lão, quận 1).
Ban ngày chồng đạp xích lô còn bà bán vé số, mỗi người một đường. Khu vực gần bến Chương Dương (quận 1), công viên 23 tháng 9 hay công viên Tao Đàn là những nơi hai vợ chồng bà thường cư ngụ hằng đêm. Mặc cho cái lạnh hay những cơn mưa, hai vợ chồng bà đã sống ở Sài Gòn gần 3 năm nay trong cảnh màn trời chiếu đất.
Một đôi vợ chồng ở góc công viên 23 tháng 9.
Mỗi năm vợ chồng bà chỉ có thể về quê được vài lần trong những dịp cúng giỗ, có năm Tết cũng không về được. “Vợ chồng tôi có sáu người con, chỉ có một thằng thứ ba là con trai duy nhất thì mắc bệnh teo cơ khi nó 9 tuổi. Cuộc sống ở vùng quê đã khó khăn, con bị bệnh nên những thứ trong nhà có được cứ lần lượt ra đi rồi nợ đến mà bệnh con vẫn cứ nặng, nó bỏ cha mẹ”.
Buồn vì con mất, phần nợ nần túng thiếu nên vợ chồng bà lên Sài Gòn kiếm sống. Bây giờ, mỗi ngày hai ông bà có thể kiếm được chừng 100 nghìn/ngày, trừ chi phí thì vẫn còn được chút ít gửi về nhà cho con trả nợ dần hằng tháng. Còn lúc ốm đau thì coi như mất trắng, có khi nhịn đói.
“Được cái chỗ ngả lưng trong đêm tối là may mắn lắm. Nắng còn dễ, mưa phải trú ở trạm xe buýt ướt cả người còn thảm. Mấy ngày nay trở lạnh nên tui mua một cái mền cũ để ông nhà đắp cho bớt lạnh”, bà Thin trần tình.
Khu vực Công viên 23 tháng 9 này hằng đêm không chỉ có mỗi vợ chồng bà ngủ vật vờ mà dọc đường Phạm Ngũ Lão (khoảng 500 mét) vẫn còn hàng chục người xích lô khác cũng qua đêm trong cảnh sương, bụi, màn trời chiếu đất vì tất cả họ đều có chung một chữ nghèo và hầu hết những người này là những người vô gia cư.
Họ co ro, trằn trọc từng đêm trong giấc ngủ với cái lạnh nhưng hình như vẫn chờ mặt trời lên để mang lại hơi ấm và bắt đầu một ngày làm việc mới.
Vựa ve chai, gầm cầu là tổ ấm Nơi để cư ngụ của những người nhặt ve chai ở Sài Gòn cũng là hè phố, lề đường, gầm cầu. Mấy ngày qua trời trở lạnh, nhiều người đã không thể thức khuya để làm việc như mọi khi.
Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của những người nhặt ve chai ban đêm. (Ảnh chụp tại ngã tư Hai Bà Trưng – Điện Biên Phủ).Rời Công viên 23 tháng 9 khoảng 1 giờ sáng, chúng tôi gặp ông Hồ Ngai (59 tuổi, quê Bình Dương) đang ngồi nghỉ ngơi trong nhà chờ xe buýt trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5), với ba cái bao to tướng đựng những thứ ông nhặt được từ xẩm tối gồm cả bao ni-lon, vỏ chai, vỏ bia lon… treo trên chiếc xe đạp cũ kĩ. Ông cho biết: “Mỗi ngày ông nhặt ve chai bán được khoảng 50 nghìn nhưng cực, buồn ngủ vì làm ban đêm, mấy ngày nay thì trời lạnh quá nên ông hay nghỉ sớm hơn”.
Ông Ngai cho rằng ông may mắn hơn nhiều người: “Lên Sài Gòn nhặt ve chai được gần ba tháng nay, nhưng sau mỗi đêm ông được chủ vựa ve chai cho ngủ nhờ ở đó để hôm sau tiếp tục công việc”. Tuy nhiên, có những đêm buồn ngủ ông lại ghé vào một góc nào đó ở vỉa hè, công viên nằm ngủ mặc cho trời lạnh, sương phủ hay xe cộ chạy.
Ngoài vỉa hè, công viên thì gầm cầu cũng là điểm lý tưởng của nhiều người vô gia cư ngụ hằng đêm. Những nơi như gầm cầu Sài Gòn, gầm cầu Thủ Thêm, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh... là những nơi thu hút ngày càng nhiều người ngụ cư.
Anh Trần Thế Giang (28 tuổi, quê Quảng Ninh) một người mới ngụ cư ở gầm cầu Sài Gòn vài ngày, cho biết: “Gia đình anh ngoài quê khó khăn, không có người thân và tiền nên mấy ngày trước anh ngủ ở cầu thang vỉa hè, còn mấy hôm nay gầm cầu Sài Gòn là tổ ấm mỗi đêm”. Dù thời tiết khá lạnh nhưng anh chỉ có vài tấm cat-ton trải xuống đất cho khỏi bẩn để ngủ.
Gầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh từ lâu là nơi trú ngụ qua đêm lý tưởng của người vô gia cư.
Bên trái, dưới gầm cầu vượt đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng là nơi định cư đã lâu ngày của hai người phụ nữ trạc tuổi ngoài 30. Hỏi họ quê ở đâu thì không ai biết, hỏi họ cũng không nói dù đã ở đây khá lâu nhưng gần như biệt lập với người ngoài.
Hai người này cũng đi cả ngày đến chiều lại về với cái xe đạp cồng kềnh những cái bao to tướng, có lúc thấy ăn vội một gói cơm rồi lại tiếp tục đi, có lúc không. Đêm thì hai người này cũng thường về đây rất muộn để ngủ rồi sáng lại đi.
Thế nhưng cứ đêm về, họ ngủ còng queo như hai khúc gỗ mặc cho muỗi đốt hay cái lạnh của thời tiết, có vẻ như nó là tổ ấm của cuộc đời…
Theo VietNamNet
Chúng ta đều may mắn hơn những người này. Có lẻ chúng ta được sống trong nệm ấm, chăn êm nên chúng ta không
cảm giác hết cái lạnh của Sài Gòn về khuya.