|
Super Member |
|
Tuổi: 66 Sinh nhật: 25-01-1958 Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06 Bài viết: 1109 Quốc gia:
|
Hễ đến gần tết là tôi lại nhớ đến tiếng kêu của loài chim tu hú. Hồi đó, trên đường đi học về, mỗi lần đi ngang những lùm cây có chim tu hú ở, nghe tiếng kêu "tu hú... tu hú..." của chúng là trong lòng nôn nao, trông cho mau tới tết để được mặc bộ đồ mới đi chơi, để được coi múa lân, để được người lớn lì xì, để đi xe phu-líc xuống Tân Châu chơi, ăn hàng vặt,... Nói thiệt, hỉnh ảnh chim én bay lượn báo hiệu mùa xuân ra làm sao, những đứa trẻ nhà quê như tôi hồi đó hổng biết và cũng hổng để ý, chứ nghe chim tu hú kêu là biết tết sắp đến rồi.
Chỉ còn hai tuần nữa là đến Tết Con Cọp rồi. Tôi vừa làm việc nhà, vừa hồi tưởng lại cái tết ở quê nhà năm xưa với những người thân yêu, với những sinh hoạt nhộn nhịp, với những cảnh vật thiên nhiên,... trong đó có tiếng kêu của con chim tu hú.
Mấy chục năm trôi qua kể từ thời "hồi đó"-thời còn vô tư ham tết. Mọi thứ đã đổi thay nhiều rồi... Ngày nay bọn con nít thế hệ 8X, 9X rồi đến 10X làm gì có tiếng chim tu hú để nghe mà nôn nao trông tết!? Tôi lại nhớ đến những câu nói, những câu thành ngữ/tục ngữ/thơ có liên quan đến chim tu hú như: - "Tu hả? Bà/ông đó mà tu gì! "Tu hú" thì có á!" - "Quạ qua nuôi tu hú.." - "Khi chim tu hú gọi bầy..."
Thế là tôi lại lên mạng tìm hiểu. Thì ra có nhiều bài viết về loài chim này! Mời bà con đọc bài viết sau của Hoàng Đức trên trang web Tiền Giang:TIẾNG CHIM TU HÚTu hú (Eudynamic-scopolacea ) trong bộ Cuculiformes - là một giống chim có bộ lông màu xám tro, trên nền bụng màu trắng chạy những sọc nâu. Mỏ dài, đuôi xòe, hình dáng trông thanh lịch. Theo căn cứ khoa học thì chim tu hú không biết làm tổ, tới mùa động dục anh chị cứ giao phối thoải mái, với "chế độ đa phu", tới mùa sinh sản thì đẻ nhờ vào tổ của các loài chim khác như sáo sậu, ác là, giẻ cùi, quạ...sau khi đã "xơi" bớt số trứng trong tổ, nhất là tổ chim sâu. Muốn đẻ trứng, chị tu hú đợi cho chị mái chủ tổ bay đi kiếm ăn, mới lén đẻ trứng mình vào đó. Xong xuôi, chị bèn ngậm một trứng của khổ chủ mà bay đi để ăn ngon lành. Thành thử, có lúc người ta thấy tu hú ngậm trứng ở mỏ. Nhưng, trứng đó bao giờ cũng thuộc về loài chim khác. Chị tu hú vừa vô trách nhiệm, vừa gian hùng. Còn về chim sâu thì không phân biệt chim con, cứ thấy chim non nở trong tổ thì "chắc cú" là con của mình. Cứ tưởng tượng hình ảnh một con chim sâu mẹ lớn hơn ngón chân cái của ta chút xíu, mà phải kiếm mồi về nuôi đứa con nuôi to gấp mấy lần mẹ nuôi thì cũng nực cười. Trong thiên nhiên, tình mẫu tử của loài chim rất cao, chúng sẵn sàng nuôi cái gã báo cô đó mà không hề tiếc công sức, mà cái gã chim tu hú con này rất khỏe, có bản năng "lưu manh" bộc lộ từ khi mới nở, khi chưa mọc đủ lông cánh, chưa mở mắt được, chỉ 12 giờ sau khi ra đời tu hú con đã có một sức mạnh đáng kể. Trong người y đã có sẵn dòng máu "bất lương", nó lấn trứng và chim non cùng tổ rơi xuống đất để giành lấy sự chăm sóc của chim bố mẹ nên lớn rất nhanh. Một con chim tước mẹ, hay con chim sâu mẹ bắt buộc phải đút mồi một "chim con" tu hú rất bự. Cái họng cậu cứ há rộng, bên trong nóc màu cam chói rực và một cái đuôi thù lù một khúc. Quý tử hỗn hào, ngự trị một mình trên cái tổ gần như bị san bằng với sức nặng ngày càng gia tăng của nó. Nó cứ ngẩng đầu, há họng ra, miệng kêu inh ỏi không ngớt đòi ăn. Như thế không giống chim con của các chị tước, chị chim sâu, chị họa mi tý nào. Thế mà, các bà mẹ nuôi bị mê hoặc một cách kỳ lạ, không thể nào chối bỏ đứa con nuôi được...tu hú lại thuộc loại "hạm con", vừa ăn nhiều lại vừa kềnh càng, không phải chỉ cha nuôi, mẹ nuôi là phải thay phiên nhau đút mồi cho gã "quý tử" này mà các loại chim lạ, khác loài đôi khi cũng như bị thôi miên bởi cái nóc họng màu cam đó mà phải mang đồ ăn đến, sốt sắng đút mồi cho đứa con của "thiên hạ". Một điều đặc biệt là, nếu chim tu hú mẹ đẻ trứng "ký gửi" vào tổ các con chim khác như chèo bẻo và quạ, thì tu hú con lớn lên có cái biệt tài giả dạng giống y như các chú chim con khác cùng nằm chung trong tổ. Từ cách đòi ăn, tư thế nằm...cả đến màu lông thời kỳ này cũng thay đổi theo chim con cùng tổ. Trên đầu và lưng gã lông đều mọc đen tuyền như lông quạ, lông chèo bẻo, mẹ nuôi chỉ nhìn được phía trên đầu, trên lưng của bầy con nên ít khi khám phá được đứa con "lộn dòng" ẩn náu trong đám, thật tuyệt diệu. Đó cũng là một bí ẩn của thiên nhiên mà người ta không thể nào giải thích được. Nhưng cũng đừng vội kết tội tu hú, nó cũng là loại chim có ích cho nhà nông, tu hú ăn tất cả các loại sâu bọ, côn trùng hại lúa, hại trái cây (nhưng gã cũng là tên ăn trái cây non số một! ) Thôi thì, công tội của tu hú hãy để cho người đời phán xét...Riêng tôi, tếng chim tu hú là nỗi nhớ nhung, khắc khoải, nỗi lòng đau đáu nhớ quê hương, cũng như tiếng bìm bịp kêu nước lớn vậy. Nhất là khi được nghe những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
"Khi con tu hú gọi bầy Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần Vườn râm ran tiếng ve ngân Bắp rây vàng hạt, đầy sân nắng đào Trời xanh càng rộng, càng cao Đôi con diều sáo lộn nhào từng không..."
Vâng, tiếng chim tu hú kêu là báo hiệu đã vào mùa hè, trên đồng thì lúa chiêm chín vàng, trái cây trong vườn đã chín rộ...Những tiếng kêu khắc khoải:... "tu hú...ù...ù..." thoát ra từ các lùm cây nghe sao mà buồn thê thiết. Và trong mỗi người chúng ta, hình ảnh quê hương một buổi chiều mùa gặt như vẫn còn vấn vương đâu đó trong tâm não:
"Tu hú kêu giòn trên rặng vải Lúa chiêm chín trĩu gié no lành Mùi hương nhè nhẹ, êm êm toả Trên cánh đồng quê nhạt sắc xanh. Thợ gặt lô nhô khắp cánh đồng Những vành nón trắng úp lưng cong Ven bờ bầy trẻ ngây ngô hát Khi lũ bò đang uống nước sông Trên nẻo đường vòng tới xóm quê Nhà nông gánh lúa rủ nhau về Mặt bừng đỏ thắm, mồ hôi ướt Từng lớp dần xa khuất luỹ tre..."
Tiếng chim tu hú và tiếng chim vịt kêu chiều, tiếng bìm bịp kêu nước lớn đã theo tôi suốt một thời tuổi trẻ lênh đênh phiêu bạt. Khi còn trong quân ngũ, mỗi lần đơn vị dừng quân ở một làng quê nào, mỗi lần nghe tiếng chim tu hú buồn khắc khoải, nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cứ da diết trong lòng tôi và các đồng đội của tôi...theo từng lời bài thơ của nữ thi sĩ Anh Thơ:
"Bỗng tiếng chim tu hú Đưa từ vườn vải ra Quả bắt đầu chín bự Ngọt như nỗi nhớ nhà! Rồi tiếng chim tu hú Vang suốt những mùa hè Con đi dài thương nhớ Mười năm chửa về quê!"
Quê tôi ở miền sông nước Tây Nam bộ nên không có những vườn vải chín ngọt lịm, cũng không có hoa gạo đỏ rực khi mùa hè đến... Chỉ có hoa phượng vỹ đỏ rực trên những tàn cây, nhưng tiếng chim tu hú thì ở nơi nào trên quê hương cũng được nghe và mỗi lần nghe là mỗi lần nỗi nhớ dâng đầy trong tâm khảm.
Bây giờ, sống ở nội ô thành phố Mỹ Tho, ồn ào tàu xe, với nhịp đời hối hả, không còn được nghe tiếng chim tu hú gợi nhớ quê hương khắc khoải trong những lùm cây. Nhưng trong lòng những đứa con xa quê chắc ai cũng như tôi, cũng cồn cào nỗi nhớ quê cho dù không còn nghe tiếng chim tu hú. Bởi, "quê hương mỗi người chỉ một" mà! Hoàng Đứchttp://www.tiengiang.gov.vn/xemtin.asp? ... =2&id=5567-------------------- - Trong bài, tác giả nói tiếng chim tu hú báo hiệu mùa hè. Vậy có lẽ tu hú kêu dài dài từ trước tết cho tới hè luôn? Lâu quá rồi TNP không nhớ (giai đoạn sau tết), chỉ nhớ hễ sắp tết là nghe hu hú kêu. - Ở chỗ của TNP (bây giờ là Long An, tách ra từ xã Tân An xưa) thì vậy. Còn ở chỗ của bạn (xã Long Phú, Long Sơn, Phú Vĩnh, Châu Phong,...) thì sao, hồi xưa có chim tu hú hông nhỉ? - Ngày nay ai thấy ở đâu còn chim tu hú, làm ơn mách giùm TNP nhé. TNP cám ơn trước. TNP
|
|