NGV xin gởi đến các bạn Tùy Bút của TCT:
Nhân kỷ niêm ngày Nhà Giáo VN (20-11) xin kính chúc quý Thầy Cô trước đây và bây giờ của trường Trung Học Công Lập Tân Châu (nay là trường THPT Tân Châu) tràn đầy sức khoẻ, gia đình hạnh phúc.
Ðặc biệt quý Thầy Cô từng giảng dạy từ năm 1964 đến 1975 được hưởng tuổi già trọn vẹn bên đàn con cháu. Bài viết sau đây của em kính gởi đến quý Thầy Cô như một lời tri ân sâu sắc.
TẢN MẠN
Ðã lâu không gặp Thầy Phúc, hôm qua gặp Thầy dưới chợ, Thầy mời vào quán cà-phê. Hỏi thăm lẫn nhau. Vui miệng nhắc đến Ngày Nhà Giáo. Cuộc sống khó khăn, công việc bề bộn nên ít để ý đến những chuyện khác, nhưng nghe nói đến "Lễ Nhà Giáo” tôi thấy nao nao.
Tôi và Thầy Phúc nhắc lại những kỷ niệm thời Thầy đi dạy, tôi còn đi học. Mặc dầu hiện thời tôi cũng đứng tuổi, nhưng trước mặt Thầy tâm trạng tôi vẫn là một cậu học trò ngày nào. Vẫn e dè, vẫn sợ Thầy, vẫn nghe lời Thầy nói như lời giáo huấn và nhất là vẫn thấy mình bé nhỏ. Thầy Phúc bảo lúc làm hiệu trưởng, có những học sinh trễ học, chúng thường viện đủ lí do: xe hư, trể đò, v.v… Ðể kiểm chứng Thầy chỉ nhìn vào tay của nó: nếu do xe hư thì tay ít nhiều cũng dính nhớt, còn do thụt bi-da thì trên áo ắt còn dính phấn, trể đò thì đến trường hố hải thở gấp hơn vì phải đạp nhanh v.v…Thầy trò cười ngất vì chính tôi cũng hơn một lần thụt bi-da rồi bảo xe hư!
Ở xứ Á Ðông mình, người Thầy luôn chiếm một vị trí kính trọng trong xã hội. Thời Nho học thì khỏi nói. Khổng Tử mất, học trò có nhiều người cất nhà gần mộ chịu tang ba năm. Tuy thời nay không ai làm thế, nhưng hình ảnh người Thầy luôn cao vòi vọi. Ngay cả những người chưa từng bước chân đến trường vẫn tôn trọng Thầy Cô. Họ dùng chữ “Thầy” hay ”Cô” một cách trân trọng. Tinh thần "tôn sư trọng đạo” người Việt mình thể hiện rất rõ.
Thầy Nghĩa có lần kể tôi nghe: Sau năm 1975 Thầy nghỉ dạy, chuyển nghề buôn bán nhỏ. Hôm ấy có một khách hàng mời Thầy uống cà-phê. Trong tiềm thức của Thầy, người này thấy quen, nhưng không nhớ nỗi.Thầy vui vẻ nhận lời. Vừa kêu cà-phê xong, hắn nói với Thầy: -Thầy không nhớ em sao? Thầy Nghĩa xin lỗi, vì học trò quá đông, nhất thời không nhớ rõ, nhưng hơi ngờ ngợ. Hắn tiếp: - Bận đó em bị Thầy cho một “cặp soi” hạnh kiểm đó! (điểm hai mươi nên 0 điểm phải ghi là ”00”) Thầy Nghĩa giật mình, không biết em này nhắc với ý gì đây? Liền cười trừ, chưa kịp nói thì hắn tiếp: - Nghĩ lại thời học trò sao mà “quậy” quá! Làm Thầy Cô phải phiền lòng… Thầy Nghĩa thở phào nhẹ nhõm. Chừng ấy mới thấy ly cà-phê ngon.Tưởng đâu… Có lần, một người đàn ông đầu điểm sương ở cùng làng đến gặp Ba tôi, nói: - Nhà con mới cất xong, mai này cúng ông bà để dọn về ở. Xin Thầy vui lòng đến "chứng” cho con. Ba tôi ngạc nhiên: - Có Ba Má em được rồi, cần chi đến Thầy? - Dạ, nhưng con lại rất cần Thầy. - Thì hai người ấy được rồi… Người ấy thành khẩn: - Xin Thầy đến với con, con muốn lấy cái Ðức của Thầy. Cha mẹ sanh ra con, nhưng Thầy dạy con chữ ”i” chữ “t” và cho con lẽ sống… Tôi thấy Ba tôi xúc động, cặp môi run run, đưa tay sửa lại chiếc kính, từ tốn nói: - Thầy sẽ đến, sẽ đến… Hai câu chuyện về hai người học trò, đơn giản, nhưng bên trong là cả một tấm lòng. Hôm trước có việc đi Sài-Gòn, tôi gọi điện hẹn với Thầy Nghĩa sẽ đến thăm Thầy. Sợ tôi lạc đường, Thầy ra tận đầu hẻm đón. Gặp tôi Thầy mừng lắm. Tối đến rủ tôi đi ăn. Vì không rành đường nên tôi để Thầy chở. Sài-Gòn vào đêm sáng rực đèn màu, xe cộ chật cứng khác xa thời tôi còn đi học. Tôi và Thầy tìm một quán khá đông khách. Thầy bảo quán này ngon. Tự tay thầy pha cho tôi chén nước chấm. Tôi kiêng mặn nhưng hôm ấy vẫn chấm. Hỏi thăm, Thầy vẫn đi dạy ”gia sư”. Thầy bảo còn sức nên muốn chia bớt gánh nặng cho con cái. Vả lại nghề dạy học đối với Thầy là niềm vui. Thời gian tạm nghỉ, ra buôn bán, nhưng vẫn không quên những ngày còn đi dạy. Bây giờ gần bảy mưõi tuổi Thầy cũng không muốn rời! Năm nào nghe học trò đậu nhiều Thầy rất mừng, quên đi nỗi mệt nhọc. Tôi ngồi sau lưng nghe Thầy nói, giọng Thầy hơi run, tay lái không còn nhanh nhẹn. Tôi khuyên Thầy nên bớt đi lại nhiều, xe cộ quá đông sợ nguy hiểm. Thầy bảo cái khổ của Thầy chính là lúc ở không. Tôi thấy xót xa, nhưng không biết nói sao. Nhìn hàng chữ quảng cáo nhảy múa bên đường, lòng buồn mênh mang.
Ðêm ấy tôi ngủ nhà Thầy, tôi xin được ngủ chung cùng Thầy. Trong giấc mơ ngắn ngủi, tôi thấy lại Ba tôi một tay sửa kính nói với người học trò tóc bạc hoa râm: -Thầy sẽ đến, sẽ đến…
TCT
|