MINH HỌA (4 CÂU HÒ) Ông dung Thông
Viết 4 câu nói lối / hò/ ngâm sa mạc/ thơ Vân Tiên… đầu bài vọng cổ giống như trong bài “Tình Anh Bán Chiếu” có dễ không? Thiệt không dễ chút nào ! Không dễ đối với người mới tập viết đã đành, mà đối với những “soạn giả” đã thành danh lâu năm, từng “cống hiến” tài năng, sức lực trên lãnh vực sáng tác cổ nhạc, viết được như vậy vẫn còn là điều khó. Ngày nay các ông, bà soạn giả hình như… ít có cảm tình với mấy câu nói lối thông thường trước khi vào vọng cổ như kiểu vọng cổ xưa. Chỗ của mấy câu nói lối bây giờ thường là 1 bài bản nhỏ. Tôi đoán là vì các soạn giả hiện đại có ý tưởng quá dồi dào, quá tràn trề, 4 câu lối không đủ sức dung chứa .Vì vậy mà tìm được đôi bài vọng cổ có phần nói lối mở đầu cũng hơi cực. Phải click bảy, tám bài mới thấy một bài có nói lối. Thôi thì tạm mời các bạn xem và… suy nghiệm 2 minh họa sau đây:
NGÀY BÁC VÔ THĂM Thanh Hải
NÓI LỐI Ai có một lần ra thăm miền Bắc Có đứng dưới nắng Ba Đình bên lăng Bác kính yêu Có thấy hàng tre xanh nghiêng theo gió đông về Lòng có nghe gợn theo từng con sóng trên mặt nước Hồ Gươm xanh biếc.
Điều đầu tiên khiến tôi vô cùng ngạc nhiên đến phải căng mắt ra mà nhìn, căng thần kinh ra mà suy nghĩ xem tác giả muốn nhấn mạnh cái gì ở đây mà ngang nhiên, thoải mái “chơi” luôn một lèo 4 từ “có” thế này ? ! . Tìm hiểu mãi vẫn không thấy chút gì có thể gọi là “ý đồ nghệ thuật” của người viết, tôi buộc phải kết luận rằng chẳng qua Ông/Bà soạn giả này viết bừa cho xong 4 câu nói lối để nhanh chóng chuyển qua câu vô vọng cổ (chắc là ý tưởng cao vút, lối hành văn tân kỳ lắm) mà thôi.
Những người mới tập viết như chúng ta, sau khi diễn được 4 câu như vậy rồi, thế nào cũng dành ít thì giờ gọt giũa lại cho câu văn bớt nặng nề, luộm thuộm đôi chút. Thí dụ:
Ai đã / từng một lần ra thăm miền Bắc Đứng dưới nắng Ba Đình bên lăng Bác kính yêu Ngắm hàng tre xanh nghiêng theo gió đông về Lòng có nghe gợn theo từng con sóng trên mặt nước hồ Gươm xanh biếc
Đó là mới sửa cái lỗi điệp tự thôi. Còn: -“Ngắm (chữ “thấy” của tác giả non nớt quá) hàng tre xanh nghiêng theo gió đông về” thì yếu lắm. Hơn nữa: -“Lòng có nghe gợn” thì phải “gợn” một nỗi niềm gì cụ thể (niềm thương kính người nằm trong lăng chẳng hạn), chớ sao chỉ “gợn” rồi đành đoạn… cho chìm luôn ?
BÔNG BỒN BỒN RỤNG TRẮNG Sng tác: NSƯT Trúc Linh
Nói lối: Anh nói tiếng thương tôi từ những ngày đầu nhập ngũ Tưởng anh nói đùa, có vậy rồi thôi. Nào ngờ đâu hơn ba mươi năm tôi gặp anh tại Đầm Dơi Anh vẫn nói tiếng thương tôi trong sự ngỡ ngàng của đồng đội.
Thật đáng buồn khi thấy một NSUT mà không hề biết “cưng” đứa con tinh thần của mình chút nào. Hay đã là NSUT rồi thì tha hồ phóng bút viết càng ?
1.Sao không gạt phăng đi từ “tiếng” trong câu 1 và câu 4 ? 2.Từ “có” trong câu 2, ôi !...sao lại “có” nhỉ ??? Rõ ràng ý người viết ở đây là “Tôi tưởng anh nói đùa, nói rồi quên ngay” , hoặc “Tôi tưởng anh nói đùa, đùa xong là không còn nhớ nữa” 3.Câu 3…hình như thiếu 1 chữ “lại” thì phải ? 4.Cái ý “Anh vẫn nói thương tôi, khiến tôi, người đồng đội của anh (khi xưa, hoặc / và ngay cả bây giờ) ngỡ ngàng” diễn chưa được rõ. Nguyên văn câu này dễ khiến người ta hiểu như vầy: Anh cao giọng tỏ tình giữa chốn đông người, khiến đồng đội xung quanh tôi và anh ngỡ ngàng (sao lại có kiểu tỏ tình “chát chúa” đến thế)
Hai dẫn chứng trên đây tạm đủ giúp các bạn đừng quên điều này: muốn viết đôi câu cho gọn gàng, sáng sủa và mạch lạc đúng tinh thần bình dị của văn vọng cổ là điều không hề đơn giản.
Xin hết sức cẩn trọng !
|