PHÂN TÍCH TÌNH ANH BÁN CHIẾU – MINH HỌA 2&3.1 Ông dung Thông
Chắc các bạn trẻ thân mến của tôi, những cây viết đang tập tành sáng tác Vọng cổ, chưa quên là trong khi phân tích câu 2 & 3 tôi đã đưa ra nhận xét:
“Trong những bài Vọng cổ thời hoàng kim không bao giờ có một tình tiết không rõ ràng. Mọi tình tiết đều rõ đến mức người nghe không còn phải thắc mắc gì cả. Nếu có một tình tiết nào, ở đâu đó, chưa rõ; chắc chắn sẽ có giải thích tường tận liền ngay sau đó.”
Tính minh bạch, hợp lý của các sự kiện, tình tiết là 1 trong những yếu tố mang tính quyết định cho giá trị bài Vọng cổ của bạn.
Bất kể sự kiện, tình tiết mà bạn muốn chuyển tải tới người nghe là gì, nếu chúng không rõ ràng, hợp lý, thì cuối cùng, kết quả công sức lao động trí tuệ của bạn không phải là một tác phẩm văn học mà chỉ là… một đống từ tội nghiệp.
Thật đáng buồn là chúng ta đã có quá nhiều đống từ tôi nghiệp !
Mời các bạn xem một “bài vọng cổ” tiêu biểu:
Bài này kể cho chúng ta nghe 1 câu chuyện tình; không, chính xác thì chỉ là một khoảnh khắc đột biến trong tâm hồn một cô đào hát đang yêu. Dù nội dung bài hát không nói rõ, nhưng chúng ta dễ dàng đoán ra đây là mối tình… nghiêm chỉnh, thời gian yêu nhau đủ lâu và tình yêu của họ đủ sâu để tính tới hôn nhân. Thời điểm của chuyện kể bắt đầu lúc cô gái ngồi chờ phà sang sông. Bên kia sông là gia đình chàng trai. Hôm nay là lần đầu cô đến nhà người yêu để cha mẹ chồng tương lai xem mắt.
Trong khi ngồi chờ chuyến đò ngang, cô đào hát chợt nhìn thấy…đám lục bình đang “bỡ ngỡ chọn dòng trôi” trên ngã ba sông.
Cô suy nghĩ vẩn vơ.
Cô lý sự cùn với chính mình.
Và thế là, cuối dòng suy nghĩ bâng quơ ấy là…đám tang mối tình cô đào hát !
Đây, câu chuyện được kể như vầy:
[b]NHƯ LOÀI HOA ẤY Sáng tác: Hà nam Quang
Ngã ba sông chia ba dòng nước Bông lục bình bỡ ngỡ chọn dòng trôi Hành trang mang theo là màu hoa tím Lục bình cũng muốn chọn cho mình một bến Nhưng lại ngại dòng trong, đục, rủi, may Bến chợ Gò Quao Đợi chuyến đò ngang thương tâm sự lục bình Nay đó mai đây như đời nghệ sĩ Sáng Ngọn, tối Vàm, vừa nở, vừa trôi.
VỌNG CỔ [/b] 1.Về thăm quê anh bên dòng sông Cái Lớn, nhìn lục bình trôi giữa ba ngã sông…chiều. Đa cảm làm chi tâm sự Thúy Kiều. Thấy lục bình trôi chợt thấy lòng se lại, nghĩ phận mình cũng rày đó mai đây. Sân khấu đèn mờ khóc mướn thương vay, thầm cầu mong một bến bờ trọn vẹn. Đến quê anh rồi nửa sợ, nửa lo; biết mẹ cha anh có thương dâu đào hát?
2.Lục bình ngoài sông ngập ngừng tìm lối rẽ, em đến quê anh nghe trong dạ lo… nhiều Đẹp lắm anh ơi những tình cảm ban đầu Nhưng tình đẹp khác chi cành hoa mỏng, hoa sớm tàn ai giữ được mà mong.
LÝ CON SÁO (4 câu cuối)
Nước sông đầy lòng đau rẽ đôi Thương thân hoa vừa nở, vừa trôi
Từ đầu bài hát cho đến chỗ này, chúng ta thấy mọi thứ diễn ra bên trong cô đào hát chỉ là những cảm xúc bình thường, ở một mức độ bình thường của một con người bình thường. Cô nhìn hoa lục bình trôi theo dòng mà nghĩ tới thân phận nghệ sĩ “nay đó mai đây”, “Sáng Ngọn, tối Vàm, vừa nở vừa trôi” của mình. Tất cả chỉ là những suy nghĩ nhẹ nhàng như chút gió heo may, thoáng qua trong tâm hồn vốn đa cảm của một người nghệ sĩ ; rất… đời thường.
Thế mà bỗng dưng, 2 câu tiếp theo của bài Lý con Sáo làm người ta…chưng hửng:
Đò cặp bến em không dám sang Tím màu hoa hay tím trong lòng em.
Các bạn có thể nào chấp nhận những suy nghĩ , xúc động trong lòng cô đào hát như tác giả mô tả ở phần trên, lại có thể mãnh liệt đến độ “tím lòng em” không ?
Nếu lòng cô ấy chưa thể nào “tím”được chỉ với những cảm xúc bâng quơ đó, thì cái việc “Đò cặp bến em không dám sang” là điều cực kỳ phi lý. Toàn bộ phần còn lại của bài hát không có thêm một lý giải nào về việc cô đột ngột đổi ý. Gần như chỉ là lập lại những cảm xúc đã diễn ở phần trên. Mời các bạn xem:
NÓI LỐI
Đò cặp bến em vẫn còn đứng lại Biết anh buồn em, sẽ hỏi tại vì sao Bến sông sang, người đợi bắc nhịp cầu Nhưng tình đẹp trớ trêu là khoảng cách
PHỤNG HOÀNG (Câu 5-10)
Em biết rồi đây anh sẽ ôm nỗi đau mong đợi Nghe gió lùa mái hiên mà tưởng bóng em về Đừng trách chi khi em đi mà không nói một lời Kiếp cầm ca đã nặng mang nợ dâu tằm Nở tím làm chi lục bình trên sông lạnh Tâm sự buồn dấu sau bức màn nhung Lắng tiếng đàn khuya nỉ non cung bậc Không ai phụ ai nhưng lại đôi đường Một trái tim đơn, hai nẻo đoạn trường Bông lục bình như đời nghệ sĩ tha phương Gò Quao ơi, nơi ấy tôi thương Ba ngã sông chiều, tím lục bình trôi
6. Em quay về kiếp cầm ca phiêu bạt, chợ Gò Quao bến nước vẫn xôn xao. Chỉ có em nhìn về phía dòng sông, gởi tâm sự vào loài hoa dại. Chiều rớt nắng mặt sông bàng bạc, em rớt từng bước nhỏ trở về quê. Gò Quao như người thân vừa mới chia xa, để lòng nghe nhớ, nghe thương trăm chiều. Nhớ đến em, anh hãy ngắm dòng sông, nơi có lục bình trôi vô định. Anh ơi, em đã đi rồi Như loài hoa ấy, vừa trôi, vừa buồn.
Các bạn trẻ thân mến !
Tôi tin các bạn đồng ý với tôi rằng quyết định của cô đào hát trong bài Vọng cổ này là phi logic, là không thể nào xảy ra trong thực tế.
Thời @ đã có quá nhiều bài Vọng cổ phi logic rồi !
Tôi mong sao các bạn để tâm hơn nữa tới tính logic trong những sáng tác sắp tới của mình.
|