NHỚ CON TRÂU QUÊ NHÀ


Sống ở nông thôn, tuy nhà không có một cục đất chọi chim, nhưng trong ký ức tuổi thơ của tôi, hình ảnh đồng ruộng, hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn, hình ảnh con trâu, con bò chiếm một phần không nhỏ.

Lúc máy cày chưa thịnh hành thì con trâu/con bò là tay giúp việc đắc lực của con người, là một trong những “người bạn” của nhà nông. Chúng giúp nông dân làm những việc nặng nhọc như cày/bừa ruộng đất, vận chuyển nông sản, đạp lúa,…

Con trâu/con bò rất gắn bó với người dân quê tôi. Người lớn dùng trâu/bò để làm ăn. Con nít, nhứt là con trai, khi đi vô đồng chăn trâu/bò, có dịp tụ tập với nhau chơi những trò chơi thôn dã: giựt số, vật lộn, cút bắt, ca sáu câu vọng cổ “bù lon”, tát đìa bắt cá,…


 

 

Hồi đó, trong đồng, đất ruộng, đường cộ rộng mênh mông nên có nhiều nơi người ta có thể buộc hoặc thả trâu/bò cho nó đi ăn cỏ tự do. Vào mùa (?) cỏ trong đồng xanh tươi thì thì trâu /bò tha hồ ăn cỏ tươi.

 



Khi làm lúa xong thì người ta lấy rơm chất thành “cây rơm” dự trữ cho những khi khan hiếm cỏ (như trong mùa nước nổi chẳng hạn). Hồi đó, mỗi lần thấy chúng nhai rơm là tôi lại thấy thật tội nghiệp: tôi tưởng tượng chúng ăn rơm tương tự như con người phải trợn mắt nhai cơm khô.

 

 

Có lẽ người dân quê không ai lạ gì cảnh con trâu/bò kéo cày/bừa. Nếu bò thì dùng 1 cặp, một con “ví”, một con “thá”*, còn trâu khỏe hơn thì người ta chỉ dùng 1 con, những việc nặng nhọc lắm thì mới dùng một cặp. Những tiếng la “Ví…ví dô… thá…thá…” cùng với cả… tiếng chửi thề và tiếng roi quất “chót... chót…” của người chủ khi điều khiển trâu/bò là những âm thanh rất quen thuộc đối với bọn tôi hồi đó. Những lúc chứng kiến cảnh làm việc nặng nhọc và bị đòn của bọn trâu/bò, tôi thấy thật tội nghiệp rồi lại nghĩ chắc là tại chúng làm ác ở kiếp trước nên kiếp này phải chịu đọa đày như vậy!

 

 

 

Nhưng có lẽ cảnh khủng khiếp nhứt mà một số con trâu/bò thời đó phải chịu là cảnh bị thiến. Trời ơi! Không biết bằng cách nào đó mà người ta trói được 4 chân chúng lại, để hai “hòn dái” của chúng lên một tảng đá rồi dùng búa tạ đập lên! Con vật đau đớn vẫy vùng… người ta cứ đập, dần mãi… Người này mỏi tay thì thay người khác… Đập, dần đến chừng nào 2 hòn dái đó nát bét ra, chỉ còn là cái túi da thì họ mới thôi! Lúc đó tôi thầm nhủ “con người ta sao quá dã man như vậy!”. Không biết ngày nay người ta có còn thiến chúng theo kiểu dã man như vậy nữa hay không!?

Tuy nhiên, nhìn chung, người nông dân rất yêu quí những con trâu/bò của mình vì chúng vừa là bạn, vừa là tài sản, vừa là công cụ của họ. Cứ nhìn họ âu yếm chúng lúc rảnh việc, đốt lửa ung, giăng mùng cho chúng khi có quá nhiều muỗi thì biết. Ngày mùng 3 tết, khi các đồ vật trong nhà được ăn tết thì những con trâu/bòthân yêu của họ cũng được ăn tết (được dán giấy vàng bạc vào sừng). Có lẽ đó cũng là những cách họ thể hiện lòng biết ơn đối với con vật cần mẫn này.

Chắc ai cũng còn nhớ bài học mà Thầy Cô ở Tiểu Học đã dạy cho mình hồi nẳm:
“Trâu ơi, ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đâu trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Dẫu rằng vất vả khó khăn
Cùng trâu ta tiến phăng phăng không lùi”

Thường gia đình cỡ trung nông trở lên mới có nuôi trâu/bò, vì giá một đôi trâu/bò hồi đó cũng không rẻ.
Hơn nữa, đã có trâu/bò thì đất phải rộng để có thể làm chuồng cho chúng ở, phải có nhân công để chăn dắt.
Trong làng, trong xóm tôi, rải rác có nhiều nhà nuôi trâu/bò. Riêng trâu thì tôi nhớ rõ có nhà Cậu Hai Đảo, rể của bà Tư Dậu có nuôi một cặp. Do nó to lớn, đặc biệt là đôi sừng cong vút và nhọn hoắc nên tôi rất sợ. Thường mỗi lần đi ngang nhà Bà Tư, tôi cứ lấm lét nhìn mấy con trâu trong chuồng bên hông nhà. Nếu chúng đang nằm mắt lim dim, miệng nhai lại thì tôi yên tâm, còn như chúng đang thức tỉnh và di chuyển trong chuồng thì tôi cứ sợ nó sẽ xông ra rượt mình chém (có lẽ do ám ảnh cảnh trâu chém lộn?). Đi vô đồng, khi gặp có đám trâu/bò tụ tập là tôi thường lãng ra xa vì sợ chúng trở chứng nửa chừng. Mặc dù sợ trâu/bò nhưng tôi cũng rất ham được cưỡi xem nó như thế nào. Có lần, ông anh họ giúp tôi trèo lên được lưng bò ngồi với anh, thật là khoái! Nhưng khi con bò bước đi, hai vai nó nhúc nhích lên xuống thì tôi sợ quíu, miệng la bài hãi đòi xuống.

Bây giờ mỗi lần nhìn thấy đường đi quá lầy lội, tôi hay buột miệng: “Đường sá gì mà lỗ hang như cái hầm trâu!. Nói rồi chợt giật mình: Bây giờ còn bao nhiêu đứa trẻ biết được cái hầm trâu ra sao!

 

 

 

Bây giờ, có ai tin hông, mỗi ngày tôi đều có những phút nhớ đến con trâu đó. Nửa đêm có dịp đi ra nhà sau, mỗi khi đi ngang cái tủ lạnh, nghe nó “thở phì phò” (ban đêm thanh vắng mới nghe rõ tiếng máy chạy) là tôi lại nhớ đến những con trâu nằm thở phì phò, mắt lim dim, miệng nhai lại sau giờ làm việc mệt nhọc ở quê nhà hồi nẳm.

Xuân Kỷ Sửu sắp đến, dù đang rất bận nhưng tôi cũng ráng viết tản mạn vài điều không đầu đuôi về con trâu quê nhà như vậy.

 

TNP

 

Trở về trang Xuân 2009